CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:21

Hôm nay (30/3), Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng

 

Theo chương trình làm việc, 10h30 sáng Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia để đại biểu thảo luận ở đoàn.

Kết quả thảo luận được công bố khoảng 15h chiều cùng ngày trước khi Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến.

Ban kiểm phiếu thành lập dựa trên tờ trình của Chủ tịch Quốc hội sẽ công bố thể lệ bầu cử và tiến hành các bước tiếp theo.

Ngày 31/3, Thường vụ báo cáo kết quả thảo luận đoàn về dự kiến nhân sự vào các vị trí mới để đại biểu thông qua và tiến hành bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín.Việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín ngay trong chiều 30/3. Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm này trước khi đề cử nhân sự mới được trình ra.

Chủ tịch Quốc hội mới sẽ tuyên thệ khi nhậm chức.

 

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng.

Ông Nguyễn Sinh Hùng đảm nhận vị trí người đứng đầu Quốc hội năm 2011. Cùng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông được nhiều đại biểu giới thiệu tái cử tại Đại hội Đảng khóa XII nhưng đã xin rút.

Chia sẻ về nhiệm kỳ của mình, ông cho biết "không còn gì trăn trở bởi hai nhiệm vụ quan trọng của người lãnh đạo đã hoàn thành". Thứ nhất là những việc được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao ông đã làm hết sức, tận tâm, tận lực, rèn luyện để vượt qua chính mình. Thứ hai là chuẩn bị người thay thế mình.

Người được Bộ Chính trị giới thiệu thay thế ông là Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (62 tuổi). Nếu trúng cử, bà Ngân sẽ là nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Với trình học vấn thạc sĩ Kinh tế, bà Kim Ngân từng kinh qua các vị trí: giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bến Tre, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội; Phó chủ tịch Quốc hội từ năm 2011.

Bà là ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa 9, 10, 11, 12; ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, 12; đại biểu Quốc hội khóa 12, 13.

Hai lần lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, bà Ngân đều dẫn đầu danh sách được tín nhiệm. Năm 2013, bà đạt 372 "tín nhiệm cao" - số phiếu nhiều nhất trong các đại biểu. Năm 2014, bà vững vị trí người đạt "tín nhiệm cao" nhiều nhất với 390 phiếu.

 

Cơ cấu nhân sự Quốc hội khóa 13. 

Trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2015, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định "yếu tố trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn" đã được thể hiện rõ nét trong quyết sách của Quốc hội. Mỗi phát biểu của đại biểu đều xuất phát từ đời sống thường nhật, lấy mục tiêu lo việc của dân để bàn thảo và quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước.

Dù vậy, Quốc hội cũng nhận rõ phần trách nhiệm với những tồn tại, yếu kém của đất nước. Đó là chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng; tái cơ cấu kinh tế chậm; ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Hoạt động giám sát của Quốc hội còn hạn chế. Một số trường hợp chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan, biện pháp xử lý. Việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri chưa đạt yêu cầu.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh