THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:39

Bộ LĐ-TB&XH: Đến 2020, thanh tra chuyên ngành về lao động được chuẩn hóa

Đội ngũ thanh tra số lượng quá ít  

Hiện nay, với số lượng thanh tra viên, cán bộ thanh tra trên toàn quốc chỉ có 492 người trong khi đối tượng thanh tra rất lớn (trên 30 vạn doanh nghiệp, cở sản xuất, kinh doanh và hàng chục triệu lao động cùng nhiều đối tượng quản lý khác của ngành). Do vậy, phương án lựa chọn tối ưu cho việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra là tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra của ngành.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa đánh giá lực lượng thanh tra ngành lao động nắm vai trò quan trọng: “Muốn thực hiện tốt các quy định, nâng cao hiệu quả xây dựng các lĩnh vực lao động xã hội thì hoạt động thanh tra, kiểm tra đóng vai trò quan trọng, giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, mặt khác kịp thời phát hiện các sơ hở trong chính sách, pháp luật để kịp thời, bổ sung sửa đổi các điều luật.

Với mục tiêu tăng cường nhân lực, nâng cao thanh tra lĩnh vực của ngành, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là nâng cao trình độ đội ngũ thanh tra viên, đặc biệt với thanh tra viên lao động, Bộ quan tâm, ủng hộ việc đào tạo đội ngũ thanh tra viên lao động này. Bộ cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của ILO trong xây dựng đào tạo thanh tra lao động thời gian tới”. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, cần xây dựng một chiến lược đào tạo, bồi dưỡng thanh tra lao động có lộ trình bài bản, khóa học lồng ghép với việc thực hiện Đề án nâng cao năng lực thanh tra ngành LĐ-TB&XH đến năm 2020.

Phó chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Tiến Tùng trình bày "Chiến lược đào tạo bồi dưỡng thanh tra lao động Việt Nam giai đoạn 2015- 2020"

Mục  tiêu đến 2020, năng lực người làm công tác thanh tra chuyên ngành về lao động được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về lao động của ngành và địa phương.

Từ nay đến 2020, lộ trình thực hiện đào tạo sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn từ 2015- 2017 sẽ tổ chức 2 lớp nghiệp vụ thanh tra cho 190 người chưa được đào tạo nghiệp vụ; tổ chức 8 lớp nghiệp vụ thanh tra (đào tạo ban đầu) cho 250 người có thâm niên từ 1- 3 năm; 4 lớp nghiệp vụ thanh tra chuyên sâu; 3 lớp nghiệp vụ thanh tra cho 112 lãnh đạo thanh tra… Giai đoạn 2018- 2020: 250 người tham gia lớp nghiệp vụ ban đầu được tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyên sâu; 100% lãnh đạo thanh tra và những thanh tra viên lâu năm được cập nhật kiến thức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn 3- 5 ngày hàng năm; Thành lập Trung tâm đào tạo về thanh tra lao động; Chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng được cập nhật và hoàn thiện.

Để đảm bảo tốt các nhiệm vụ của Chiến lược đào tạo, bồi dưỡng thanh tra lao động VN giao đoạn 2015- 2020 nêu trên, theo Thạc sĩ Nguyễn Tiến Tùng, phó Chánh Thanh tra Bộ, ngoài việc tăng cường chất lượng các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong nước, “cần tăng cường hơn nữa hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN, và với Trung tâm đào tạo của ILO ở Turin, cùng các đối tác khác, các thanh tra viên cần được tham gia các khóa học tập ở nước ngoài, mở rộng đào tạo thanh tra lao động ra cấp khu vực và quốc tế, nhằm phục vụ hội nhập quốc tế”- ông Tùng tham vấn.

Đào tạo để nâng cao chất lượng thanh tra

Đồng tình với các tham luận đưa ra tại Hội thảo, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Tiến thẳng thắn thừa nhận: “Lực lượng thanh tra lao động hiện nay quá mỏng, thiếu về số lượng, yếu về năng lực. Chỉ với 492 thanh tra viên trên toàn quốc phải đảm trách nhiều công việc như tài chính, tổ chức, lao động, trẻ em, bình đẳng giới. Trong khi đó có đến khoảng 350.000 doanh nghiệp với hàng triệu lao động đang làm việc trong nhiều lĩnh vực nên để thanh tra, kiểm tra tình hình lao động tại các doanh nghiệp phải mất thời gian rất lâu. Khó khăn khác là trình độ chuyên môn của thanh tra lao động không đồng đều, nhiều nơi còn rất yếu kém, và quá thiếu nhân lực nên khó thanh kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp để bảo đảm hơn nữa quyền lợi cho người lao động. Vì thế, cần tăng cường cả về số lượng và chất lượng thanh tra viên nhất là thanh tra lao động trong thời gian tới”.

Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Văn Tiến trả lời sự quan tâm của đông đảo báo chí

Ngay như TP. Hồ Chí Minh, lực lượng thanh tra mặc dù nhiều nhất so với các tỉnh, thành khác nhưng vẫn mỏng nếu so với số lượng doanh nghiệp và tính chất phức tạp ngày càng tăng của các vi phạm về lao động, bảo hiểm xã hội trên địa bàn TP. Do đó, góp ý để Chiến lược đào tạo bồi dưỡng thanh tra chuyên ngành lao động giai đoạn 2015- 2020 được hoàn thiện, Phó Chánh Thanh tra sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh Nguyễn Lý Ngọc Thu nêu lên các giải pháp thiết thực, như dự thảo đề án cần điều chỉnh, mở rộng phạm vi chiến lược, không chỉ tập trung đào tạo cho thanh tra chuyên ngành lao động mà phải mở rộng đến các lĩnh vực khác thuộc thanh tra ngành, để các thanh tra viên có kiến thức, năng lực sâu hơn khi tiến hành nghiệp vụ.    

Đến nay, VN đã phê chuẩn các công ước cơ bản của ILO, trong đó năm 1994, VN cũng đã phê chuẩn công ước 81 của ILO về thanh tra lao động. Trong xu thế hội nhập với thế giới, để đảm bảo lợi ích, quyền lợi người lao động, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo thanh tra viên là một yêu cầu cấp thiết.

Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Văn Tiến cùng đại diện ILO lắng nghe các bản tham luận, góp ý Dự thảo của đại diện các Sở Thanh tra trên toàn quốc

Do đó, bà Consuelo Manchon, Quản đốc dự án Thanh tra Lao động ILO đã nêu cao vai trò to lớn về một đội ngũ thanh tra lao động phải có nghiệp vụ tốt, đạo đức tốt nhất là trong bối cảnh các vấn đề lao động đang được mở rộng nhanh chóng như hiện nay trên toàn cầu: “Các hoạt động thanh tra lao động phải phán ánh cam kết của đội ngũ này cũng như bảo vệ được các quyền lợi cho người lao động. Có thể nói, thanh tra lao động là một biểu hiện của xã hội văn minh và là điều kiện cho một nền kinh tế thành công”. Bà Consualo Man chon nhấn mạnh thêm: “Nếu không có đội ngũ thanh tra lao động hiệu quả như vậy, thì tất cả các quy định về quyền lợi người lao động cũng chỉ là trên giấy mà thôi”.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh