Hội thảo quốc tế vùng châu Á - Thái Bình Dương bàn về bảo vệ biển (APAC - 2019)
- Tây Y
- 21:37 - 26/09/2019
Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và hơn 300 đại biểu nước ngoài từ 18 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hội thảo được tổ chức 2 năm 1 lần bởi các nước thành viên trong khu vực. Năm nay, Việt Nam đăng cai với chủ đề "Sống cùng thiên nhiên, đối phó với những thay đổi của vùng bờ biển", APAC 2019 bao gồm 9 nhóm chuyên môn chính và 1 tiểu ban về Đồng bằng Sông Cửu Long, cụ thể gồm:
Sóng biển, thủy triều và sóng thần; xói lở bờ biển và vận chuyển bùn cát; thủy động lực học vùng cửa sông và ven biển; phát triển và cải tạo vùng đồng bằng; phát triển bờ, bãi và chống xói lở; hệ sinh thái biển và môi trường biển; năng lượng tái tạo biển và ngoài khơi; biến đổi khí hậu và ứng phó vùng ven biển; hiểm họa vùng biển và đánh giá rủi ro; xói lở bờ biển và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trong đó, biến đổi khí hậu, ứng phó vùng ven biển và xói lở bờ biển và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là 2 vấn đề khoa học quan trọng liên quan trực tiếp đến chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và thích ứng ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long của nước ta, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.
Ông Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, Trưởng Ban tổ chức hội thảo cho biết: "Trong hội thảo APAC lần này có rất nhiều nhà khoa học ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến cùng chia sẻ những kinh nghiệm kiến thức, kỹ thuật mới về vấn đề liên quan đến bờ sông cửa biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Các nhà khoa học sẽ chia sẻ những kinh nghiệm trong nước, đặc biệt là những kinh nghiêm, công nghệ của các quốc gia tiên tiến ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới để làm thế nào chúng ta có giải pháp hữu hiệu nhất nhằm đảm bảo đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta bền vững trước mắt cũng như về lâu dài".
Sau 1 năm chuẩn bị, APAC 2019 thu hút hơn 300 đại biểu nước ngoài từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội nghị kéo dài trong 3 ngày với 6 bài giảng chính và 199 bài thuyết trình được chia thành 10 phiên, có sự góp mặt của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kỹ thuật biển.
Vào ngày cuối cùng của hội nghị, một tour du lịch kỹ thuật sẽ được sắp xếp để các học giả mục sở thị một vài cảng, đê biển và rừng ngập mặn ở Hải Phòng.
Hội thảo đã từng được tổ chức tại các quốc gia như: Nhật Bản (2004), Hàn Quốc (2005), Trung Quốc (2007), Singapore (2009), Hồng Kông (2011), Indonesia (2013), Ấn Độ (2015) và Philippine (2017).