THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:36

Hơn 631,78 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2

Theo Worldometers, đến sáng 21/10, thế giới có trên 631,78 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,577 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 98,98 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,092 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 20/10, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,63 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.900 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Mặc dù số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận hàng ngày tại Ấn Độ tiếp tục giảm nhưng cơ quan y tế nước này đã phát hiện 2 biến thể phụ mới của Omicron là BF.7 và BQ.1. Theo đó, bang Maharashtra đã phát hiện nhiều trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.2.3.20 và BQ.1, biến thể vừa được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ hôm 17/10 từ mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân ở Pune. BQ.1 là "hậu duệ" của BA.5. Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học Gujarat đã phát hiện sự tồn tại của BF.7 hôm 14/10.

Đức hiện ghi nhận trên 35 triệu trường hợp mắc COVID-19, cao thứ tư toàn cầu. (Ảnh: AP)

Đức hiện ghi nhận trên 35 triệu trường hợp mắc COVID-19, cao thứ tư toàn cầu. (Ảnh: AP)

 

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 156.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 36,41 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 20/10, Pháp ghi nhận 56.793 ca mắc COVID-19 mới.

Đức đã vượt Brazil trở thành nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ tư thế giới với tổng cộng trên 35 triệu trường hợp. Tuy nhiên, Brazil vẫn là nước có số người tử vong vì COVID-19 cao thứ hai toàn cầu, chỉ sau Mỹ, với trên 687.400 người trong tổng số 34,81 triệu bệnh nhân.

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã tăng cường ngăn chặn COVID-19, đẩy mạnh kiểm tra và phong tỏa một số khu dân cư khi số ca mắc mới tăng gấp 4 lần trong những tuần gần đây. Thành phố Bắc Kinh với 21 triệu dân hôm 19/10 đã báo cáo 18 trường hợp mắc COVID-19 mới lây truyền tại địa phương, nâng tổng số ca nhiễm trong 10 ngày qua lên 197. Con số này cao gấp 4 lần so với 49 trường hợp nhiễm được phát hiện trong 10 ngày trước đó.

Cơ quan y tế Bắc Kinh kêu gọi kiểm tra mạnh mẽ hơn những người trong nhóm nguy cơ cao, kiểm tra kỹ lưỡng những người đi vào những khu vực công cộng đông đúc, bao gồm siêu thị và phòng tập thể dục. Một số khu dân cư có các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 đã bị phong tỏa trong ba ngày và có thể kéo dài thời gian đóng cửa nếu phát hiện người nhiễm mới được xác nhận.

Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) quyết định sẽ tiếp tục nới lỏng một số biện pháp giãn cách nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội từ ngày 20/10. Cụ thể, số người có thể tập trung thành nhóm ở nơi công cộng tăng từ 4 lên 12 người. Nhà chức trách Hong Kong cho phép nối lại các buổi biểu diễn tại những địa điểm như trung tâm tổ chức hội nghị, nhà hàng, quán bar, cũng như ngoài trời. Người tham gia biểu diễn cứ 7 ngày phải xét nghiệm axit nucleic 2 lần, xét nghiệm nhanh trước khi vào cơ sở liên quan và đeo khẩu trang. Ngoài ra, cũng từ ngày 20/10, người dân được phép ăn uống ngoài trời hoặc trong các công viên giải trí.

Chính quyền Hong Kong đưa ra quyết định trên sau khi phân tích các dữ liệu liên quan trên cơ sở khoa học, đánh giá khả năng kiểm soát rủi ro và tạo thuận tiện cho người dân. Theo Cục Y tế Hong Kong, dịch bệnh COVID-19 đã ổn định sau giai đoạn đỉnh điểm vào đầu tháng 9, mặc dù số ca mắc mới không giảm, dao động ở mức hơn 5.000 ca/ngày trong những ngày qua, nhưng số ca nhập viện, bệnh nặng và tử vong ở mức tương đối ổn định.

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định hạ cảnh báo đi lại tới 76 quốc gia, vùng lãnh thổ từ cấp độ 2 trên thang cảnh báo 4 cấp xuống cấp độ 1, tức là chỉ khuyên công dân Nhật Bản tới các quốc gia, vùng lãnh thổ này phải đề cao cảnh giác trước dịch COVID-19.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu "nói chung đang cải thiện" và các nước thành viên Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã dỡ bỏ các cảnh báo đi lại. Với quyết định này, Nhật Bản đã dỡ bỏ cảnh báo công dân hạn chế đi tới bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ nào nếu không có việc cần thiết. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nhật Bản vẫn khuyến cáo, những người có kế hoạch đi ra nước ngoài cần tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ.

Trong danh sách 76 quốc gia, vùng lãnh thổ được hạ cấp cảnh báo lần này có 6 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 11 thuộc khu vực Mỹ Latin, 20 ở châu Âu và 39 ở Trung Đông và châu Phi.

Ở chiều ngược lại, trong những ngày gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 đang có nguy cơ bùng phát trở lại ở Nhật Bản. Ngày 18/10, nước này ghi nhận thêm 43.272 ca nhiễm mới, tăng 28.384 người so với một ngày trước đó, và 72 trường hợp tử vong vì COVID-19. Đây là lần đầu tiên trong 5 ngày qua, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản vượt ngưỡng 40.000 ca/ngày. Con số này trong ngày 20/10 là 36.110 ca và 71 trường hợp.

Trong bối cảnh đó, giới chức y tế Nhật Bản lo ngại, nước này có thể sẽ phải đối mặt với hai đại dịch xảy ra cùng một lúc vào mùa đông tới gồm dịch COVID-19 và dịch cúm mùa

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh