CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:56

Hot mom Hoài Anh: "Đừng ném một em bé xuống bể bơi xong gọi đó là học bơi sinh tồn"

Xem clip một em bé bị ném xuống bể bơi để học bơi sinh tồn, mình thấy rất đau lòng. Vì ngoài em bé đó, còn rất nhiều em bé khác cũng đang bị học bơi theo kiểu kinh khủng đó, rất nhiều bố mẹ cho con học ở những trung tâm bơi “có vẻ” hiện đại, đáng tin cậy. Thực sự là một sự thiếu hiểu biết đáng lên án và không biết để lại bao nhiêu hậu quả cho em bé. Nếu chỉ vì để con BIẾT BƠI và đánh đổi như thế, có đáng không?

Hai bé nhà mình, một bé lúc 5 tuổi - vô cùng sợ nước, ở nhà gội đầu nước chảy 1 giọt qua mặt cũng căng thẳng; một bé 7 tháng tuổi bắt đầu đi bơi. Đến bây giờ cả hai bạn đều bơi rất tốt, bé lớn hiện tại 10 tuổi đã bơi cường độ cao đủ 4 kiểu để luyện tập sức khỏe, bé thứ hai hiện đã 5 tuổi đang bắt đầu tập bơi tự lập cùng thầy sau khi kết thúc lớp bơi baby khi tròn 4 tuổi. Với một hành trình gần 5 năm qua, hàng tuần cùng đồng hành với cả hai con ở bể bơi, mình có vài điều chia sẻ với các bố mẹ, về việc cho con học bơi từ lúc sơ sinh.

1. Đừng tin bất cứ một lời quảng cáo nào nói rằng, chỉ cần 1 khóa, 5 buổi, 10 buổi là một em bé vài tháng tuổi đã biết bơi

Mình cho rằng, đó là những lời QUẢNG CÁO VÔ ĐẠO ĐỨC, chỉ nhằm đánh vào mong muốn và nhu cầu của bố mẹ mà không quan tâm tới bất cứ yếu tố an toàn về cảm xúc và sức khỏe nào của một em bé. Chưa nói đến những nguy cơ về sức khỏe, bố mẹ có biết, cảm giác an toàn là điều quan trọng nhất với một em bé không? Và không phải ai khác, chính bố mẹ, người gần gũi, gắn bó nhất là người mang đến cho em bé cảm giác an toàn đó bằng những cử chỉ ôm ấp, vuốt ve và tương tác bằng ngôn ngữ ánh mắt, cơ thể. Thử hỏi, khi bố mẹ giao em bé cho huấn luyện viên (HLV) bơi, thả em bé ra trong một bể nước lớn, thậm chí ném bé xuống để bé tự vùng vẫy thì cảm giác hoảng sợ tột độ của bé như thế nào.

Đừng ném một em bé xuống bể bơi xong gọi đó là học bơi sinh tồn - Ảnh 1.

Những bài tập bơi của con là những trò chơi – qua những trò chơi đó để tìm cảm giác an toàn dưới nước, tập các kĩ năng quan trọng khi ở dưới nước (Ảnh minh họa).

Con mình, từ lúc 7 tháng cho đến lúc tròn 4 tuổi, tất cả các buổi học bơi là xuống bể cùng bố, luôn luôn trong vòng tay của bố, được bố hỗ trợ, động viên, khích lệ và vui chơi cùng. Những bài tập bơi của con là những trò chơi – qua những trò chơi đó để tìm cảm giác an toàn dưới nước, tập các kĩ năng quan trọng khi ở dưới nước như thổi bong bóng, xì bong bóng, di chuyển dưới nước, trải nghiệm cảm giác bồng bềnh, ngụp lặn. Trong suốt quá trình đó, bố luôn là HLV chính của bạn, học cùng bạn với sự hướng dẫn của các thầy cô dạy bơi.

Thế nên, mặc dù 3 tuổi, bạn nhà mình đã có thể bơi sinh tồn khá tốt, các thầy cô đánh giá bạn có thể học bơi tự lập riêng với thầy cô thì chồng mình vẫn không đồng ý, tiếp tục đồng hành cùng con cho đến lúc con đủ 4 tuổi mới ngậm ngùi để con lên lớp. Quãng thời gian học bơi là một quãng thời gian đầy ắp kỉ niệm và sự gắn bó, nhìn thấy con trưởng thành, tự tin và hoàn toàn tự do dưới nước. Đó mới chính là mục tiêu lớn nhất của bọn mình khi cho con đi học bơi.

2. Mình từng xem các clip quảng cáo dạy bơi cho bé sơ sinh, bố mẹ đứng cạnh xem thầy dìm em bé xuống bể rồi để em bé tự loay hoay nổi ngửa lên trong sự vùng vẫy, hoảng sợ tột cùng, khóc, sặc nước. Thầy dạy bơi còn nói: “Sặc là bình thường, không sao, đấy giỏi quá, con bơi được rồi này, bố mẹ thấy con giỏi không?” rồi bố mẹ thì đứng đó nhìn, vỗ tay cổ vũ, con giỏi quá, con làm được rồi. Đấy là cảnh tưởng đau lòng và nhẫn tâm nhất mà mình từng nhìn thấy. Chỉ cần tìm hiểu kĩ một chút thì các bố mẹ sẽ biết rằng những lời quảng cáo của nhiều trung tâm dạy bơi cho trẻ sơ sinh đang bị làm quá lên:

- Cam kết chỉ sau 1 buổi học là trẻ biết bơi - KHÔNG ĐÚNG - Vì, cấu trúc cơ thể của một em bé sơ sinh là “bụ bẫm” và rất dễ nổi.

Đừng ném một em bé xuống bể bơi xong gọi đó là học bơi sinh tồn - Ảnh 3.

Nếu ép buộc và làm trẻ sợ hãi khi học, trẻ có thể đạt được một số kĩ năng rất nhanh, nhưng sau đó vẫn phải duy trì, nếu không những kĩ năng này cũng sẽ nhanh chóng mất đi (Ảnh minh họa).

- Tất cả trẻ khi học bơi đều sẽ sợ và khóc - KHÔNG ĐÚNG – Vì nếu trẻ được tôn trọng, được học với tốc độ của mình thì 99% là các bạn đều vui vẻ và hứng thú dưới nước.

- Kĩ năng sinh tồn học 1 lần trong đời nhưng đi theo con suốt đời?? - CÀNG KHÔNG ĐÚNG - Ngay cả với người lớn, nếu không duy trì luyện tập thì cũng có thể quên. Trẻ con thì còn quên nhanh hơn. Đối với bơi lội, việc xây dựng sự tự tin trong nước rất quan trọng. Nếu ép buộc và làm trẻ sợ hãi khi học, trẻ có thể đạt được một số kĩ năng rất nhanh, nhưng sau đó vẫn phải duy trì, nếu không những kĩ năng này cũng sẽ nhanh chóng mất đi.

Giống như rất nhiều các vấn đề khác, cho con học bơi cũng là một quá trình mà các bố mẹ đặc biệt không nên chạy đua theo thành tích, quá trình học của con còn quan trọng hơn rất nhiều. Cứ để ý các bể bơi mùa hè mà xem, các bố mẹ sẽ thấy ngay hệ quả của việc “cho học bơi chỉ cần biết bơi là được”.

Đừng ném một em bé xuống bể bơi xong gọi đó là học bơi sinh tồn - Ảnh 4.

Rất nhiều các bạn nhỏ không hiểu biết về quy định an toàn ở bể bơi, đùa nghịch, chạy nhảy, đẩy nhau, nhảy nhót vô tội vạ, ra bể bơi chủ yếu là để vầy nước và đùa nghịch. Bố mẹ thì hầu như chủ quan con biết bơi rồi nên chẳng giám sát, nhắc nhở, hoặc ngồi trên bờ lướt điện thoại, hoặc bơi việc của mình. Nếu BIẾT BƠI chỉ để như vậy thì không những chẳng bảo vệ được bản thân khi có tai nạn xảy ra mà có khi còn gây thêm tai họa cho người khác.

Vì thế, nếu bố mẹ nghĩ rằng mang đứa con còn bé bỏng của mình ra để HLV ném xuống bể, để nó tự vùng vẫy trong sợ hãi và buộc phải HỌC CÁCH TỰ SINH TỒN là đang bảo vệ con thì thật điên rồ. Bảo vệ con thực sự là bạn thể hiện trách nhiệm của mình bằng việc dành thời gian cho nó, ở bên cạnh nó khi nó cần, luôn luôn quan sát và để con ở trong tầm mắt của mình.

Điều cuối cùng, nếu có thể, trước khi quyết định cho con học bơi, dù ở lứa tuổi nào, bố mẹ hãy dành thời gian để đọc cuốn “Dạy con tập bơi” - chỉ dẫn dành cho cha mẹ, một cuốn sách cực kì dễ hiểu và cần thiết.

Nhà báo, tác giả sách thiếu nhi và Làm cha mẹ Phạm Thị Hoài Anh.

Chị là tác giả của các cuốn sách như "Trái tim của mẹ", "Bàn tay của bố", "Mỗi ngày 15 phút yêu con".

Trong đó, cuốn sách "Trái tim của mẹ" đã từng đoạt giải thưởng Grand Prize cuộc thi Samsung KidsTime Authors' Award awarded dành cho các tác giả Đông Nam Á tại Asian Festival of Children's Content (AFCC) do Hội đồng Sách Singapore tổ chức năm 2015 và Giải Bạc sách Hay Việt Nam 2016 do Hiệp hội xuất bản Việt Nam trao tặng. Hiện chị đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Độc giả có thể tìm đọc những bài viết của tác giả Hoài Anh TẠI ĐÂY.

Happy Moms

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh