THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:10

Hơn 604,57 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2

Theo Worldometers, đến sáng 27/8, thế giới có trên 604,57 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,48 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 95,84  triệu ca mắc và hơn 1,068 triệu trường hợp tử vong.

Trong thời gian biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 hoành hành, vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech đạt hiệu quả 73% bảo vệ trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 4 tuổi. Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ vừa công bố thông tin trên dựa trên kết quả thử nghiệm của hãng, qua đó tái khẳng định hiệu quả vaccine COVID-19 do hãng sản xuất.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 26/8, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,38 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 527.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 153.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,44 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, khoảng 1 triệu người đã tử vong vì COVID-19 trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố số liệu mới này và gọi đây là "dấu mốc bi thảm".

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 25/8, Tổng Giám đốc WHO cho biết, tổng số ca tử vong trên toàn cầu do COVID-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch là khoảng 6,4 triệu bệnh nhân. Trung bình một tuần trở lại đây, mỗi ngày thế giới vẫn ghi nhận hơn 700.000 ca mắc mới COVID-19, trong đó có khoảng 2.000 trường hợp tử vong.

Theo báo cáo mới nhất của WHO, Omicron chiếm 99% số ca nhiễm mới ghi nhận trong 30 ngày qua, trong đó biến thể BA.5 chiếm 74% số ca nhiễm mới. WHO cảnh báo, nguy cơ về dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn và kêu gọi các chính phủ tăng tốc tiêm chủng.

Số lượng giấy chứng nhận nghỉ ốm được cấp cho người lao động Italy trong nửa đầu năm nay đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2021 do tác động của đại dịch COVID - 19. Theo số liệu được Viện An sinh xã hội quốc gia Italy (INPS) công bố, có tới 19,8 triệu giấy chứng nhận như vậy đã được cấp trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 60,5% so với cùng kỳ năm 2021.

INPS cho biết, số lượng giấy chứng nhận nghỉ ốm được cấp gia tăng "có liên quan chặt chẽ đến diễn tiến của đại dịch COVID-19", đặc biệt là trong 3 tháng đầu năm nay khi Italy ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tăng mạnh. Riêng trong quý I, Italy ghi nhận khoảng 51,1 triệu ngày nghỉ ốm của người lao động khu vực tư nhân và 14,6 triệu ngày nghỉ ốm của người lao động khu vực công. Trong quý II, con số giảm xuống lần lượt là 32 triệu và 10 triệu.

Giấy chứng nhận bệnh tật để được nghỉ ốm do các bác sĩ làm việc trong hệ thống y tế quốc gia cấp cho từng trường hợp cụ thể. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với hầu hết người lao động trong khu vực tư nhân hoặc nhà nước để yêu cầu nghỉ ốm được trả lương. Giấy chứng nhận này có thể có giá trị trong nhiều ngày đến vài tuần.

Chile đã cấp phép các loại vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer, Moderna và Sinovac cho trẻ từ 6 tháng tuổi tại nước này. (Ảnh: AP)

Chile đã cấp phép các loại vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer, Moderna và Sinovac cho trẻ từ 6 tháng tuổi tại nước này. (Ảnh: AP)

 

Viện Y tế Công cộng Chile (ISP) đã chính thức cấp phép sử dụng các loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer, Moderna và Sinovac cho trẻ từ 6 tháng tuổi tại nước này.

Cụ thể, vaccine của Pfizer được phép sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi. Vaccine này sẽ gồm 3 liều tiêm, trong đó 2 liều đầu cách nhau 3 tuần và liều thứ 3 sẽ được tiêm sau đó ít nhất 8 tuần. Với vaccine của Moderna, trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi sẽ được tiêm 2 liều cách nhau 28 ngày. Trong trường hợp vaccine của hãng Sinovac, ISP khuyến khích sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi với 2 liều cách nhau từ 14 đến 28 ngày.

ISP nhấn mạnh, cơ quan này đã quyết định phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6 tháng tuổi dựa trên đánh giá về tính an toàn và hiệu quả từ Ủy ban kiểm định vaccine quốc gia (CEEC). Theo ISP, các mũi tiêm giúp bảo vệ trẻ nhỏ khỏi nguy cơ phải nhập viện, tử vong và các biến chứng lâu dài có thể xảy ra bởi dịch bệnh COVID-19.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động một dự án mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng trên toàn Somalia. Trong một tuyên bố, đại diện WHO tại Somalia, ông Mamunur Rahman Malik, cho biết, dự án sẽ giải quyết những lỗ hổng hiện tồn tại trong hoạt động điều phối, giám sát, tiêm chủng, ứng phó với dịch COVID-19 và giúp hệ thống y tế của Somalia hướng tới toàn diện và công bằng hơn sau khi phục hồi từ đại dịch.

Theo ông Malik, WHO với sự phối hợp của các đối tác, trong đó có Chính phủ Somali, sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ông nhấn mạnh: "Công tác này sẽ ngăn chặn dịch bệnh xuất hiện trở lại, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch đối với các dịch vụ y tế thiết yếu, chẳng hạn như tiêm chủng định kỳ cho trẻ em, vốn đã giảm mạnh trong 2 năm qua".

WHO cho biết tính đến ngày 24/8, Somalia ghi nhận tổng cộng 27.137 ca mắc và 1.351 ca tử vong do COVID-19, trong khi hệ thống giám sát dịch bệnh của nước này hoạt động phân tán và yếu kém. Hiện chỉ có 62% cơ sở y tế ở Somalia báo cáo về tình hình dịch COVID-19 thông qua mạng lưới cảnh báo sớm và ứng phó với dịch bệnh. Theo WHO, Somalia chỉ có thể tiêm phòng COVID-19 cho 15% dân số, nhiều người có nguy cơ lây nhiễm cao không được tiêm chủng.

Thông tư do Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia ban hành yêu cầu công dân nước ngoài trên 18 tuổi phải tiêm ít nhất 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 để được phép di chuyển trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia Đông Nam Á này.

Theo thông tư nói trên, du khách trong nước từ 6-17 tuổi được miễn yêu cầu tiêm chủng khi nhập cảnh. Những người làm giả giấy chứng nhận y tế, vốn là điều kiện bắt buộc đối với du khách, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Indonesia.

Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 Wiku Adisasmito ngày 26/8 khẳng định, tiêm chủng là một trong 3 lớp bảo vệ chính nhằm ngăn chặn COVID-19. Theo quan chức y tế này, lớp bảo vệ đầu tiên là quy trình 3M (giữ khoảng cách, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang), trong khi lớp bảo vệ thứ 2 là quy trình 3T (truy xuất nguồn gốc, xét nghiệm và điều trị).

Ông Adisasmito nhấn mạnh, đại dịch vẫn chưa kết thúc và chưa có đủ bằng chứng khoa học cho thấy tiêm chủng tạo ra đủ khả năng miễn dịch. Do đó, 3 lớp bảo vệ trên sẽ được triển khai đồng thời nhằm đối phó với COVID-19.

Giới chức quản lý giáo dục Lào khuyến cáo tất cả các trường học trên cả nước xem xét và triển khai những biện pháp an toàn để ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 khi năm học mới của nước này sẽ bắt đầu vào ngày 1/9 tới. Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã ban hành trên cả nước 10 biện pháp và 40 khuyến nghị để mở cửa trường học an toàn. Ban giám hiệu các trường đã được yêu cầu đảm bảo rằng cơ sở vật chất an toàn trước sự lây nhiễm của dịch COVID-19 và có thể tổ chức các lớp học bình thường. Bộ Giáo dục và Thể thao Lào sẽ cử cán bộ giám sát điều kiện tại từng trường.

Hong Kong (Trung Quốc) đang cân nhắc siết chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19. (Ảnh: AP)

Hong Kong (Trung Quốc) đang cân nhắc siết chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19. (Ảnh: AP)

 

Nhật Bản đang xem xét đơn giản hóa cách thức ứng phó với virus SARS-CoV-2, theo đó, có thể coi virus này như cúm mùa. Trong cuộc thử nghiệm, có thể bắt đầu vào giữa tháng 9, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch chọn một số cơ sở y tế và yêu cầu các cơ sở này thông báo ca mắc. Điều này sẽ mở đường cho việc thay đổi cách báo cáo hiện nay về tất cả các trường hợp được xác định nhiễm bệnh.

Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ thay đổi hệ thống báo cáo COVID-19 chi tiết. Tuần này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố kế hoạch cho phép các tỉnh, thành chỉ hướng tới mục tiêu là người cao tuổi và những người có nguy cơ diễn tiến nặng, trong khi duy trì báo cáo tổng số ca nhiễm hàng ngày.

Những thay đổi này là một phần trong nỗ lực giảm gánh nặng cho các bệnh viện và trung tâm y tế địa phương do sự lây lan của biến thể Omicron. Trước đó, giới chuyên gia cũng kêu gọi chính phủ hạ cấp ứng phó với virus SARS-CoV-2 tương tự như cúm mùa và có cách tiếp cận linh hoạt hơn để vừa có thể ngăn chặn sự lây lan của virus, vừa cân bằng các hoạt động kinh tế-xã hội.

Ngày 26/8, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 227.139 ca mắc COVID-19, 310 người tử vong. 

Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đang cân nhắc siết chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc mới tại vùng lãnh thổ này tăng cao gây thêm áp lực đối với hệ thống y tế.

Hong Kong ghi nhận 7.884 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 24/8, mức cao nhất kể từ cuối tháng 3 vừa qua. Số ca nhập viện cũng tăng gây áp lực cho hệ thống y tế, khiến các bệnh viện phải giảm một số dịch vụ không khẩn cấp và mở lại các cơ sở cách ly cộng đồng. Tuy nhiên, việc phải siết chặt các biện pháp hạn chế sẽ là một bước lùi trong nỗ lực mở cửa trở lại trung tâm tài chính châu Á này.

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh