Hội thảo khuôn khổ APEC về di chuyển lao động
- Tây Y
- 21:40 - 20/02/2017
Trong 2 ngày 18-19/2/2017, bên lề Hội nghị Quan chức cao cấp APEC 2017 lần thứ nhất, đã diễn ra Hội thảo Khuôn khổ APEC về Di chuyển lao động – một sáng kiến của Australia trong khuôn khổ Nhóm Công tác về Phát triển Nguồn nhân lực APEC đã được Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Việc làm Australia đồng tổ chức tại Khách sạn Intercontinental, Nha Trang.
Tham dự Hội thảo có khoảng 100 đại biểu, bao gồm quan chức chính phủ của các nền kinh tế APEC, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế Giới, Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổ chức Di cư Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á, Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, Ban Thư ký APEC…Đoàn Việt Nam tham dự Hội thảo do bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH dẫn đầu, cùng với đại diện một số đơn vị thuộc Bộ và đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Quang cảnh hội thảo
Bà Lê Kim Dung tại hội thảo
Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu APEC chia sẻ nhận thức về các yếu tố đa dạng tác động tới di chuyển lao động và kỹ năng giữa các nền kinh tế trong khu vực APEC và thảo luận về Dự thảo Khuôn khổ hợp tác của APEC về Di chuyển lao động; thành lập Nhóm Tư vấn Dự án để điều phối việc soạn thảo và hoàn thiện Chiến lược Di chuyển lao động khu vực từ Khuôn khổ hợp tác này.
Trong Ngày hội thảo thứ nhất, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề chung như di chuyển lao động trong khu vực APEC: hiện trạng và tương lai. Đã làm rõ những thay đổi về dân số, về cơ cấu giới tính đang đặt ra những thách thức gì đối với thị trường lao động khu vực (vấn đề già hóa dân số, vấn đề gia tăng lao động di cư, thiếu hụt lao động có tay nghề…); Kinh nghiệm và thực tiễn di cư lao động của một số thành viên APEC như Nhật bản, Papua Niu Ghi nê, Mexico, Philipin; hiện trạng di cư lao động toàn cầu và khu vực: các nghiên cứu của WB, ILO, IOM, của Châu Âu, Mercosur.
Bà Lê Kim Dung trao đổi với báo chí tại Hội thảo
Trong ngày hội thảo thứ 2, các đại biểu tập trung thảo luận xung quanh 10 hoạt động cụ thể nêu trong Đề xuất của Australia, bao gồm: Nghiên cứu, thiết lập cơ sở dữ liệu chung về di cư lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động, quản lý hiệu quả lao động di cư, bảo vệ lao động di cư quốc tế, công nhận trình độ tay nghề, các biện pháp khuyến khích, chuyển tiền di cư ảo, và các dịch vụ hỗ trợ việc làm.
Về cơ bản, các nền kinh tế thành viên đều hướng đến công nhận kỹ năng nghề cho lao động và đã bày tỏ sự ủng hộ sáng kiến của Úc. Khung tham chiếu chung là hướng đi đúng đắn và cần thiết, song cần có lộ trình và điều kiện thích hợp với sự tham vấn rộng rãi trong Apec.
Các đại biểu các nước tại hội thảo