Huế tiến tới đô thị giảm nhựa
- Tây Y
- 22:07 - 16/11/2021
Dự án “Huế - Đô thị Giảm Nhựa ở miền Trung Việt Nam” được tài trợ bởi Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên – WWF (WWF Việt Nam). Dự án sẽ hỗ trợ TP Huế bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan. Mục tiêu là đến năm 2024, Huế trở thành Đô thị Giảm Nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi. Dự án được thực hiện trong 4 năm, từ năm 2021-2024 và được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn khởi động dự án (2021) và giai đoạn triển khai thực hiện (2022-2024) với mong muốn đưa Huế trở thành một điểm đến không rác nhựa vào năm 2030.
Theo các chuyên gia, TP Huế bao gồm cả phần diện tích mở rộng, có một hệ thống sông tự nhiên và nhân tạo dày đặc cùng đổ vào đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Hiện nay khu vực này đã và đang bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi các hoạt động xả thải trực tiếp rác thải trên sông Hương và các hoạt động xả thải của các khu vực dân cư sinh sống dọc theo hệ thống các sông chảy qua địa bàn thành phố. Mặc dù tỷ lệ thu gom rác thải ở TP Huế rất cao, đạt 98% vào năm 2020, song ô nhiễm rác thải nhựa vẫn đang là một vấn đề môi trường nghiêm trọng ở một số lưu vực sông hồ xung quanh Hoàng Thành, các khu chợ ngoài trời, bãi biển công cộng…
Việc thất thoát rác thải nhựa góp phần làm tắc nghẽn các dòng sông và đe dọa các hệ sinh thái và môi trường biển, ven biển, tác động tiêu cực đến các lĩnh vực quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội. Theo số liệu thống kê cơ bản, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở TP Huế khoảng 407,2 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm hơn 15,4%. Trong đó, khối lượng rác thải nhựa thất thoát vào môi trường ở thành phố Huế ước tính vào khoảng 3,13% so với tổng khối lượng rác thải phát sinh
Qua kết quả đánh giá ban đầu của các nhóm nghiên cứu cho thấy, hơn 83% hộ được phỏng vấn ở khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cho rằng rác thải nhựa gây tác hại xấu cho sức khỏe con người; 59,1% cho rằng, rác thải nhựa tác động xấu đến môi trường đất và các loại sinh vật biển.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình Giảm Nhựa – WWF Việt Nam cho rằng, dù đã có rất nhiều nỗ lực từ địa phương trong công tác giảm thiểu và quản lý rác thải, nhưng trên thực tế ô nhiễm rác thải nhựa vẫn là một vấn đề rất được quan tâm. Đặc biệt, những ảnh hưởng tiềm ẩn đến sinh kế của người dân sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản ven bờ, do việc ô nhiễm này có thể dẫn đến giảm nguồn lợi thủy sản.
Theo báo cáo đánh giá của nhóm nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Công nghệ Môi trường miền Trung, khối lượng rác thải nhựa thất thoát hàng năm ở vùng Huế trung tâm là 350 tấn; đối với vùng Huế mở rộng là 366 tấn. Kết quả khảo sát của nhóm cũng cho biết các điểm nóng về rác thải nhựa xuất hiện tại 15/36 phường/xã của TP Huế. Có 19 vị trí điểm nóng và tập trung nhiều ở vùng Huế mở rộng, trong đó Phường Phú Thượng và xã Phú Thanh có số lượng điểm nóng về rác thải tập trung nhiều nhất, với 2 đến 3 điểm nóng. Tại thời điểm khảo sát, các điểm nóng rác thải nhựa xuất hiện ở trên mặt đất chiếm 73,7% và trên các thủy vực chiếm 26,3%.
Ngoài ra, các điểm nóng phân bố sát đầm phá hay sông ở phường Thuận An và xã Hải Dương cũng có nguy cơ phát tán rác thải nhựa ra các thủy vực qua dòng chảy mặt khi có mưa hoặc gió lớn.
Theo nhóm nghiên cứu, sự thất thoát rác thải nhựa chủ yếu xuất phát từ lượng chất thải rắn không được thu gom triệt để và đến từ vấn đề nhận thức của người dân. Hiện nay, dịch vụ thu gom và vận chuyển rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Huế được thực hiện bởi Công ty Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) và Công ty TNH Hằng Trung, trong đó HEPCO thu gom, vận chuyển toàn bộ vùng trung tâm, còn Hằng Trung phụ trách 5 xã, phường mới sát nhập từ huyện Phú Vang vào TP Huế. Qua khảo sát, đánh giá cho thấy, có sự khác biệt khá lớn trong hệ thống thu gom và vận chuyển ở vùng Huế trung tâm và vùng Huế mở rộng.
Cụ thể, trong vùng Huế trung tâm, hầu hết các điểm thu gom đều sạch sẽ, đôi khi có thể nhìn thấy rác thải xung quanh các thùng rác công cộng. Tại vùng Huế mở rộng, rác rơi quanh thùng, hoặc đặt bên ngoài thùng rác khá nhiều, rác xuất hiện nhiều ở các trục đường chính. Tỷ lệ rác thải không được thu gom hoặc xả thải vào cống rãnh, sông ngòi cũng khá nhiều ở vùng Huế mở rộng.
Bên cạnh đó, các phương tiện vận chuyển rác ở vùng Huế trung tâm được trang bị khá hiện đại với thùng kín nhưng tại vùng Huế mở rộng xe vận chuyển không được trang bị các biện pháp bảo vệ môi trường đầy đủ, như là thùng rác không có chức năng ép rác, không gắn GPS và thùng rác hở. Vùng Huế trung tâm đang sử dụng thiết bị GPS để giám sát hoạt động thu gom và vận chuyển, trong khi vùng Huế mở rộng không có.
Ngoài ra ở vùng Huế trung tâm, các tổ trưởng cũng giám sát công việc thường xuyên hơn. Tại vùng Huế trung tâm, người lao động được khám sức khỏe định kỳ, được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng như trang bị bảo hộ cá nhân. Trong khi đó, tại vùng Huế mở rộng, có một số công nhân thu gom không được mua bảo hiểm. Ngoài ra việc thu gom bằng xe đẩy tay ảnh hưởng khá nhiều đến sức khoẻ của công nhân và đôi khi gặp nguy hiểm trong quá trình thu gom. Ở vùng Huế mở rộng, việc công nhân đứng ở đuôi xe trong quá trình thu gom cũng không an toàn.
Ông Nguyễn Trung, Giám đốc Công ty TNHH Hằng Trung lý giải, sở dĩ có sự khác biệt nêu trên là do đơn giá dịch vụ, nguồn kinh phí vận hành và tần suất thu gom. Theo ông Trung, địa bàn Huế mở rộng trước đây vốn là vùng nông thôn nên có sự khác biệt rất lớn với vùng trung tâm về đơn giá dịch vụ và theo hợp đồng thì đơn vị cung ứng dịch vụ sẽ tiến hành thu gom, vận chuyển theo tần suất 3 ngày/1lần. Về chất lượng phương tiện thu gom, vận chuyển, do Hằng Trung là đơn vị tư nhân nên vốn đầu tư 100% của doanh nghiệp, không thể so sánh với đơn vị có vốn Nhà nước là HEPCO. Trong khi đó, đơn vị cũng chỉ mới hoạt động trong lĩnh vực môi trường khoảng 4 năm trở lại đây nên không thể một sớm, một chiều có thể hoàn chỉnh mọi thứ. Về bảo hiểm, ông Trung thừa nhận đơn vị có nhiều lao động không đóng bảo hiểm, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ông Trung cho rằng, khi ký hợp đồng thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt với huyện Phú Vang, Công ty Hằng Trung buộc phải sử dụng lại lao động của các hợp tác xã, tổ thu gom rác tại các địa phương thuộc huyện này. Đa số lao động có thu nhập thấp, một số lớn tuổi nên không có nguyện vọng tham gia bảo hiểm các loại.
Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho rằng, chất lượng dịch vụ và phương án thu gom rác thải phụ thuộc vào kinh phí đặt hàng. Theo ông Song, hiện có 5 phường, xã thuộc địa bàn mở rộng do Công ty TNH Hằng Trung đảm trách theo hợp đồng cũ với UBND huyện Phú Vang, do đó thành phố chưa thể thực hiện việc giám sát hay có tác động nào trong thời gian này. “Sang năm 2022, khi hợp đồng cũ kết thúc, thành phố sẽ tiến hành đánh giá lại. Sau đó sẽ tính toán, có phương án trình Thành uỷ, HĐND thành phố quyết định và tổ chức đấu giá công khai, lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ tốt nhất cũng như có đơn giá hợp lý”, ông Song cho biết thêm.