Hơn 600 công nhân, kỹ sư sẽ vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông
- Tây Y
- 23:05 - 10/08/2018
Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đỗ tại nhà ga. Ảnh: Giang Huy
Tại tọa đàm về công tác vận hành dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sáng 10/8, ông Vũ Hồng Phương - Phó giám đốc Ban quản lý dự án cho hay, các hạng mục xây dựng trên toàn tuyến đã xong trên 96%; hơn 95% thiết bị được nhập về và lắp đặt hoàn chỉnh khoảng 85%.
Tổng thầu đang căn chỉnh từng hạng mục đã lắp đặt; công tác cấp điện và đóng điện hoàn thành từ đầu tháng 8, đoàn tàu đã có thể chạy thử trên toàn tuyến vào cuối tháng này.
Cũng theo lãnh đạo Ban quản lý dự án, toàn bộ lực lượng hỗ trợ kỹ thuật từ phía Trung Quốc đã đến Việt Nam; sẽ có 681 nhân sự tham gia dự án, có mặt tại hiện trường trong những ngày này với mục đích vừa tham gia đào tạo vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành. Trong đó có 651 công nhân và 30 kỹ sư, nhân sự quản lý.
Ông Vũ Hồng Phương cho biết, quá trình vận hành dự án sẽ có camera giám sát tại các khu gian và trên đường để kiểm soát tác động bên ngoài. Đoàn tàu chạy đường riêng trên cao, và theo quy định thì khoảng cách an toàn hành lang trên tuyến được đảm bảo, nhà ga có rào chắn..., nên người ngoài không thể tiếp cận đường ray.
Đại diện đơn vị sẽ quản lý tuyến đường sắt, ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội thông tin, tốc độ trung bình của tàu Cát Linh - Hà Đông là 35 km mỗi giờ.
Khảo sát của đơn vị này cho thấy 98% người dân được hỏi đã biết về dự án, 95% cho biết sẽ thử đi. Người dân cũng chấp nhận đi vé lượt cao hơn vé xe buýt từ 35 đến 37%, cao hơn vé tháng xe buýt từ 15 đến 20%.
"Giá vé tàu điện sẽ được Nhà nước trợ giá, cạnh tranh với xe cá nhân để khuyến khích người dân chuyển sang phương tiện công cộng", ông Trường nói.
Ngoài ra, theo khảo sát thì nhiều hành khách mong muốn có các dịch vụ gia tăng như cây ATM, cửa hàng tiện ích, cửa hàng ăn nhanh, có máy bán hàng tự động... Do đó, đơn vị sẽ cung cấp các dịch vụ đó tại một số điểm bên ngoài khu vực chạy tàu để đảm bảo vệ sinh, an ninh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông đô thị, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động sẽ làm thay đổi giao thông trên quốc lộ 6 vì dự kiến người tham gia sẽ rất đông. Xe buýt được tổ chức kết nối với đường sắt để gom khách và giải tỏa hành khách tại các ga.
Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Sau khi vận hành thử nghiệm trên toàn tuyến trong tháng 8, trong thời gian 3 đến 6 tháng tiếp theo, tàu điện được chạy thử không tải để căn chỉnh tổng hợp. Tùy thuộc vào kết quả chạy thử, cơ quan chức năng sẽ quyết định thời điểm đưa tàu vào khai thác thương mại.