THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:29

Hơn 1,4 triệu lượt hộ nghèo Hà Nội được vay vốn từ NHCSXH

 

Nhiều cơ sở sản xuất gốm sứ ở làng gốm cổ Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để đầu tư mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông nhàn

Hơn 1,4 triệu lượt khách hàng được vay vốn

Đến nay, NHCSXH đã giúp cho 1,4 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Từ ba chương trình tín dụng nhận bàn giao khi mới thành lập với dư nợ chỉ 300 tỷ đồng, đến nay, NHCSXH đã thực hiện cho vay 14 chương trình tín dụng với tổng dư nợ  5.504 tỷ đồng, tăng gấp 12 lần so với thời điểm khi mới thành lập. Mạng lưới hoạt động của chi nhánh đã thực sự bao phủ trên diện rộng với 558 Điểm giao dịch xã, 7.807 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên tổng số 584 xã/phường/thị trấn.

Chúng tôi về xã Kim An, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đúng vào ngày giao dịch hằng tháng của Phòng giao dịch huyện. Việc tổ chức giao dịch giải ngân vốn vay ngay tại xã đã giúp cho các hộ gia đình vay vốn giảm rất nhiều thời gian và chi phí đi lại. Thủ tục vay vốn đơn giản và nhanh chóng hơn. Chị Trần Thị Tạ, một chi hội trưởng phụ nữ xuất sắc đồng thời là tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn tiêu biểu của thôn Hoạch An, hồ hởi khoe, tổ của chị hiện có 42  hộ nghèo, hộ cận nghèo tự nguyện tham gia sinh hoạt đều đặn với tổng dư nợ đạt trên 700 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay này, nhiều thành viên trong tổ đã có điều kiện phát triển SXKD, tạo việc làm, chăm lo việc học hành cho con em, vươn lên thoát cảnh nghèo khó, cuộc sống về tinh thần lẫn vật chất được cải thiện rõ rệt.

 Năm 2010, qua bình xét và hướng dẫn của Tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình ông Trần Văn Đúng được vay vốn 15 triệu đồng để đào ao, thả cá. Sự cần cù, chịu khó cùng với sự hướng dẫn của Tổ đã giúp cho đồng vốn sinh sôi. Hiện tại, sau khi đã trả hết nợ ngân hàng, gia đình ông Đúng còn mua thêm được máy phay đất, công nông chở vật liệu, cuộc sống ngày càng được cải thiện.

Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Duyên ở thôn Thượng, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, xây dựng cơ ngơi khá giả. Năm 2013, được vay 25 triệu đồng hộ cận nghèo của NHCSXH cùng với số tiền dành dụm của gia đình, vợ chồng chị Duyên đã cải tạo 1.500m2 mặt nước làm ao thả cá giống và nuôi bò sinh sản, gà thịt. Công việc nuôi cá, và chăm sóc đàn gà, bò sinh sản thuận lợi, tháng trước đây, gia đình chị tiếp tục tăng đàn và mở rộng hệ thống chuồng trại, ao nuôi. Chị Duyên xúc động nói “Nhờ đồng vốn ưu đãi tiếp sức, chắc chắn cuối năm nay gia đình tôi thoát hết nghèo, sớm hoàn trả nợ cho ngân hàng”.

Không chỉ có gia đình anh Đúng hay chị Duyên được vay nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH mà còn hàng vạn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn cũng được vay vốn thuận lợi, đầu tư kịp thời vào sản xuất kinh doanh, cải thiện thu nhập, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Góp phần giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội

Trải qua 14 năm hoạt động, chi nhánh đã tập trung phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội đoàn thể các cấp chỉ đạo thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch lưu động cấp xã. NHCSXH thường xuyên rà soát, phân tích rõ nguyên nhân nợ quá hạn để có các giải pháp xử lý triệt để đồng thời triển khai hoàn thiện hồ sơ xử lý rủi ro kịp thời trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ đó, chất lượng tín dụng của toàn Chi nhánh tiếp tục được cải thiện, nợ quá hạn giảm, hoạt động của Tổ TK&VV, tổ giao dịch lưu động tại xã, phường, thị trấn tiếp tục được củng cố, nâng cao.

Tính đến cuối tháng 9/2016, tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt hơn 5.523 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư từ địa phương là 1.422 tỷ đồng. Do đó, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước trong việc huy động nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư từ địa phương để tạo lập nguồn vốn tín dụng, đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 190.000 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 500.000 lao động; giúp cho trên 145.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng trên 400.000 công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh; hỗ trợ xây dựng trên 7.200 ngôi nhà cho hộ nghèo…

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị - xã hội, xây dựng nông thôn mới; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Thành phố từ 6,09% (năm 2010) xuống còn 1,5% (năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia từ 4,97% (năm 2010) xuống còn 0,27% (năm 2015).

Nguồn vốn cho vay tuy đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn song nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm của những hộ gia đình tại khu vực mất đất sản xuất, khu vực đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tại các làng nghề trên địa bàn còn rất lớn, và đặc biệt cần huy động được nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của những hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020. 

Ghi nhận, đánh giá cao kết quả đóng góp quan trọng của NHCSXH trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã khẳng định: Tín dụng chính sách xã hội đã có tác động tích cực, cải thiện rõ rệt đời sống của người dân Thủ đô, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách. Thành ủy sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để NHCSXH hoàn thành tốt nhiệm vụ; tiếp tục cân đối ngân sách để ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố có vốn SXKD, tạo việc làm, tham gia tích cực vào thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp.

Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2016, từ nay đến cuối năm, NHCSXH thành phố Hà Nội tích cực tổ chức huy động vốn nhằm đáp ứng nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng trên địa bàn, nhất là nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương và nguồn huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tăng cường công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn chi nhánh, nắm bắt, xử lý kịp thời nợ đến hạn, không để phát sinh nợ quá hạn; triển khai cho vay quay vòng nhanh vốn thu hồi và vốn được bổ sung mới nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Giám đốc NHCSXH thành phố Hà Nội Nguyễn Kim Phung khẳng định, với những kết quả đạt được, nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, toàn thể đội ngũ cán bộ NHCSXH Hà Nội quyết tâm tranh thủ các điều kiện thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức cùng toàn hệ thống NHCSXH phấn đấu hoàn thành xuất sắc mục tiêu Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020 “ theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước; gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác”. 

MINH HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh