CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:12

Hơn 80% sinh viên vẫn chọn sử dụng đồ nhựa một lần

Những buổi trưa, chiều đi bộ lên lớp học, thấy thùng rác của các tầng đều đầy ắp rác thải nhựa dùng một lần, đến mức tràn cả ra ngoài, nhóm 4 sinh viên khoa Xã hội học quyết định thực hiện nghiên cứu khoa học về chủ đề này, kết quả từ nghiên cứu của họ là những con số đáng giật mình.

93,9% sinh viên tham gia khảo sát đã có hiểu biết về ảnh hưởng tiêu cực của hành vi sử dụng đồ nhựa dùng một lần đối với môi trường. 79,8% hiểu biết về ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe. Tuy nhiên, họ đã và đang sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần với tần suất từ 1 đến 3 sản phẩm/ngày, trong đó túi nilon chiếm số đông với 86,1%.

Nhận thức và hành vi sử dụng đồ nhựa dùng một lần của sinh viên
Nguồn: Kết quả nghiên cứu “Nhận thức và hành vi sử dụng đồ nhựa dùng một lần của sinh viên”

Nguồn: Kết quả nghiên cứu “Nhận thức và hành vi sử dụng đồ nhựa dùng một lần của sinh viên”

Tham gia giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học, đề tài “Nhận thức và hành vi sử dụng đồ nhựa dùng một lần của sinh viên” của các sinh viên Phương Nhi, Mai Phương, Hoàng Nhung, Lê Hoài được thực hiện từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021, khảo sát và phỏng vấn 218 sinh viên tại trường Đại học ở Hà Nội. Đề tài đã đạt giải Nhất cấp khoa và giải Nhất cấp trường.

Nhóm bạn trẻ đi tìm nguyên nhân cho “sự tiện lợi độc hại”

Trong nghiên cứu của nhóm sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhiều  sinh viên được phỏng vấn bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về ảnh hưởng tiêu cực của rác thải nhựa dùng một lần. Họ biết rõ rằng sự tích tụ theo thời gian của rác thải nhựa dùng một lần sẽ gây nên những hệ lụy không lường trước được. Rác thải từ nhựa dùng một lần đem lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và môi trường tự nhiên như ung thư, gây vô sinh, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm đất, nước, không khí.v.v.

Bạn Nguyễn Linh Chi, sinh viên Đại học Ngoại ngữ cho rằng bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình: “Nhựa khiến sinh vật biển nghẹt thở, chúng vô tình ăn phải những mảnh nhựa rồi chết một cách đầy đau đớn với cái bụng toàn nhựa. Con người là một mắt xích của chuỗi thức ăn, nghĩa là nhựa rồi sẽ lại về với chúng ta. Chúng ta đã, đang phải chứng kiến những hệ lụy nghiêm trọng do ô nhiễm rác thải nhựa gây ra, vậy trong tương lai, tình trạng ấy còn đáng sợ đến mức nào?”

Nhựa khiến sinh vật biển nghẹt thở và vì cùng thuộc chuỗi thức ăn, nhựa sẽ lại về với con người (Ảnh minh họa: Unplash)

Nhựa khiến sinh vật biển nghẹt thở và vì cùng thuộc chuỗi thức ăn, nhựa sẽ lại về với con người (Ảnh minh họa: Unplash)

Tuy nhiên, chính các bạn sinh viên được hỏi, cũng thừa nhận, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn đến từ chính bản thân mình và những người xung quanh. Trong đó, 81,7% sinh viên tham gia khảo sát lựa chọn họ không từ chối do “sự chủ động cung cấp của người bán hàng”, 70,8% lựa chọn “sự tiện lợi và gọn nhẹ của nhựa dùng một lần” là các nguyên nhân lớn nhất khiến họ sử dụng sản phẩm này.

Nguồn: Kết quả nghiên cứu “Nhận thức và hành vi sử dụng đồ nhựa dùng một lần của sinh viên”

Nguồn: Kết quả nghiên cứu “Nhận thức và hành vi sử dụng đồ nhựa dùng một lần của sinh viên”

Trung bình mỗi ngày, một sinh viên sử dụng từ 1 - 3 đồ nhựa dùng một lần cho các hoạt động ăn, uống, học tập,... Thay bằng phải đem theo đồ thay thế, sinh viên cảm thấy nhựa dùng một lần vô cùng tiện lợi, bởi “trông có vẻ sạch” và sau khi sử dụng có thể vứt đi luôn. Tâm lý tiện một phút khiến sinh viên lờ đi bản chất hại nhiều năm của nhựa dùng một lần.

Ngoài ra, trong quá trình thu thập dữ liệu phục vụ nghiên cứu, nhóm nghiên cứu còn nhận thấy nhận thức và hành vi của những người xung quanh cũng tác động tới hành vi sử dụng nhựa dùng một lần của sinh viên. Sinh viên được phỏng vấn cho rằng xung quanh họ rất ít người sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường dù nhận thức được tác hại của rác thải nhựa dùng một lần.

