THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 01:04

Huấn luyện viên bơi quốc tế: Đang ở trên cạn mà bị đẩy xuống nước là cảm giác rất kinh khủng, trẻ sẽ bị sang chấn tâm lý

Những ngày qua, dư luận xôn xao khi xem một số clip ghi lại cảnh học bơi của 1 bé trai còn khá nhỏ tuổi. Hình ảnh bé gào khóc thảm thiết, không sẵn sàng bước xuống bể bơi nhưng vẫn bị đẩy xuống khiến người xem, đặc biệt là các bố mẹ có con nhỏ không khỏi xót xa, đồng thời vô cùng bức xúc với cách dạy bơi mà bé được áp dụng.

Không chỉ về vấn đề tâm lý mà nhiều người còn lo lắng cho sức khỏe của em bé khi vừa khóc vừa bơi, rồi đang gào khóc đã bị "ném" thẳng xuống nước như thế sẽ dễ bị sặc nước, thậm chí là bị nước vào phổi có thể dẫn đến tình trạng đuối cạn.

Trẻ chắc chắn sẽ bị sang chấn tâm lý

Khi xem những clip học bơi này, chị Lê Thị Mai Khuyên – huấn luyện viên dạy bơi và an toàn dưới nước do AUSTSWIM (Hiệp hội bơi lội Úc) cấp chứng chỉ, hiện đang dạy bơi tại Trung tâm Starfish, nhận xét: Dạy bơi cho trẻ sơ sinh và trẻ mầm non có nhiều phương pháp khác nhau, ở nước ngoài cũng có trung tâm dạy bơi theo phương pháp này. Bản thân phương pháp này hiện nay cũng đang vấp phải nhiều ý kiến gây tranh cãi. Bố mẹ và giáo viên lựa chọn phương pháp nào thì con sẽ có trải nghiệm hoàn toàn khác nhau khi ở bể bơi.

Huấn luyện viên bơi quốc tế: Đang ở trên cạn mà bị đẩy xuống nước là cảm giác rất kinh khủng, trẻ sẽ bị sang chấn tâm lý - Ảnh 1.

Khi trẻ chưa sẵn sàng mà vẫn bị đẩy xuống nước là trẻ không hề được tôn trọng (Ảnh cut từ clip).

Một mặt, phương pháp dạy bơi trên sẽ đáp ứng được kết quả đầu ra, đó là trẻ sẽ đạt được một số kĩ năng nhất định như kiểm soát hơi thở, di chuyển dưới nước, xoay người để nổi ngửa: "Tuy nhiên, việc đẩy một đứa trẻ từ trên bờ xuống trong trạng thái không sẵn sàng xuống nước, khóc lóc, gào thét không muốn học bơi, chắc chắn sẽ khiến trẻ bị sang chấn tâm lý. Không riêng gì trẻ nhỏ mà với cả người lớn, cảm giác bị đẩy xuống nước rồi chới với giữa dòng nước, sặc nước, nghẹt thở... đó là cảm giác vô cùng kinh khủng. Những cảm giác đó sẽ ám ảnh tâm lý trẻ mãi mãi, gây ra tâm lý hoảng sợ khi đi bơi", chị Mai Khuyên chỉ rõ.

Với phương pháp này, khi bị ngã xuống nước, trẻ có thể kiểm soát hơi thở, di chuyển và xoay người nổi ngửa để thở… Tuy nhiên, phương pháp này khiến trẻ có nguy cơ bị sặc nước cao hơn, trẻ bị hoảng sợ đột ngột và đặc biệt đó là phương pháp mà trẻ không hề được tôn trọng.

Không những tác động tiêu cực về mặt tâm lý mà khi bị đẩy xuống nước ở thế bị động thì nguy cơ trẻ bị nôn trớ, bị nước xộc thẳng vào mũi, vào phổi có thể dẫn đến rủi ro bị đuối nước cạn.

Huấn luyện viên bơi quốc tế: Đang ở trên cạn mà bị đẩy xuống nước là cảm giác rất kinh khủng, trẻ sẽ bị sang chấn tâm lý - Ảnh 2.

Bố mẹ và huấn luyện viên lựa chọn phương pháp nào thì con sẽ có trải nghiệm hoàn toàn khác nhau ở bể bơi (Ảnh minh họa).

Mỗi đứa trẻ có 1 tốc độ khác nhau nên lộ trình học bơi cũng không giống nhau

Trong quá trình dạy bơi cho trẻ nhỏ, huấn luyện viên bơi Mai Khuyên cho biết rất nhiều bố mẹ đưa con đi bơi và nóng lòng muốn con biết bơi nhanh, mục tiêu về "thành tích" là con sau 5 buổi, 10 buổi… đã biết bơi, rồi áp lực kinh tế (biết bơi nhanh bố mẹ sẽ phải chi trả ít tiền cho việc học bơi của con hơn) khiến hầu hết các bố mẹ muốn phó mặc con cho giáo viên dạy bơi, vô hình chung sẽ khiến đứa trẻ phải chịu tổn thương: Đi học bơi mà không được tôn trọng, đối mặt nguy hiểm.

Mục tiêu của bố mẹ đặt ra như thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những gì trẻ phải đối mặt khi đi học bơi. "Nhiều bố mẹ chỉ quan tâm đến thành tích, chỉ chọn đầu ra mà không quan tâm con có vui vẻ khi bơi không, có phát triển toàn diện không, điều đó sẽ không tốt cho trẻ".

Là người đã có nhiều năm kinh nghiệm dạy bơi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, huấn luyện viên bơi Mai Khuyên cho biết đã lựa chọn phương pháp dạy bơi mà ở đó trẻ được bơi vui vẻ, nhẹ nhàng, đầy hứng thú.

Huấn luyện viên bơi quốc tế: Đang ở trên cạn mà bị đẩy xuống nước là cảm giác rất kinh khủng, trẻ sẽ bị sang chấn tâm lý - Ảnh 3.

Chị cũng nhấn mạnh rằng khi mới đi học bơi, trẻ khóc, trẻ sợ, đó là phản xạ tự nhiên. Nhưng riêng với những trẻ nhát nước, phản ứng dữ dội khi bắt đầu tiếp xúc với nước, bé cần bắt đầu với quy trình chậm rãi và nhẹ nhàng. Có thể ban đầu chỉ là làm quen với nước, từng chút một, rồi từ từ quan sát phản ứng của bé, cho bé tham gia các trò chơi vận động dưới nước, cùng trẻ hát hò. Cũng có trẻ phản ứng mạnh, chưa sẵn sàng thì có thể cho trẻ ra 1 góc chơi riêng, những trò chơi vui vẻ sẽ giúp trẻ làm quen với môi trường nước. Khi đã quen với nước, với giáo viên, với bạn cùng khóa thì mới bắt đầu học các kĩ năng khác, mỗi ngày tăng dần độ khó lên, một cách rất từ từ.

Với trẻ dưới 3 tuổi, việc đồng hành của bố mẹ khi đi học bơi là rất quan trọng, giúp trẻ bớt lo lắng, xa cách, thiết lập mối quan hệ giữa trẻ và giáo viên hướng dẫn. Khi đã có được điều này, trẻ sẽ học cách tin tưởng vào nước và tiến bộ rất nhanh chóng.

"Thay đổi mục tiêu đặt ra khi đưa con đi học bơi, bố mẹ sẽ giúp trẻ không đối mặt với khóc lóc, sợ hãi, hoảng sợ. Nếu con bạn sợ nước thì hãy chỉ nên đặt mục tiêu cho trẻ sau một khóa học là tự tin và an toàn trong môi trường nước. Trẻ cần được học với tốc độ riêng của bản thân và tuyệt đối không được ép trẻ. Đối với trẻ sợ nước, thời gian học bơi sẽ chậm hơn thông thường nhưng điều quan trọng là bố mẹ cần kiên nhẫn và đồng hành cùng con thì con sẽ không phải trải qua cảm giác bị "bạo hành cảm xúc", huấn luyện viên bơi Mai Khuyên cho biết thêm.

Cuối cùng, huấn luyện viên Mai Khuyên nhấn mạnh rằng mỗi đứa trẻ có một tốc độ khác nhau nên lộ trình học bơi cũng không giống nhau. Nếu được học với đúng tốc độ của mình, trẻ sẽ không bao giờ khóc lóc, hoảng sợ khi xuống nước.

Bình Nguyên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh