Cam kết lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
- Tây Y
- 23:27 - 19/11/2018
Hội thảo cam kết lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Trưởng nhóm lao động, Đoàn đàm phán TPP cho biết, phải tuân thủ các điều kiện, cam kết về lao động là xu thế không thể tránh khi chúng ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động để phù hợp với một số nội dung của CPTPP, trong số những điều khoản cần sửa đổi theo đúng trình tự, thủ tục. “Do đó, Việt Nam cần khoảng thời gian từ 3-5 năm để điều chỉnh sửa đổi Bộ luật Lao động cũng như các quy định pháp luật đi kèm. Cùng với đó là việc nâng cao năng lực thực thi, nhận thức cho công chúng và doanh nghiệp, tổ chức bộ máy thực thi hiệu quả. Việc sửa đổi Bộ luật Lao động hiện nay là rất phù hợp với lộ trình Việt Nam tham gia CPTPP”, ông Cường nhấn mạnh.
Các nguyên tắc và tiêu chuẩn của ILO về tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể; cam kết chính về lao động của Việt Nam trong CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và FTA (Hiệp định Thương mại tự do) với EU; vấn đề lao động... Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được Quốc hội thông qua đã cho biết những cam kết chính về lao động của Việt Nam trong CPTPP. Chương Lao động của CPTPP nêu rõ cam kết chung của các thành viên trong Hiệp định và cam kết riêng của Việt Nam.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu tham gia thảo luận về nâng cao chất lượng lao động Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là một đòi hỏi mang tính cấp thiết. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng lực lượng lao động còn giúp tăng năng suất của nền kinh tế, tận dụng tốt cơ hội và giảm thiểu rủi ro, thách thức từ hội nhập.
Theo đánh giá, các hiệp định tự do thế hệ mới mang lại những cơ hội to lớn về việc làm, mà trước hết là cơ hội có thêm nhiều việc làm, việc làm có chất lượng cao. Dự báo nhiều ngành của Việt Nam có cơ hội đến với các thị trường dễ dàng hơn, trong đó giày dép, dệt may, nông sản… tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp thách thức trong thu hút và giữ nhân tài. Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực chuyên môn kỹ thuật cao, vì thiếu sự hấp dẫn của tiền lương và môi trường, điều kiện làm việc. Những vị trí việc làm tốt, đặc biệt là trong các doanh nghiệp FDI dễ rơi vào lao động nước ngoài, bởi họ luôn có lợi thế về ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp và tác phong công nghiệp.
Để tận dụng cơ hội và giảm thiểu các thách thức từ hiệp định thương mại thế hệ mới này, ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, thì một trong các nhân tố quan trọng là nâng cao chất lượng lực lượng lao động Việt Nam.
Hiệp định CPTPP, tiền thân là TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) gồm 11 nước: New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, Brunei, Chile, Malaysia, Peru, Australia và Việt Nam. Các cuộc đàm phám CPTPP kết thúc hôm 23/1 tại Tokyo, Nhật. Hiệp định được ký kết vào ngày 8/3 tại Santiago, Chile. TPP ban đầu từng được kỳ vọng tạo ra khối tự do thương mại lớn nhất toàn cầu với sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã rút Washington khỏi hiệp định, buộc 11 nước còn lại phải tái đàm phán để cho ra đời phiên bản mới mang tên CPTPP. 11 nước tham gia CPTPP có tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD, khoảng 13% GDP toàn cầu. Nếu có Mỹ, TPP sẽ trở thành khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 40% GDP toàn cầu. Trung Quốc, Anh và Hàn Quốc được cho đang xem xét việc gia nhập CPTPP. |