THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:20

Đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống

Trẻ em cần được bảo vệ, chăm sóc toàn diện

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: " Thời gian qua Bộ LĐ-TB&XH đã trình thủ tướng các văn bản những vấn đề nóng của xã hội, rất kịp thời. Hiện nay chúng ta đang nổi lên vấn đề, muốn cách tiếp cận bài bản, chứ không phải chỉ đưa những bề nổi của hiện tượng. Bên cạnh những chính sách được ban hành về trẻ em, là nhiệm vụ tập trung hàng đầu, đặc biệt là việc thực hiện công tác bảo vệ trẻ em tại địa phương và các cơ sở theo quy định của Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP; đảm bảo xây dựng môi trường lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em, tạo điều kiện mọi trẻ em thực hiện các quyền cơ bản là: Quyền sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền tham gia. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 và Công ước quốc tế, kể từ ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em 2016 chính thức thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới. Luật Trẻ em 2016 ghi nhận đầy đủ các quyền của trẻ em và tiếp cận trên quyền của trẻ em. Ví dụ: " Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111  thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em... là sự kiện quan trọng góp phần thực hiện chức năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh thông tin và kịp thời cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cung cấp thông tin, tư vấn về pháp luật, chính sách, kiến thức, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em, tham vấn về tâm lý cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, trong chăm sóc trẻ em..."  Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại hội thảo.

 

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam khẳng định, vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng của ông bà, cha mẹ cũng như toàn xã hội nhằm mục tiêu bảo vệ trẻ em tốt hơn, bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em và mang lại những điều tốt đẹp hơn cho trẻ. Theo quy định, trẻ em sẽ cùng nhau hành động để vận động cho quyền trẻ em, đảm bảo cho các em được sống và phát triển tối đa tiềm năng của mình. Trẻ em được tham gia vào các vấn đề về bản thân trẻ thông qua các hình thức: Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi, sự kiện. Thông qua tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ; hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong HCM, Đoàn TNCS HCM; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động vì trẻ em; Hoạt động của câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em được thành lập theo quy định của pháp luật; Tham vấn, thăm dò, lấy ý kiến trẻ; Bày tỏ ý kiến, nguyện vọng trực tiếp hoặc qua kênh truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội và các hình thức thông tin khác.  

 Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam: Vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng của ông bà, cha mẹ cũng như toàn xã hội.

 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác trẻ em 

Vai trò của truyền thông trong quá trình chuyển tải thông tin, lên án những vụ việc tiêu cực, xâm hại trẻ em, theo ông Đặng Hoa Nam, việc quy trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị đã ghi rõ trong Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/6/2017 và Nghị định 56 hướng dẫn một số điều của Luật Trẻ em. Tuy nhiên, do Luật mới đưa vào cuộc sống, nên các cấp, các ngành vẫn chưa hiểu rõ về Luật. Theo lãnh đạo Cục Trẻ em, bên cạnh việc phản ánh xã hội, báo chí nhất thiết phải đóng vai trò mạnh mẽ trong định hướng, giúp người dân nhìn nhận được vấn đề, cách thức giải quyết vấn đề. Hơn nữa, các cơ quan truyền thông cũng cần khai thác để thấy được khoảng trống của luật, bất cập của chính sách để chúng ta có thể hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách đối với trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em thông tin thêm về các nội dung bảo vệ trẻ em quy định tại Luật Trẻ em.

 

Dẫn chứng cụ thể về vụ bạo hành bé trai 10 tuổi bị cha đẻ bạo hành suốt 2 năm vừa qua tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), ông Đặng Hoa Nam khẳng định: Theo Luật Trẻ em, trách nhiệm trước tiên thuộc về lãnh đạo phường sở tại, nơi xảy ra vụ việc bạo hành. Khi xảy ra vụ việc, qua hệ thống tổ chức mạng lưới chính trị, tổ dân phố phải nắm được vụ việc để xử lý. Còn khi phát hiện vụ việc thì lãnh đạo phường cùng với ngành chức năng của Sở LĐ-TB&XH phải lập kế hoạch hỗ trợ trẻ em bị bạo hành. Thực tế, việc xử lý của cơ quan chức năng Hà Nội vừa qua mang tính từ thiện, nhân đạo, chưa theo đúng tinh thần của Luật Trẻ em và Nghị định 56. 

“Trách nhiệm tiếp theo thuộc về nhà trường. Một học sinh nghỉ học 2 năm, không rút hồ sơ, mà nhà trường, giáo viên chủ nhiệm không hề có nghi ngờ để thẩm tra thông tin. Nếu chuyển trường sang học trường quốc tế như lời cha đẻ khai thì cũng đã phải rút hồ sơ lưu tại trường. Đây là một sự thiếu trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm. Ở nước phát triển, học sinh nghỉ học 2 tháng là đã bị cơ quan chức năng đến thẩm tra”, ông Đặng Hoa Nam chia sẻ.

Tổng biên tập Tạp chí LĐ&XH Trần Ngọc Diễn đại diện các cơ quan truyền thông đóng góp ý kiến 

 

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện các đơn vị, hội đoàn đã góp nhiều ý kiến với mong muốn đưa Luật Trẻ em thực sự đi vào cuộc sống, theo các chuyên gia, nên đưa nội dung truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình và trẻ em vào những khung giờ vàng thay cho một số quảng cáo kinh doanh; nội dung có thể là cách nhận biết dấu hiệu bị bạo lực, các điều khoản liên quan đến luật pháp đặc biệt là các chế tài xử phạt, thông tin về các khung hình phạt đối với người có hành vi bạo hành trẻ em; các thông tin về các hình thức dịch vụ trợ giúp, giáo dục tham vấn người bị bạo lực lẫn người có hành vi bạo lực, thông tin về các đường dây nóng… để trẻ em, gia đình, dân cư dễ dàng tiếp cận. 

Cũng tại hội thảo, Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội  Trần Ngọc Diễn chia sẻ: “Đồng hành cùng quá trình xây dựng, ban hành, thực thi các chính sách pháp luật về trẻ em, là cả hệ thống thông tin đại chúng với đa dạng các loại hình. Báo chí trẻ em được xem như một loại báo chuyên biệt hướng tới việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hiện nay, Việt Nam đã có hệ thống báo chí dành riêng cho trẻ em, thuộc tất các các loại hình, phù hợp với từng độ tuổi. Tuy nhiên, đưa tin về trẻ em là một trong những thách thức không nhỏ đối với giới truyền thông”.

Qua chia sẻ của các Bộ, ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai Luật, Thứ trưởng Lan cũng yêu cầu: Cần tăng cường giám sát việc báo cáo, giải trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Bên cạnh đó, công tác thông tin truyền thông cần phải đa dạng hình thức, sâu sắc cách thể hiện trên cơ sở đảm bảo nói đúng và đặt lợi ích của trẻ em lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, các đại biểu, đặc biệt là các cơ quan truyền thông cũng đã chia sẻ cởi mở những khó khăn của người làm báo chuyên về lĩnh vực trẻ em - một mảng đề tài rất khó tiếp cận và khó khai thác. Về cơ bản, báo chí viết về đề tài trẻ em không chỉ đòi hỏi phải có tình thương trẻ, hiểu về trẻ mà cần phải có hiểu biết và kiến thức về pháp luật, nhất là cần nắm vững Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, Luật Trẻ em và kỹ năng tác nghiệp, cách tạo ra những sản phẩm báo chí đúng với luật pháp, với chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp đã được Hội nhà báo ban hành. Trong một số trường hợp nhạy cảm, phức tạp, các cơ quan báo chí cần tham khảo ý kiến cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chuyên môn như Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội Luật gia, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam...

MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh