THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:15

Hơn 1.000 hộ dân sắp dời nhà khỏi bãi rác lớn nhất Hà Nội

 

Khu vực xử lý nước rác ở bãi rác Nam Sơn. Ảnh: Tất Định 

Ngày 5/4, ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Sóc Sơn cho biết, đơn vị đã hoàn thành thành phương án đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực bán kính 500 m tính từ hàng rào bãi rác Nam Sơn.

Tổng diện tích đất thu hồi của 3 xã là gần 396 ha; từ ngày 20/4, huyện bắt đầu chi trả tiền đền bù cho người dân với tổng kinh phí dự kiến 3.400 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư phát triển Hà Nội.

"Việc di chuyển các hộ dân, bố trí tái định cư được thực hiện từ tháng 7 đến cuối năm 2019", ông Hùng nói.

Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Sóc Sơn thông tin thêm, người dân có thể lựa chọn nhận tiền đền bù hoặc chuyển đến các khu tái định nằm gần đường 35. Đây là những khu đất đã được Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội phê duyệt, đảm bảo hạn chế mùi và không có xe vào bãi rác đi qua. 

Cụ thể, đất tái định cư cho xã Nam Sơn được bố trí tại 3 khu: Các hộ dân thôn Đông Hạ nằm trong bán kính 500 m tính từ hàng rào bãi rác sẽ tái định cư ở khu đất mới cũng thuộc thôn này, song cách bãi rác khoảng 1.000 m; dân thôn Xuân Thịnh đến thôn Thanh Hà (cách bãi rác 7 km); dân thôn Xuân Bảng đến thôn Hoa Sơn (cách bãi rác 4 km); 

Khu tái định cư xã Bắc Sơn bố trí ở thôn Nam Lý cùng xã, cách bãi rác 3 km.

Khu tái định cư xã Hồng Kỳ quy hoạch tại thôn 3 cùng xã, cách bãi rác khoảng 1.300 m.

 

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Bí thư thôn 2 (Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Tất Định

Gia đình ông Nguyễn Văn Kỳ, Bí thư thôn 2 (xã Hồng Kỳ) ở cách bãi rác 100 m, sát đường nhựa đen kịt vì nước rỉ từ ôtô chở rác qua lại hàng ngày. "Nhà tôi nằm trong số 1.100 hộ dân thuộc 3 xã sắp di dời. Chúng tôi đang mong chờ từng ngày để đi khỏi đây", ông Kỳ nói. Tuy nhiên, theo ông, nhiều người dân thôn 2 chưa đồng ý với phương án bố trí khu tái định cư của huyện.

"Khu vực đó chỉ cách bãi rác hơn 1.000 m, nằm sát khe núi nên không khí vẫn bị ảnh hưởng mùi rác. Người dân muốn được chuyển tới chỗ xa hơn, tối thiểu là 3.000 m", ông Kỳ cho hay.

Cũng như gia đình ông Kỳ, nhà ông Tạ Nhật Anh (48 tuổi, thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn) nằm cạnh bãi rác, nơi mùi rác, hóa chất nồng nặc suốt ngày đêm. Nhà ông có 4 người, đều mắc bệnh về đường hô hấp. Nhận được thông báo di dời, ông Tạ Nhật Anh mừng vì thoát cảnh sống ô nhiễm nhưng lại lo lắng về số tiền đền bù không đủ để mua đất chỗ mới.

Ông Nhật Anh cho biết gia đình có diện tích đất 2.500 m2, bao gồm 2.100 m2 đất rừng và  400 m2 đất thổ cư, theo đơn giá đền bù thì tổng ước tính khoảng 1,2 tỷ đồng. "Số tiền này không dễ mua đất, xây nhà nơi khác", ông chia sẻ.

Trước đó ngày 10/1, nhiều người dân hai xã Bắc Sơn, Hồng Kỳ dựng lều bạt để ngăn xe chở rác vào khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Tình trạng này kéo dài trong 5 ngày khiến nhiều tuyến đường ở 12 quận Hà Nội ngập rác.

Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) được xây dựng từ năm 1999, nằm trên địa bàn 3 xã của huyện Sóc Sơn, có quy mô hơn 157 ha chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I gồm 10 ô chôn lấp với diện tích trên 83 ha, hiện đã đầy. Giai đoạn II, diện tích hơn 73 ha gồm 8 ô chôn lấp. Dự kiến đến năm 2021 sẽ đóng bãi toàn bộ khu chôn lấp rác.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh