Hôm nay, 8/11: Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu kinh tế
- Tây Y
- 19:21 - 08/11/2016
Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thủy lợi và dự án Luật Du lịch (sửa đổi).
Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Cuối buổi chiều, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Về dự án Luật Thủy lợi, thời gian qua, mặc dù lĩnh vực thủy lợi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và đầu tư lớn của Nhà nước, nhưng hiện nay nhiệm vụ phát triển thủy lợi vẫn còn những thách thức lớn. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Thủy lợi nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước và từng địa phương là cần thiết.
Dự thảo Luật Thủy lợi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này gồm 9 chương, 72 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc và chính sách trong hoạt động thuỷ lợi; chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi; an toàn công trình thủy lợi; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong hoạt động về thủy lợi; trách nhiệm quản lý Nhà nước về thủy lợi…
Về dự án Luật Du lịch (sửa đổi), Luật Du lịch được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005.
Qua hơn 10 năm thực hiện Luật Du lịch, ngành du lịch đã có bước chuyển biến quan trọng, có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như chất lượng, hướng đến trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, hiện có nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn khiến cho Luật Du lịch hiện hành bộc lộ những hạn chế, bất cập. Do đó, việc sửa đổi Luật Du lịch là nhu cầu tất yếu và cấp thiết nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước. Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần này gồm 10 chương, 79 điều (bổ sung 56 điều, quy định mới 21 điều và giữ nguyên 2 điều).
Thảo luận tại tổ của đoàn Đại biểu Thanh Hóa sáng 8/11
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được ban hành nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý và thực hiện hỗ trợ DNNVV; thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; củng cố luật pháp trong nước phù hợp với các văn bản pháp lý của ASEAN và các thỏa thuận, nhằm thúc đẩy sự phát triển và tham gia của DNNVV vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến gồm 6 chương, 45 điều, quy định về các nội dung chính như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; tiêu chí xác định DNNVV; các nguyên tắc hỗ trợ, quyền và nghĩa vụ của DNNVV; tuần lễ DNNVV quốc gia; các nội dung hỗ trợ cơ bản DNNVV; chương trình hỗ trợ trọng tâm DNNVV; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Mục đích sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; khuyến khích phát triển xây dựng cánh đồng lớn; từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đạt năng suất, chất lượng cao, đảm bảo công bằng giữa các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp.
Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tập trung sửa đổi về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2020 đối với các đối tượng còn lại đang phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 55/2010/QH12, gồm: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đất nông nghiệp; các tổ chức (trừ đơn vị vũ trang nhân dân) đang trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao.
Về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong giải trình, làm rõ những nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, tái cơ cấu kinh tế tại hội trường vào chiều 3/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch nói trên không phải là một đề án mới mà là một bước tiếp nối để cập nhật, bổ sung những điểm mới cho giai đoạn 2016-2020 nhằm thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kế hoạch tập trung mạnh vào những nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện nhằm thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn quá trình tái cơ cấu kinh tế, bởi lẽ, nếu chúng ta không nhận thức đúng, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, có ý nghĩa sống còn để hành động quyết liệt hoặc làm chậm quá trình này thì chúng ta sẽ rất khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tận dụng tốt các cơ hội phát triển trong hội nhập, thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới trong khi chúng ta đang tụt hậu xa hơn so với thế giới và khu vực.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, tái cơ cấu kinh tế là một nội dung lớn, quan trọng và cấp bách của nước ta hiện nay, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững vì con người và lấy lợi ích con người làm trọng tâm. Đồng thời, đây cũng là vấn đề rất khó, phức tạp, phạm vi rộng, từ tư duy, tầm nhìn, quan điểm, nhận thức, cách tiếp cận, đến thể chế, nguồn lực và lợi ích.
Theo Bộ trưởng, bản chất của tái cơ cấu kinh tế là một quá trình sắp xếp, cơ cấu lại nền kinh tế với một quy mô lớn hơn và với tốc độ nhanh hơn để đạt mục tiêu nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là một đòi hỏi khách quan của quá trình vận động và phát triển, trong một thời điểm nhất định, nền kinh tế cần có sự thay đổi để chuyển sang một trạng thái mới tốt hơn, ở trình độ cao hơn.
Quan điểm của tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 là phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng; xây dựng Nhà nước kiến tạo, cơ chế thị trường ngày càng giữ vai trò quyết định trong việc huy động và tranh thủ các nguồn lực phát triển; xây dựng mục tiêu, chi tiêu cụ thể, có những giải pháp đột phá, có trọng tâm trọng điểm; chủ động hội nhập quốc tế; thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh và bền vững…