THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:52

Hơn 3 triệu lao động có việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm

Khởi nghiệp từ Quỹ quốc gia về việc làm

Quỹ quốc gia về việc làm là một kênh vốn được nhiều thanh niên trông đợi để khởi nghiệp. Tuy nhiên, đến nay không phải ai cũng biết điều kiện để được vay vốn, số tiền vay tối đa là bao nhiêu, lãi suất, thời hạn như thế nào? Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Ban Tín dụng Học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách, Ngân hàng CSXH cho biết: Theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định điều kiện vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với người lao động gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc tạo việc làm cho thành viên trong hộ hoặc thu hút thêm lao động có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án. Nếu đáp ứng được các điều kiện vay vốn nêu trên, đối tượng có thể được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, với mức vay tối đa là 50 triệu đồng. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh mức vay 1 dự án tối đa là 1 tỉ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm. Hiện nay, lãi suất đối với người lao động là người khuyết tật  3,3%/năm. Thời hạn cho vay vốn của Quỹ quốc gia về việc làm tối đa là 60 tháng. Thời hạn cho vay cụ thể do Ngân hàng CSXH và người vay thỏa thuận căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của người vay để xác định cụ thể ghi vào hợp đồng tín dụng.

Người lao động có thêm cơ hội tìm việc làm từ Nghị định 61/NĐ-CP.

Nghị định số 61 của Chính phủ quy định đối tượng được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là người lao động, không phân biệt người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số và đang còn dư nợ các chương trình cho vay với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Do đó, những lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số nếu đang còn dư nợ các chương trình cho vay với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn nếu có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm mà đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định của Nghị định số 61 của Chính phủ, thì có thế được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Theo đánh giá của chính quyền, hội đoàn thể các địa phương cho thấy, thời gian qua cơ chế quản lý, cho vay nguồn vốn theo chương trình quốc gia về giải quyết việc làm có nhiều đổi mới đã tạo ra sự thông thoáng, hiệu quả đối với chương trình cho vay vốn hỗ trợ việc làm. Các dự án vay vốn đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hoàn trả vốn vay đúng kỳ hạn, diện vay vốn rộng, vốn được quay nhiều vòng. Nhờ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người lao động, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất.

Trung ương Đoàn tiếp “lửa” thanh niên khởi nghiệp

Hiện thanh niên nông thôn có nhu cầu phát triển kinh tế, song hỗ trợ cho thanh niên còn thiếu và chỉ có một số ít thanh niên được vay, trong khi đó, nguồn vốn vay từ NHCSXH chưa đáp ứng được. Để tiếp thêm “lửa” cho thanh niên có nguồn vốn khởi nghiệp, theo ông Lê Ngọc Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển nông thôn, T.Ư Đoàn, ngoài các nguồn vốn hỗ trợ thanh niên từ Ngân hàng CSXH theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ, T.Ư Đoàn đang dự kiến xây dựng đề án tín dụng hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Đề án này nằm trong đề án chung của T.Ư Đoàn về "Đề án Thanh niên khởi nghiệp", hỗ trợ vốn.  Bên cạnh đó, T.Ư Đoàn có kế hoạch xây dựng vườn ươm doanh nghiệp và đào tạo doanh nhân trẻ. Ngoài tuyên truyền cung cấp cho thanh niên nông thôn về các chính sách mới của nhà nước, đặc biệt là chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và việc làm, chúng tôi cũng đang tham mưu để xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm.

Cũng theo ông Lê Ngọc Khánh, việc giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường hiện nay đang gặp một số khó khăn, T.Ư Đoàn có một số định hướng giúp giải quyết việc làm cho sinh viên. Trước hết, T.Ư Đoàn tổ chức tuyên truyền định hướng nghề nghiệp cho thanh niên ngay từ giai đoạn còn học phổ thông nhằm phân loại, định hướng cho thanh niên, đánh giá đúng sức mình để định hướng nghề nghiệp. Đồng thời, tham gia tích cực vào đề án Quốc gia khởi nghiệp của Chính phủ. Tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận với thị trường lao động qua các ngày hội việc làm. Hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp với nhiều hình thức đào tạo, hỗ trợ về các thủ tục hành chính, hỗ trợ hướng dẫn xây dựng các dự án, bảo lãnh tín chấp để vay vốn khởi nghiệp. Song song với đó, T.Ư Đoàn đang xây dựng chương trình tín dụng hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp.

Tính đến hết tháng 3/2016 tổng nguồn vốn cho chương trình giải quyết việc làm đạt 6.858 tỉ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương là 4.261 tỉ đồng, Quỹ việc làm của địa phương 2.597 tỉ đồng), đã thu hút và tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động. Từ khi triển khai thực hiện cho vay theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, đến ngày 30/4/2016, Ngân hàng CSXH đã giải ngân được 1.925 tỉ đồng, với 76.801 khách hàng được vay vốn.

VÂN KHÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh