THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:06

Hôn mê, tử vong vì “lai rai” cả ngày

Liên tiếp những trường hợp hôn mê do rượu

Một tử vong, một hôn mê nguy kịch

Đã nằm tại Trung tâm chống độc được 4 ngày nay, bệnh nhân L.V.T( 37 tuổi, Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) vẫn chưa thoát khỏi tình trạng hôn mê do ngộ độc rượu, não bị tổn thương.

Người nhà bệnh nhân cho biết, anh T đã nghiện rượu 5 - 6 năm nay, thường uống rượu vặt một mình. Trong ngày, cứ lúc nào buồn mồm là T. lại uống vài chén rượu. Cũng như thường lệ, cuối tuần trước, anh T uống rượu lai rai cả ngày, luôn trong tình trạng tây tây rồi lăn đùng ra ngủ lúc nào không biết.

“Quả thật là mọi người thấy anh uống nhiều say, ngủ nhưng giống y mọi ngày, cứ say là làm một giấc dậy lại uống, lại say nên không ai nghĩ gì. Thế nhưng đến sáng hôm sau không thấy anh ấy dậy mà nằm mê man, gia đình mới vội đưa đến BV tỉnh”, người em rể đang chăm anh tại BV cho biết.

Sau hai ngày điều trị tại đây, bệnh nhân được chuyển đến BV Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, phải đặt nội khí quản. “Dù các xét nghiệm cho thấy nồng độ cồn trong máu không còn, hàm lượng methanol cũng không được phát hiện, nhưng hình ảnh cho thấy não bệnh nhân bị tổn thương nặng do ngộ độc rượu. Với tổn thương này việc điều trị cho bệnh nhân sẽ còn phải kéo dài và chưa thể đánh giá mức độ hồi phục sau tổn thương não”- bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, cho biết.

Theo BS Nguyên, kể từ thời điểm sau Tết dương lịch, ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận 2 - 3 ca ngộ độc rượu. May mắn các ca ngộ độc nhẹ nên sau 2 - 3 ngày điều trị được xuất viện. Tuy nhiên cũng có những trường hợp nặng như bệnh nhân này, thậm chí có ca điều trị tiên lượng khó, gia đình đã xin bệnh nhân về để chết vào sáng 29/12 như bệnh nhân P.V.T (38 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội).

Bệnh nhân V.T bị ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol quá nặng. Hàm lượng methanol trong máu bệnh nhân lên tới 245mg/dl. Đây là hàm lượng methanol trong máu cao nhất trong những bệnh nhân ngộ độc methanol BV từng gặp.

Cả 10 ngày nay, ngày nào anh T cũng lai rai uống rượu. Đặc biệt, hôm 27/1 anh T cùng một nhóm bạn uống đủ các loại rượu. Vì thế, khi thấy anh say, mọi người cũng để anh ngủ vì nghĩ sau một đêm rồi tỉnh. Đến sáng hôm sau, thấy anh vẫn nằm lặng trên giường, gọi hỏi không đáp ứng gia đình mới đưa đến viện.

“Bình thường methanol đã là chất không được phép có trong máu trong khi với bệnh nhân này hàm lượng methanol cực cao, nên tình trạng nhiễm độc của bệnh nhân cũng rất nặng. Bệnh nhân tổn thương hô hấp, tổn thương thận, gan… nên dù được lọc máu và điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện bên gia đình quyết tâm xin về”, BS Nguyên cho biết.

Rượu nào uống lắm cũng độc

Theo BS Nguyên, những người nghiện rượu, uống nhiều lại thường ham rượu rẻ nên khi mua dễ dính rượu pha cồn công nghiệp là methanol. Methanol vốn được dùng trong công nghiệp, là một chất cực độc, uống vào nếu không tử vong cũng gây ra viêm gan nhiễm độc, suy thận cấp, viêm thị giác dẫn đến mù.

Còn với các loại rượu quốc lủi, rượu nếp, thậm chí cả rượu tây… thì nếu uống quá ngưỡng cũng có những nguy cơ trực tiếp cho sức khỏe.

Vì khi say rượu, người say bị ức chế hô hấp (thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm rãi), ho hoặc khạc yếu, giảm thân nhiệt (da lạnh), đái ỉa ra quần, tụt huyết áp, hôn mê, nếu không được điều trị kịp thời sẽ tử vong.

Như bệnh nhân ở Bắc Giang, dù không phát hiện hàm lượng methanol trong máu, nhưng vì uống quá nhiều khiến bệnh nhân bị hôn mê, ảnh hưởng hô hấp dẫn đến ngạt khí, khiến não bị tổn thương.

Vì thế, để phòng ngộ độc rượu, hãy uống vừa phải. Với người Việt Nam, để phù hợp với kích cỡ cơ thể và dễ ước tính, với nam giới không nên quá 20 gam/ngày, với nữ giới không nên quá 10 gam/ngày, tương đương nữ không quá 250ml loại bia 5%, 30ml loại rượu 39.9%; nam không quá 500ml loại bia 5%, 60ml loại rượu 39.9%. Khi uống nên uống từ từ, không uống dồn dập vì tác hại của bia rượu cũng gây ra mạnh hơn.

Còn khi đã lỡ chén rồi say, rất khó nhận biết ngộ độc rượu do methanol hay rượu thông thường bởi dấu hiệu say giống nhau. Với methanol chỉ sang ngày thứ 2 khi có dấu hiệu điển hình mắt mờ, tổn thương não mới nhập viện thì quá nguy hiểm. Vì thế, không nên để người say rượu ngủ 1 mình, hãy luôn quan sát để ý thấy bất thường hãy đưa bệnh nhân đến viện sớm nhất. Bởi dù là methanol hay không thì ngộ độc rượu cũng gây những nguy cơ trực tiếp về sức khỏe, thậm chí hôn mê, tử vong.

Hồng Hải- Dân trí

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh