Hơn 10 năm thanh, kiểm tra tới hơn 2 triệu cuộc nhưng thanh tra chỉ có 10%
- Tây Y
- 12:55 - 05/11/2022
Sáng 5/11, theo chương trình kỳ họp thứ 4, từ 8 giờ đến 9 giờ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp tục trả lời chất vấn về lĩnh vực nội vụ. Sau đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đăng đàn trả lời chất vấn.
Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ giải quyết chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán
Đặt câu hỏi đối với Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho biết, trong tổng số hơn 2,3 triệu cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ quan nhà nước tiến hành từ năm 2011 đến nay, cuộc thanh tra chỉ chiếm 10%, 90% là kiểm tra.
Vì vậy, có tình trạng các cơ quan nhà nước dùng hoạt động kiểm tra để tiếp cận doanh nghiệp, có những trường hợp lạm dụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp cũng như người dân.
Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp tách bạch giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra?
Trả lời chất vấn tại phiên họp về vấn đề hơn 10 năm thanh tra, kiểm tra tới hơn 2 triệu cuộc nhưng thanh tra chỉ có 10%, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) muốn tách bạch hoạt động thanh tra độc lập, không đưa hoạt động kiểm tra vào.
Chính vì vậy, trong cái thời gian vừa qua, khi báo cáo số cuộc thanh tra, kiểm tra thì lại gộp cả thanh tra và kiểm tra. Nhưng thực chất số thanh tra chỉ khoảng 10%, chủ yếu là kiểm tra.
Dự thảo luật đã có một điều, khoản nói rõ về quy trình, trình tự, thủ tục và quy định riêng cho hai hoạt động thanh tra, đó là hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành…
Đối với hoạt động kiểm tra, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ đây là hoạt động thường xuyên theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước. Hoạt động kiểm tra không theo trình tự, thủ tục của thanh tra; thông thường theo đặc thù của từng lĩnh vực, từng ngành.
Do đó, khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua chắc chắn rằng sẽ giải quyết tốt hơn sự chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Về hoạt động kiểm tra có số lượng rất lớn, với trách nhiệm quản lý nhà nước, Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu Chính phủ có chỉ đạo cụ thể để khắc phục tình trạng trên.
Liên quan đến việc, xử lý thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đây là vấn đề khó, nhất là tài sản kinh tế. Vấn đề này Ban Bí thư đã có Chỉ thị 04, do đó, kết quả 9 tháng thu hồi tài sản tham nhũng của năm 2022 đã tăng gần gấp đôi so với năm 2021.
Trong thời gian tới, ngoài việc thực hiện tốt Chỉ thị 04, đề nghị các cơ quan sửa đổi bổ sung quy định thu hồi tài sản, giải quyết bất cập, đảm bảo tính đồng bộ để công tác thu hồi hiệu quả.
Về giải pháp, cần hoàn thiện cơ chế thu hồi, tăng cường xử lý sau thanh tra và thi hành án, khi phát hiện dấu hiệu tội phạm phải xử lý ngay, tránh tẩu tán, thất thoát tài sản. Trong giải quyết, thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài cần có hợp tác quốc tế về vấn đề này.
Nêu rõ giải pháp bảo đảm ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn
Đặt vấn đề chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, tại phiên thảo luận về dự án Luật thanh tra cũng như tại phiên chất vấn ngày hôm nay, một số đại biểu Quốc hội đã phản ánh về việc chậm ban hành kết luận thanh tra và lo ngại việc ban hành, chậm ban hành kết luận này có thể sẽ tác động và ảnh hưởng đến tính khách quan của kết luận thanh tra.
Đại biểu Thủy đề nghị, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết những giải pháp nào Thanh tra Chính phủ đã và sẽ triển khai để bảo đảm hoạt động thanh tra về việc ban hành kết luận thanh tra được đúng thời hạn theo quy định của pháp luật?
Trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hiện nay Chính phủ đã trình Quốc hội Luật Thanh tra (sửa đổi) trong đó có xây dựng thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, đã được điều chỉnh với các cuộc thanh tra có quy mô lớn, tính chất phức tạp từ 15 ngày đến 30 ngày.
Trước đây quy định tất cả các cuộc thanh tra từ Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra sở, ngành, huyện đều là 15, hiện đã phân ra cuộc thanh tra của Chính phủ là 30 ngày và thanh tra quy mô phức tạp là 30 ngày.
Về việc báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dự thảo kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, hiện nay đặc biệt đối với Thanh tra Chính phủ, toàn bộ những cuộc thanh tra khi dự thảo kết luận phải báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến và xin ý kiến tham gia bộ, ngành, đối tượng thanh tra. Nhưng thời gian tới, việc sửa đổi Luật thanh tra chỉ phải báo cáo trong trường hợp: cuộc thanh tra liên quan đến quốc phòng, an ninh; cuộc thanh tra do Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo và cuộc thanh tra do yêu cầu thực tế trong quá trình lãnh đạo mà thủ trưởng cơ quan quản lý yêu cầu báo cáo.
Thanh tra Chính phủ tiếp tục đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành điều tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận và nâng cao chất lượng kết luận thanh tra theo Nghị quyết 45, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể cho trưởng, phó đoàn thanh tra, thủ trưởng cơ quan chủ trì, thành viên thanh tra, người giám sát, người thẩm định kết luận thanh tra và có hình thức xử lý nếu để xảy ra lộ lọt, không chuyển các vụ việc vi phạm tội phạm sang cơ quan điều tra…
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo về những hành vi cấm trong hoạt động của đoàn thanh tra như: Cấm nhận quà, tiền giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức và nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra. Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong rất mong các vị đại biểu Quốc hội và cử tri giúp Thanh tra Chính phủ giám sát và phản ánh những sai phạm của cán bộ trong đoàn thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng giải trình về cơ chế giám sát đoàn thanh tra, giám sát xử lý sau thanh tra, về thu hồi tài sản sau thanh tra…