Khi đi mua sắm, nếu sinh viên không có sẵn các sản phẩm thay thế nhựa, họ sẽ buộc phải sử dụng nhựa dùng một lần. Thậm chí, một số sinh viên chia sẻ rằng những người xung quanh họ cho rằng họ đang quan trọng hóa mối nguy hại của nhựa, “làm màu” khi sử dụng sản phẩm thay thế.

Hành động đối mặt với rào cản để sống xanh

Đứng trước các rào cản đối với việc thay đổi thói quen của thanh niên Việt Nam nói riêng và của người Việt nói chung, nhóm Mắt Xanh (nhóm thanh niên vì môi trường) lựa chọn cất tiếng nói, lan tỏa thông điệp tích cực nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường, thúc đẩy thay đổi hành vi, hướng tới lối sống bền vững, thông qua các hoạt động và sản phẩm truyền thông trên fanpage Mắt Xanh - Thanh niên vì môi trường.

Fanpage Mắt Xanh

Fanpage Mắt Xanh

Bên cạnh các sản phẩm truyền thông đăng tải trên fanpage, trong năm 2021, với vai trò là nhóm thanh niên nòng cốt, Mắt Xanh đã đồng hành cùng Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) tổ chức cuộc thi “Plastic Talk - Khi nhựa lên tiếng”. Cuộc thi hướng đến tìm kiếm các sản phẩm truyền thông có khả năng truyền tải hiệu quả và hấp dẫn tới cộng đồng các thông điệp về giảm thiểu rác thải nhựa. Qua đó, nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên niên và cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa cũng như khuyến khích các hành động nhỏ và thiết thực trong bảo vệ môi trường và khơi dậy niềm đam mê, khả năng sáng tạo của thanh thiếu niên với các sản phẩm tại cuộc thi.

Cũng trong khuôn khổ cuộc thi, trong tháng 1 năm 2022, Mắt Xanh đã cùng VSF và Tập đoàn TH tổ chức chuỗi triển lãm “Khi nhựa lên tiếng” tại các cửa hàng TH true mart Hoàng Quốc Việt, TH true mart Times City và TH true mart Royal City. Triển lãm trưng bày 17 sản phẩm lọt  vào vòng Chung kết của cuộc thi “Khi nhựa lên tiếng”, bên cạnh triển lãm còn có các trò chơi với chủ đề rác thải nhựa. Thông qua triển lãm, ngoài mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng, Mắt Xanh mong muốn thúc đẩy túi tái sử dụng để loại bỏ túi ni-lông dùng một lần tại các chuỗi bán lẻ, hướng tới tiêu dùng bền vững.

Triển lãm tại TH true mart Hoàng Quốc Việt

Triển lãm tại TH true mart Hoàng Quốc Việt

Triển lãm “Khi nhựa lên tiếng” tại TH true mart Times City

Triển lãm “Khi nhựa lên tiếng” tại TH true mart Times City

Ủng hộ hoạt động của Mắt Xanh, bạn Hoàng Nhung, thành viên nhóm nghiên cứu tin rằng nhận thức là nền tảng để thay đổi hành vi: “Trước đây, ý thức bảo vệ môi trường của mình và gia đình chưa cao, đôi khi còn có hành vi mang tính hủy hoại. Sau khi cùng bạn bè thực hiện nghiên cứu này, bình nước cá nhân và túi vải là bạn thân của mình trên mọi nẻo đường. Đây là động lực để mình có thể tiếp tục làm việc và đóng góp cho lĩnh vực môi trường trong tương lai.”

Còn Quý Quốc, sinh viên Đại học Văn hóa nỗ lực rèn luyện cho bản thân thói quen sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, “Mang theo đồ cá nhân, túi vải khi cần mua đồ ăn, đồ uống, khi đi chợ, tái sử dụng các loại chai lọ, nếu cần tới những dụng cụ dùng 1 lần thì tớ sẽ chọn dùng các loại dụng cụ làm từ gỗ hoặc có nguyên liệu dễ phân huỷ”.

Nếu mỗi ngày, chúng ta đều bỏ ra một khoản chi phí để mua một chai nước hay một cốc nước thì một tháng, một năm, chúng ta có thể đã lãng phí một số tiền nhất định. Thay vào đó, tại sao chúng ta chưa lựa chọn đem nước đi bằng bình/cốc cá nhân? Tiết kiệm chi phí hơn, bền vững hơn. 

Thay đổi nhỏ có thể tạo ra dịch chuyển lớn. Lối sống bền vững không chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân mà cộng đồng cũng được hưởng lợi. Hãy bắt đầu thay đổi từ những điều nhỏ bé ngay hôm nay!

Phạm Phương Nhi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh