Cơ hội tăng thu nhập cho nông dân
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 17:12 - 03/12/2015
Tuy nhiên, hiện nay, việc chuyển đổi mô hình hợp tác xã kiểu mới, theo các chuyên gia vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Chính phủ.
Mô hình HTX kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Kinh tế Trung ương, hiện nay cả nước có hơn 10.000 HTX nông nghiệp, thu hút khoảng 45% lao động nông nghiệp. Nhưng trên 90% HTX không quan tâm đến tiêu thụ sản phẩm của hộ xã viên. Hiện nay các HTX hoạt động hiệu quả chỉ liên kết, hỗ trợ được khoảng 5% số hộ nông dân cả nước, còn 95% số hộ thực chất là sản xuất theo phương thức tự phát. Qua tổng kết đánh giá cho thấy, lực lượng chủ lực của nông nghiệp nước ta là hơn 10 triệu hộ nông dân, nhưng với bình quân chỉ có 2 lao động/hộ, hầu hết chưa qua đào tạo nghề, diện tích đất canh tác thì 80% dưới 1 ha, thiếu vốn thường xuyên, nếu canh tác độc lập, riêng lẻ thì sức mạnh kinh tế của hộ nông dân rất nhỏ bé, tình trạng thoát nghèo rồi tái nghèo rất dễ xảy ra. Để liên kết các hộ nhỏ lẻ thành các đơn vị kinh tế lớn hơn, từ lâu chúng ta đã có chủ trương và chỉ đạo hình thành các HTX. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên có một thời gian dài nhận thức về bản chất và vai trò HTX trong nông nghiệp chưa phù hợp vì vậy, tác dụng và hiệu quả của HTX còn hạn chế.
Chương Mỹ thành công với mô hình HTX mới: Trồng bưởi Diễn cho thu nhập cao tại HTX cây ăn quả Xuân Mai, huyện Chương Mỹ
Theo TS.Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và PTNT): “Thị trường đầu vào và đầu ra các sản phẩm nông nghiệp nước ta thực chất không là thị trường cạnh tranh, mà là thị trường do người bán đầu vào, người mua đầu ra chi phối, còn người nông dân thì yếu thế, không bình đẳng. Chỉ có HTX với sức mua gấp hàng chục, hàng trăm lần một hộ mới có sức mạnh kinh tế để lựa chọn doanh nghiệp bán đầu vào và mua đầu ra, đàm phán về giá cả. 10 triệu hộ nông dân đơn lẻ là 10 triệu hộ nông dân yếu thế trên thị trường đầu vào và thị trường đầu ra. Nếu bình quân cứ 100- 300 hộ thành lập một HTX thì từ 10 triệu hộ nông dân sẽ hình thành 33.000- 100.000 HTX là những pháp nhân kinh tế, có sức mạnh kinh tế, để thực sự tạo ra thị trường đầu vào, đầu ra có tính cạnh tranh”.
Bởi vậy, việc thành lập các HTX kiểu mới và sự liên kết các HTX mới có thể làm tăng tính cạnh tranh trong các sản phẩm hàng hoá, đồng thời có cơ chế kiểm soát, dự báo chính xác nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Hoạt động của HTX kiểu mới vừa làm dịch vụ, vừa kinh doanh để có lợi nhuận cho xã viên, các HTX phải có khả năng mở rộng sản xuất và chủ động liên kết với thị trường, liên kết với các doanh nghiệp, liên kết với tư thương để từ đó tăng thu nhập, bảo vệ được quyền lợi của nông dân. Với mô hình HTX kiểu mới, nông nghiệp Việt Nam có khả năng chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất, có tính đột phá và khắc phục được yếu kém, cản trở. Trong lộ trình xây dựng HTX kiểu mới giai đoạn 2015-2020, chính phủ Việt nam cũng đã nêu rõ: sự cần thiết phải đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của HTX trong nền kinh tế thị trường, ông Thịnh cho biết thêm.
Tham gia HTX, kinh tế hộ gia đình thay đổi tích cực
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thục, Trưởng ban Nghiên cứu xã hội (Viện Nghiên cứu và tư vấn phát triển) cho biết, qua khảo sát, thấy có nhiều thay đổi tích cực về kinh tế của hộ gia đình khi tham gia các mô hình liên kết, cụ thể là HTX. Ở khía cạnh kinh tế, 80,9% nông dân được hỏi cho biết liên kết làm tăng doanh thu cho hộ, 77,8% khẳng định tăng lợi nhuận. Về hiệu quả xã hội, 85,6% người dân được hỏi khẳng định các mô hình hợp tác liên kết giúp nâng cao tính tương trợ, gắn kết trong cộng đồng, giảm bớt những nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh như tự hạ giá, phá giá lẫn nhau, giúp tăng năng lực đàm phán. Các thay đổi tích cực còn được thể hiện ở tỷ lệ cao theo đánh giá về mức độ áp dụng khoa học kỹ thuật, tiếp cận thông tin về sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, và cải thiện sức khỏe cho nông dân.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận diện rõ một số đặc trưng cơ bản của mô hình HTX kiểu mới trong cơ chế thị trường. Trước tiên, đây là mô hình HTX đã làm cầu nối gắn người dân sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, từ đó mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân. Mô hình mới này đã tập trung tiếp cận bài toán kinh tế theo hướng làm sao tăng được giá trị gia tăng, tăng lợi nhuận trên cơ sở giảm được giá thành đầu vào chứ không chờ vào vào sự "kêu van" để có những quyết định hành chính tăng giá, trợ giá từ nhà nước như trước đây. Mô hình này sẽ dần dần tiến tới giải quyết cách làm manh mún để tạo ra một tổ hợp sản xuất, kinh doanh rộng hơn”, ông Thục phân tích.
Thực tế mô hình HTX kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép, mạnh mẽ để tạo đột phá phát triển của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, vì nó khuyến khích sự chủ động sáng tạo của từng hộ nông dân trong nhiều lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, nghề cá… đồng thời các hộ nông dân được sự hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước, HTX nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời phát huy mạnh mẽ các liên kết với doanh nghiệp, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hội nhập quốc tế về thương mại.