THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:24

Hơn 50% phụ nữ chấp nhận cho chồng bạo hành

Nhận thức của phụ nữ vẫn chưa được cải thiện

Theo kết quả điều tra, 81,9% phụ nữ có điện thoại di động, 63,3% trong số đó sử dụng để nghe gọi hoặc nhắn tin, 51,3% có sử dụng ít nhất một lần trong một tuần. Có 36,6% tỷ lệ phụ nữ tuổi từ 15-49 tham gia đọc báo hoặc tạp chí 1 lần/tuần, 27,6% nghe đài ít nhất 1 lần/tuần, 95,3% xem tivi ít nhất 1 lần/tuần. Số liệu này cho thấy tỷ lệ phụ nữ tiếp cận với truyền thông và công nghệ thông tin đã được cải thiện, song, vấn đề nhận thức của phụ nữ vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Một trong những nội dung điều tra là đánh giá thái độ của phụ nữ độ tuổi 15-49 đối với việc bị chồng đánh đập vợ, bằng cách đặt câu hỏi liệu người chồng có lý do hợp lý để đánh vợ trong các tình huống khác nhau. Kết quả khảo sát cho thấy, 50% phụ nữ cho rằng người chồng có đủ lý do để đánh vợ, điều này phổ biến hơn ở những hộ gia đình nghèo và phụ nữ có trình độ giáo dục thấp. Trong đó có 28,2% phụ nữ cho rằng người chồng có thể đánh vợ với 5 lý do: Nếu đi chơi mà không nói với chồng, nếu bỏ bê con cái, nếu cãi lại chồng, nếu từ chối quan hệ tình dục với chồng, nếu làm cháy thức ăn.

Ảnh minh họa.                                         Nguồn: Internet.

Bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng: “Để giảm vấn nạn bạo hành gia đình cần phải tuyên truyền để thay đổi nhận thức của mọi người. Tôi đã đi đến 1 xã ở Tây Nguyên, tại xã đã có tới 2 bộ dụng cụ y tế nhưng trước đó 3 ngày vẫn có một phụ nữ tử vong khi sinh vì người chồng kiên quyết không cho bác sĩ đụng dao kéo vào người vợ, không cho vợ chuyển lên bệnh viện huyện để cấp cứu. Hay như hơn 50% phụ nữ chấp nhận cho chồng bạo hành cũng vậy. Đó là nhận thức và chúng ta phải làm sao để thay đổi cái nhận thức đó”.

Nhiều phụ nữ vẫn mang nặng tư tưởng “nam tôn, nữ ti”

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, cho rằng: Hiện vẫn còn nhiều phụ nữ Việt Nam chưa nhận thức được quyền bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Họ vẫn còn mang nặng tư tưởng “nam tôn, nữ ti”, coi người chồng có nhiều quyền lực hơn vợ và có thể dùng quyền của mình để giữ “tôn ti trật tự” trong gia đình thông qua việc “trừng phạt” người vợ nếu họ không tuân thủ trật tự đó. Các nghiên cứu khác cũng có kết quả tương tự. Phụ nữ nói chung “bảo thủ” hơn nam giới theo nghĩa là họ vẫn tiếp tục tin rằng phụ nữ phải chịu hy sinh, phải nghe lời chồng. Họ cũng vẫn cho rằng công việc gia đình là “thiên chức” của phụ nữ và nếu không làm tốt công việc gia đình là không xứng đáng làm vợ, làm mẹ.

Tại Việt Nam, việc nhiều phụ nữ  chấp nhận và cam chịu sự bạo hành là một sự thật. Tình trạng này đã tồn tại từ lâu và vẫn đang tiếp tục diễn ra cũng vì quan niệm xã hội không ủng hộ người phụ nữ dám tố cáo bạo hành trong gia đình mình. Vẫn còn rất nhiều người, kể cả những người lãnh đạo và cán bộ các cơ quan chức năng coi bạo lực gia đình là vấn đề nội bộ chỉ nên giải quyết trong gia đình qua phương pháp hoà giải.

Những người phụ nữ bị chồng bạo hành không những không được khuyến khích lên tiếng mà ngược lại nếu họ tố cáo hành vi bạo lực họ lại thường bị cộng đồng đánh giá một cách tiêu cực. Trong một khảo sát rà soát về các can thiệp phòng chống bạo lực gia đình mà TS. Khuất Thu Hồng phối hợp thực hiện, nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo hành từ phía người chồng cho biết họ thường cam chịu bạo hành kéo dài trong nhiều năm. Họ không dám lên tiếng yêu cầu giúp đỡ hoặc tố cáo người chồng vì sợ bị đánh giá là “vạch áo cho người xem lưng” và thậm chí có thể còn bị bạo hành nhiều hơn. TS nói: “Chừng nào xã hội còn chưa coi bạo hành gia đình là vấn đề quyền con người mà xã hội phải có trách nhiệm can thiệp thì chừng đó bạo hành vẫn giới hạn đằng sau cánh cửa mỗi gia đình. Phụ nữ vẫn tiếp tục phải chịu đựng bạo hành từ chồng hoặc các thành viên khác của gia đình”.

KHÁNH VÂN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh