CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:58

Hội thảo truyền thông về tuần lễ tiêm chủng Quốc gia 2017

 

Tại Hội thảo, Tiến sĩ Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện dịch tễ Trung ương đã thông tin với các cơ quan thông tấn báo chí về những nội dung trong Tuần lễ tiêm chủng quốc gia năm 2017 được tổ chức tại Quảng Ngãi vào sáng 3/6. Theo đó, trong tuần lễ tiêm chủng sẽ có các hoạt động như: Tuyên truyền về tác dụng của tiêm chủng đối với trẻ, các biện pháp đảm bảo an toàn trong tiêm chủng; tính an toàn của vaccin...
Thông qua đó, Bộ Y tế đã đề ra các kế hoạch cụ thể, mục tiêu là nâng tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt trên 95% và có sự đồng đều tại các tỉnh, thành, đặc biệt tăng độ bao phủ tiêm chủng ở vùng miền núi khó khăn. Ngoài ra, sẽ tiến tới loại trừ bệnh sởi, rubella, tổ chức tiêm bổ sung vaccin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 6- 15 tuổi tại vùng nguy cơ. 
Sở Y tế Quảng Ngãi cũng đã thông tin về tình hình tiêm chủng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đối với trẻ trong toàn tỉnh những năm gần đây đạt tỷ lệ khá cao. Riêng năm 2016 đạt tỷ lệ gần 99%.
Cũng trong sáng nay, 3/6, tại Quảng Ngãi, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Tiêm chủng” năm 2017 do Tổ chức Y tế thế giới khu vực tây Thái Bình Dương phát động, với chủ đề “Hiệu quả của vắc xin”.
GS - TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hơn 30 năm triển khai qua Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam, mỗi năm có hàng chục triệu liều vắc xin đã được tiêm miễn phí an toàn cho trẻ em và phụ nữ. Nhờ tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao (trên 90%), Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đến nay vẫn tiếp tục duy trì thành quả này.  
Tiêm chủng đầy đủ làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Trong giai đoạn 1984 - 2016, tỷ lệ mắc các bệnh được tiêm tiêm chủng trên 100.000 dân giảm rõ rệt: Bệnh bạch hầu giảm 410 lần; bệnh ho gà giảm 844 lần; bệnh sởi giảm 3.010 lần; bệnh uốn ván sơ sinh giảm 23 lần.
Đoàn công tác của Bộ Y Tế giám sát việc tiêm chủng mở rộng năm 2017 tại Quảng Ngãi. ảnh: Đông Hải
Vắc xin ngoài việc giúp cho trẻ em khỏe mạnh, phát triển bình thường về thể chất và trí não, còn giúp cho việc bảo vệ sức khỏe của người lớn như các loại vắc xin phòng cúm, hoặc các bệnh mãn tính như: ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi…
GS Long cũng chỉ rõ, công tác tiêm chủng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc nâng cao chất lượng tiêm chủng, đặc biệt tại một số vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn vẫn xuất hiện rải rác ổ dịch bệnh bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản…do bỏ sót đối tượng chưa được tiêm.
Đáng lưu ý, tỷ lệ tiêm viêm gan B sơ sinh thấp (dưới 70%), do đó hàng năm vẫn còn hơn nửa triệu trẻ sinh ra chưa được tiêm vắc xin này có nguy cơ viêm gan và ung thư gan do nhiễm vi rút viêm gan B.
Dịp này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chính thức phát động “Tháng Tiêm chủng” trên toàn quốc, kêu gọi các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, để con mình và cộng đồng được bảo vệ phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Ông Long cũng đề nghị mỗi cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm, cán bộ làm tiêm chủng phải được thực hành tiêm chủng thuần thục, nắm được đầy đủ quy trình tránh để sai sót xảy ra, mặc dù là rất nhỏ, đảm bảo tiêm chủng an toàn, hiệu quả; dự án Tiêm chủng mở rộng cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Y tế các chiến lược sử dụng vắc xin để tăng cường tiếp cận tới vùng sâu vùng xa vùng đồng bào dân tộc và các tỉnh, thành phố có di biến động dân cư lớn. Các bệnh viện cần tham gia tích cực hơn nữa trong công tác triển khai vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu để trẻ em sớm được phòng bệnh viêm gan B.

ĐÔNG HẢI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh