CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:33

Hợp tác lao động và Phúc lợi xã hội Việt - Lào: Đi vào chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực

 

Hợp tác về phúc lợi xã hội

Trên cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ, tháng 12 năm 2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào tổ chức lễ khánh thành, bàn giao cho Lào và đưa vào sử dụng dự án Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng cho thương binh và người tàn tật 686 Bản Cân, Lào với kinh phí 48,570 tỷ đồng từ nguồn ODA của Chính phủ Việt Nam.

Hiện nay, Trung tâm 686 đã đi vào sử dụng và vận hành. Đồng thời, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Việt Nam đã giao Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng tiếp tục cử 5 đoàn sang Lào tiếp tục hỗ trợ công tác vận hành của Trung tâm. Tới nay, Trung tâm đã tiếp nhận 1,792 lượt thương binh, người khuyết tật; sản xuất 181 dụng cụ, 238 chân tay giả và sửa chữa 127 bộ chân tay giả.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã phối hợp tổ chức luân phiên các đoàn cán bộ hưu trí và cán bộ lão thành cách mạng, những người có công với Tổ quốc của hai nước đi nghỉ dưỡng, tham quan tại mỗi nước.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của Việt Nam vẫn tiếp tục tích cực phối hợp với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội và các Sở Lao động và Phúc lợi xã hội Lào và các cơ quan liên quan của hai bên trong việc quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào. Trong đó, các địa phương trên cả nước đã tổ chức tiếp nhận, tổ chức truy điệu, an táng tại nghĩa trang liệt sỹ ở địa phương. 

 

GĐ Bệnh viện chỉnh hình và PHCN Đà Nẵng giới thiệu thiết bị PHCN với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Khăm Phanh Say Xổm Phanh (Ảnh: Giang Sơn)

 

Hợp tác phát triển nguồn nhân lực

Giai đoạn 2015-2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã triển khai việc đào tạo ngắn hạn cho 78 cán bộ trong ngành lao động và phúc lợi xã hội Lào từ nguồn ODA của Chính phủ Việt Nam.

Năm 2016, các trường thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoàn thành các khóa đào tạo ngắn hạn cho 45 giáo viên, cán bộ đào tạo quản lý hành chính tại các trường trực thuộc Bộ.

Tính đến tháng 7 năm 2017, các trường thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã và đang đào tạo 22 cán bộ Lào theo học trình độ đại học và thạc sỹ, trong đó hiện có 20 cán bộ đang theo học, 2 cán bộ đã tốt nghiệp năm 2015.

Tháng 9 năm 2016, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức huấn luyện cho 9 thành viên gồm 5 chuyên gia và 4 thí sinh Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI ở 3 nghề: công nghệ thời trang, nấu ăn và mộc. Kết quả nghề Công nghệ thời trang nhận được chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.

Theo kế hoạch, năm 2017, các trường trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ đào tạo ngắn hạn cho 30 cán bộ của Lào trong thời gian 3 tháng.

Từ năm 2014 đến nay, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào cũng đã cấp 4 học bổng cho cán bộ của các trường đại học trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sang đào tạo tiếng Lào trong thời gian 1 năm tại trường Đại học Quốc gia Lào.

Ngoài việc thực hiện đầy đủ các quy định của Chính phủ đối với sinh viên Lào, các trường đã quan tâm, tạo điều kiện tối đa cho sinh viên Lào, thông qua việ ban hành Quy chế đào tạo sinh viên Lào, bố trí khu riêng với các trang thiết bị cần thiết, bố trí cán bộ hỗ trợ trực tiếp cho các sinh viên... Nhìn chung, các học sinh, sinh viên này đều có tinh thần đoàn kết, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, có mong muốn học tập trau dồi và nâng cao kiến thức...

Bên cạnh đó, hai năm qua cũng đánh dấu sự chủ động, tích cực và hiệu quả của các trường đại học thuộc Bộ trong việc mở rộng quan hệ hợp tác với Lào về đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đã tổ chức cho các đoàn công tác sang làm việc với Sở Giáo dục và Thể thao của 6 tỉnh giáp biên giới với Nghệ An, ký Biên bản hợp tác đào tạo với các trường Cao đẳng nghề của Lào, tranh thủ các nguồn kinh phí khác từ địa phương, từ trường... để đào tạo học sinh, sinh viên Lào... Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cũng là trường của ngành hiện có số lượng đông nhất sinh viên Lào đang theo học.

  Đại diện Cty Văn Lang trao tặng Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Lào thiết bị dạy nghề trị giá 1 tỷ đồng. (Ảnh: Giang Sơn)


Tăng cường trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng hợp tác về lao động và phúc lợi xã hội

Trong những năm qua, Lãnh đạo hai Bộ đã có các chuyến thăm chính thức để thúc đẩy chỉ đạo thực hiện quan hệ hợp tác và cũng như trao đổi nhân dịp tham gia các hội nghị quốc tế, khu vực, đặc biệt là các hội nghị của ASEAN, Tổ chức lao động quốc tế ILO... để thống nhất các vấn đề cùng quan tâm. Sự phối hợp thường xuyên ở cấp làm việc tại các diễn đàn, sự kiện quốc tế và khu vực ngày càng được tăng cường hơn.

Hai Bộ đã tổ chức nhiều đoàn công tác nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực việc làm, tổ chức dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và việc làm, hợp tác quốc tế, dạy nghề, thanh tra lao động, xuất khẩu lao động, chính sách người có công, chỉnh hình và phục hồi chức năng, công tác cán bộ… Đồng thời, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã phối hợp tổ chức các đoàn  thăm quan cho cán bộ hưu trí và cán bộ cách mạng lão thành, những người có công với Tổ quốc của hai nước đi nghỉ dưỡng tham quan tại mỗi nước.

Quan hệ hợp tác giữa các cơ quan lao động và phúc lợi xã hội  địa phương hai nước trong những năm qua được thúc đẩy trong khuôn khổ các chương trình hợp tác trực tiếp, đặc biệt là các tỉnh có biên giới chung với Lào, như Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của các tỉnh Kontum, Đà Nẵng, Thanh hóa, Nghệ an, Hà Tĩnh, Quảng Bình… với các tỉnh có chung đường biên giới với Lào như: Luangprabang, Xiêng Khoảng, Bolikhamxay, Huaphan, Khammuon, Savanakhet, Atapui... Đồng thời cũng phải kể đến sự nỗ lực tham gia của các doanh nghiệp đầu tư của Việt Nam tại các địa phương của Lào trong nhiều hoạt động thường xuyên và có ý nghĩa rất tích cực, đặc biệt là các hoạt động chăm lo cải thiện đời sống dân sinh cho cộng đồng nơi đầu tư, góp phần tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo. Một trong những nội dung quan trọng khác là tham gia góp phần đào tạo nghề cho lực lượng lao động của các địa phương của Lào, góp phần vào hiệu quả và thành công lâu dài của quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp vào thực hiện chủ trương hợp tác của ngành Lao động – thương binh và xã hội cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của hai nước.

GIANG SƠN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh