THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:32

Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV

Theo kế hoạch, Hội nghị sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại thành phố Hải Phòng, kết hợp trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) và 61 địa phương trên cả nước.

Hội nghị nhằm quán triệt những điểm mới, nội dung quan trọng, các nhiệm vụ được Quốc hội giao, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân tiến hành giám sát, theo dõi, đánh giá; thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời đánh giá tình hình thực hiện luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay; kịp thời đôn đốc và xem xét, xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong triển khai, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; tăng cường công tác phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong việc tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, các giải pháp bảo đảm được đề ra tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, đặc biệt là đối với các nhiệm vụ lập pháp cần hoàn thành trước ngày 31/12/2022; thống nhất về yêu cầu, nội dung triển khai công tác xây dựng pháp luật, đề xuất các giải pháp, kiến nghị để bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

TVQH 21.8

Theo kế hoạch, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị sẽ tập trung vào các nội dung chính: Quán triệt các điểm mới, nội dung quan trọng trong các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua; thống nhất về các yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đánh giá kết quả tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; xem xét những vấn đề khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Đánh giá kết quả thực hiện và những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15; đề xuất các giải pháp, kiến nghị để thực hiện trong thời gian tới; thảo luận, thống nhất về yêu cầu, nội dung triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

Trước đó, tại cuộc họp về công tác chuẩn bị tổ chức cho Hội nghị, các đại biểu khẳng định đây là một trong những điểm mới của Quốc hội khóa XV, là một trong những biện pháp để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan dân cử và Nhân dân giám sát từ sớm, từ xa, giám sát cả về việc thực hiện kế hoạch và những vấn đề về mặt nội dung. Hội nghị cũng tạo cơ sở chính trị pháp lý để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan tổ chức các hội nghị triển khai. Điều quan trọng nhất là sau hội nghị này sẽ thống nhất được cả phương pháp và nội dung để tổ chức triển khai ở các địa phương của các bộ, ngành.

Đồng thời, các đại biểu cũng khẳng định đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ, cần chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, có cách làm thiết thực để hội nghị này trở thành hình mẫu cho các lần tổ chức về sau.

Cũng vào cuối tháng 8,  Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách Cũng được Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức theo phương thức họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội từ 28 - 30/8/2023 để thảo luận, góp ý kiến về 9 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Cụ thể, các đại biểu Quốc hội sẽ góp ý vào các dự án Luật: Đất đai (sửa đổi); Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nhà ở (sửa đổi); Tài nguyên nước (sửa đổi); Viễn thông (sửa đổi); Căn cước công dân (sửa đổi); Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Đây là các dự án luật có một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, trong đó, Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); và cho ý kiến lần đầu vào 8 dự án luật còn lại.

Sau Kỳ họp, các dự thảo Luật này đã được các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, bước đầu có chỉnh sửa, chỉnh lý, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong những phiên họp gần đây.

Châu Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh