Hợp tác quốc tế của Bộ LĐ-TB&XH trong bối cảnh dịch Covid-19: Những gam màu sáng
- Tây Y
- 07:39 - 30/01/2022
* Đại dịch Covid-19 tác động đến các hoạt động đối ngoại và HTQT của Bộ trong năm 2021 như thế nào, thưa ông?
- Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây khó khăn cho việc lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động đối ngoại và HTQT của Bộ. Các hoạt động đoàn ra, đoàn vào bị hạn chế và hầu như không thực hiện được. Việc đưa lao động (LĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo các hiệp định, thỏa thuận song phương đã ký kết đều phải tạm dừng.
Không chỉ ảnh hưởng đến việc tiếp nhận các hỗ trợ, hợp tác từ bên ngoài, đại dịch Covid-19 còn ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các Dự án đang được triển khai trong nước. Nhiều hoạt động, dự án hợp tác bị trì hoãn, không thực hiện được và các bên phải thực hiện thủ tục gia hạn đối với các hoạt động, dự án này.
Đại dịch cũng ảnh hưởng tiêu cực, gây khó khăn đối với công tác vận động viện trợ nước ngoài, nhất là viện trợ phi chính phủ. Một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã tạm dừng hoạt động trong năm do không vận động được kinh phí.
* Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh nhưng công tác đối ngoại và HTQT của Bộ trong năm qua vẫn có nhiều gam màu tươi sáng. Đâu là những dấu ấn nổi bật nhất trong năm qua?
- Năm 2021, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, sự quyết tâm của các đơn vị, công tác HTQT và hội nhập quốc tế của Bộ tiếp tục được thực hiện một cách linh hoạt với hình thức trực tuyến, kết hợp trực tiếp khi có thể, bảo đảm các quy định về quản lý đối ngoại, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch. Hợp tác quốc tế trong một số lĩnh vực vẫn được trển khai tốt như giáo dục nghề nghiệp, trẻ em, pháp chế.
Công tác HTQT và hội nhập quốc tế năm 2021 của Bộ có nhiều điểm đáng chú ý, vì đây là năm đầu tiên xây dựng và triển khai kế hoạch cho 5 năm tiếp theo. Đến nay, Bộ đang tiếp tục chủ trì thực hiện 2 văn bản quan trọng của Chính phủ về công tác hội nhập quốc tế là Chiến lược Hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 145/QĐ-TTg ngày 20/1/2016 (Chiến lược 145) và Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 theo Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 161). Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chiến lược Hội nhập quốc tế về LĐ và xã hội 2016 - 2020 và báo cáo kết quả thực hiện Đề án 161 trong 5 năm qua. Trong 10 năm tới đây, Chiến lược 145 sẽ tiếp tục là khuôn khổ quan trọng định hướng các hoạt động hội nhập quốc tế của Bộ, ngành. Hiện Bộ đang xem xét điều chỉnh Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược 145 cho phù hợp với tình hình mới xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2021 - 2025. Đối với Đề án 161, Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 và hướng dẫn các bộ, ngành thuộc trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025 trong lĩnh vực ngành mình phụ trách.
Một điểm sáng trong hoạt động đối ngoại của Bộ trong năm 2021 là việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn dân quốc mới đây trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định với đại diện Chính phủ Hàn Quốc là Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc. Đây là kết quả nỗ lực của Bộ và các cơ quan liên quan sau hơn 5 năm đàm phán với đối tác và tiến hành các thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn việc ký kết.
Hiệp định BHXH giữa Việt Nam - Hàn Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động (NLĐ) khi đi làm việc ở nước ngoài, là một bước tiến của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc ký kết Hiệp định cũng sẽ mở đầu cho việc đàm phán và ký kết các hiệp định song phương về BHXH với các nước có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc.
* Từ những kết quả nêu trên, chúng ta có thể rút ra những bài học gì, thưa ông?
- Để đạt được những thành công trong công tác đối ngoại của Bộ năm 2021, tôi thấy có mấy bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, phải linh hoạt, thích ứng. Sự linh hoạt được thể hiện từ khâu lập kế hoạch đến triển khai thực hiện. Phải luôn sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch khi có biến động và chuẩn bị các phương án dự phòng để đảm bảo thực hiện kế hoạch đến mức cao nhất có thể. Nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế, trao đổi, làm việc với đối tác nước ngoài được thực hiện trực tuyến. Có hội nghị phải tách ra thành hai ngày do sự chênh lệch múi giờ giữa các nước.
Hai là, phải có sự quyết tâm cao từ cấp lãnh đạo đến cấp chuyên viên. Năm 2021, ta mất mấy tháng thực hiện giãn cách, phải làm việc từ xa, do vậy nhiều công việc bị dồn đến cuối năm. Để hoàn thành các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch, từng đơn vị, cá nhân đều phải nỗ lực, quyết tâm và tranh thủ thời gian, tìm ra các giải pháp tối ưu nhất triển khai công việc.
Ba là, phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan, bộ phận. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với việc các quy định về quản lý công tác đối ngoại ngày càng chặt chẽ, mỗi hoạt động đối ngoại đều cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị. Nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, giữa các cá nhân đã nhanh hơn, thuận lợi hơn và góp phần quan trọng mang lại sự thành công cho công tác đối ngoại năm 2021.* Năm 2022 dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình thế giới và khu vực sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khó lường, chúng ta cần làm gì để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và HTQT nhằm thích ứng an toàn với bối cảnh mới?
- Thứ nhất, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động đối ngoại. Bộ đang xây dựng Quy chế đối ngoại mới để nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp giữa các khâu, các bộ phận trong việc thực hiện các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là tiếp nhận, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực viện trợ nước ngoài.
Thứ hai, tiếp tục chủ động, linh hoạt trong công tác xây dựng kế hoạch hội nhập quốc tế và kế hoạch thực hiện các hoạt động đối ngoại.
Thứ ba, thực hiện hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, nhất là thông tin đầy đủ, kịp thời về các vấn đề được dư luận, xã hội quan tâm, tăng cường đối thoại về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực LĐ, người có công và xã hội gắn liền với cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!