Bài 1: Sản phẩm TPCN hay “thần dược”?
- Y học 360
- 22:25 - 12/05/2015
Thiết kế và in ấn tờ rơi như một tờ báo, nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) Big Man được thổi phồng như một loại “thần dược”, có khả năng tăng kích cỡ dương vật, loại bỏ các bệnh của nam giới như chứng xuất tinh sớm, liệt dương,...
Thô tục, thổi phồng như “thần dược”
Theo phản ánh của độc giả, thời gian gần đây trên địa bàn TP Hà Nội một số người dân được phát miễn phí một ấn bản gồm 4 trang với nội dung, hình ảnh trong đó là để tuyên truyền, quảng cáo cho một sản phẩm chuyên giúp giải quyết những rắc rối trong chuyện phòng the và nâng cao... “bản lĩnh đàn ông”.
Điều đặc biệt là ấn bản này được thiết kế với đầy đủ những tin, bài, hình ảnh,… trông như một tờ báo in còn nội dung của ấn bản này chủ yếu là ca tụng, tán dương hết lời sản phẩm Big Man có công năng như một loại “thần dược”. Ngay trên trang bìa của ấn phẩm này dòng chữ “Big Man đam mê” được thiết kế nổi bật nhất, kèm phía dưới là hình ảnh của sản phẩm và đối tượng sử dụng.
Chưa hết, trong bài viết “Đàn ông Ả Rập dựa vào cái gì để thỏa mãn các bà vợ của mình?” mô tả về việc tiêu diệt trùm khủng bố quốc tế Osama Bin Laden nhưng kèm với đó là phần giới thiệu, quảng cáo công dụng thần kỳ của loài tằm đực châu Phi trong việc “nâng cao toàn diện chất lượng tình dục” (!).
Tại trang 2 của ấn phẩm này là phần hướng dẫn cách sử dụng và những lời khen ngợi, tâng bốc sản phẩm viên nang bổ thận Big Man dưới hình thức là những đoạn “phỏng vấn nhân vật”. Riêng nội dung trong trang 3 và 4 của ấn phẩm này là những bài viết quảng cáo, thổi phồng công dụng của sản phẩm Big Man một cách rất thô tục như: “Súng lục thành đại bác”, “Nhanh chóng cương cứng như thép”, “Tăng kích cỡ dương vật”, “Big Man tạo kỳ tích kích hoạt tinh hoàn”, “Thảm nhất xuất tinh sớm, yêu nhất viên nang bổ thận Big Man”...
Giấy phép một đằng, quảng cáo một nẻo?
Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm “Viên nang bổ thận Big Man” là một loại thực phẩm chức năng (TPCN) có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 22841/2014/ATTP - XNCB và do Cty TNHH Thương mại Hồng Vỹ có địa chỉ tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Trong giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 134/2015/XNQC - ATTP do Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) ký ngày 29/1/2015, sản phẩm TPCN Big Man được quảng cáo dưới các hình thức là: “Quảng cáo tại các nhà chờ, điểm bán vé xe buýt; Quảng cáo bằng biển, bảng, pano; Quảng cáo trên các website; Quảng cáo bằng băng rôn; Quảng cáo bằng màn hình điện tử; Quảng cáo trên báo chí; Sách, tờ rơi, hội chợ, hội nghị, hội thảo, triển lãm”.
Trong kịch bản quảng cáo đính kèm giấy xác nhận nội dung quảng cáo được cấp phép, sản phẩm Big Man có công dụng là: "Giúp tăng sinh lực, giúp bổ thận, mạnh gân cốt, tăng cường chức năng sinh lý ở nam giới, hỗ trợ các liệu pháp điều trị sinh lý, thận hư, tiểu đêm nhiều" và hoàn toàn không có những thông tin, hình ảnh thô tục, thổi phồng công dụng như trong tờ rơi quảng cáo như đã nêu.
Ngoài ra, đối tượng sử dụng của sản phẩm này như giấy phép đã được duyệt là: “Dùng cho đàn ông (Đặc biệt là đàn ông thận hư, yếu sinh lý, tiểu đêm nhiều, gân cốt yếu mỏi, khí huyết kém) nhưng khi cho in tờ rơi quảng cáo sản phẩm Big Man, Cty TNHH Thương mại Hồng Vỹ lại cố tình thay đổi nội dung quảng cáo và đối tượng sử dụng thành “Người có bộ phận sinh dục ngắn, nhỏ, bị liệt dương, xuất tinh sớm, ít ham muốn tình dục, dương vật phát triển không đầy đủ; Người có thể chất yếu ớt, công năng tuyến thận kém, đau lưng mỏi gối, tay chân bủn rủn, ù tai, điếc tai, tình dục mệt mỏi; Người bị tiểu dắt, tiểu gấp, tiểu buốt, tiểu đục, tiểu ra máu, suy giảm khả năng tình dục, đau khi giao hợp, viêm tiền liệt tuyến; Cải thiện và trì hoãn suy yếu sớm dẫn đến suy giảm sức đề kháng ở người trung, cao tuổi; Người có bệnh tim, tiểu đường đều có thể yên tâm sử dụng".
Đặc biệt, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, khi tiến hành quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng bắt buộc phải có nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” nhằm giúp người tiêu dùng tránh bị nhầm lẫn nhưng trong tờ rơi quảng cáo sản phẩm TPCN Big Man hoàn toàn không có dòng khuyến cáo rất quan trọng này mà thay vào đó là những nội dung, hình ảnh thô tục, thổi phồng công dụng của sản phẩm như một loại "thần dược”.
Theo Thông tư số: 08/2013/TT-BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế: Điều 3 . Các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm 1. Quảng cáo thực phẩm khi chưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp. 2. Quảng cáo thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng. 3. Quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. 4. Quảng cáo thực phẩm không phù hợp với nội dung đã công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm hoặc quảng cáo quá tác dụng của thực phẩm. 5. Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bằng các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. 6. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm. 7. Các hành vi cấm khác đã được pháp luật về quảng cáo quy định. |