Hội thảo tham vấn Dự thảo nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới
- Tây Y
- 03:42 - 14/07/2020
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, ông Michale Krakowski, Cố vấn trưởng, Giám đốc chương trình tốt chức GIZ – Dự án Mục tiêu xã hội trong tăng trưởng xanh bền vững ở Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan, đối tác ba bên ở Trung ương, địa phương; các hiệp hội doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu và các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam.
Ngày 20/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ luật Lao động 2019 với nhiều sửa đổi, bổ sung lớn liên quan đến lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới theo hướng hiện đại, phù hợp hơn với bối cảnh mới của quan hệ lao động trong kinh tế thị trường, thực thi các cam kết quốc tế liên quan của Việt Nam đối với vấn đề này, đồng thời cũng là sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận từ bảo vệ lao động nữ sang bảo đảm, thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới. Trước khi Bộ luật Lao động được thông qua, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì Hội thảo với gần 200 đại biểu góp ý về các nội dung liên quan tại Hà Nội, với nhiều nội dung đã được tiếp thu vào nội dung Bộ luật Lao động năm 2019.
Phát biểu khai mạc Hội thảo tham vấn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, các quy định mới nhằm khắc phục những bất cập của Nghị định số 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động 2012 về chính sách đối với lao động nữ như: các quy định về cơ chế, nguồn lực thực thi (chính sách ưu đãi về thuế, việc xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo, tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động cho lao động nữ,…), quy định chi tiết về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc… Đây là những nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận về khái niệm, nội hàm của quy định.
Thứ trưởng nhấn mạnh Nghị định cần phải cụ thể hóa đầy đủ những chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động 2019, thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, nhằm tạo cơ hội tốt hơn cho phụ nữ, để họ có quyền đưa ra các quyết định. Thứ trưởng hy vọng các đại biểu sẽ thảo luận và đóng góp ý kiến vào những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định gồm có phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc và các quy định riêng đối với lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới. Đây cũng là vấn đề được nhiều tổ chức trong và ngoài nước rất quan tâm.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung tại chương X “Những quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới (từ Điều 135 đến Điều 142). Đồng thời, tại một số chương khác cũng có những điểm sửa đổi mới liên quan đến lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới tại Điều 3, Điều 8, Điều 35 và Điều 169 (quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc (Điều 3), quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 35), quy định về tuổi nghỉ hưu (Điều 169). Vấn đề tuổi nghỉ hưu với lao động nữ được đưa ra thảo luận hàng chục năm trước, nhưng mới năm 2019 vừa qua đã được Quốc hội thông qua. Các biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình…
Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, xây dựng Nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới để trình Chính phủ trong tháng 9/2020. Bộ LĐ-TB&XH đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định. Ban soạn thảo của Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức nhiều cuộc họp, thảo luận về các nội dung hồ sơ dự thảo Nghị định, cũng như tiến hành việc rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 85/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận về chủ đề phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc và đề xuất phương án cho một số quy định của Nghị định. Đồng thời, thảo luận về những quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới (chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ, phòng vắt, trữ sữa mẹ, tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo, chính sách hỗ trợ của Nhà nước...).