THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:30

Phục hồi chức năng cho người tâm thần là một thách thức lớn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm bày tỏ, ngoài sự nỗ lực của chúng ta, còn nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia nước ngoài

Thực hiện Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 (Đề án 1215), Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị triển khai Đề án 1215 diễn ra trong 2 ngày 29- 30/10 tại Quảng Ninh, nhằm đánh giá những kết quả giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020. Đồng thời Hội nghị cũng là nơi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm giữa các trung tâm, cơ sở, các tổ chức quốc tế…

Tham dự có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi, đại diện một số Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế và các Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành phố, Trung tâm công tác xã hội, Trung tâm chăm sóc sức khỏe người tâm thần của các địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đánh giá, trong 4 năm triển khai đề án giai đoạn 2011- 2015, chúng ta đã đào tạo được đội ngũ cán bộ chăm sóc người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí đáng kể, hình thành một hệ thống chăm sóc đội ngũ bệnh nhân tâm thần, thay đổi hình thức chăm sóc, chuyển dần dựa vào cộng đồng là chính, và chúng ta đã quan tâm tốt các giải pháp y tế cho người bệnh. 

Thứ trưởng cũng bày tỏ, ngoài sự nỗ lực của chúng ta, còn nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia nước ngoài quan tâm hỗ trợ chúng ta cả về phương tiện kỹ thuật, tài chính… Đến nay tuy đạt được nhiều kết quả tốt nhưng vẫn đang đối mặt nhiều thách thức, xu thế bệnh tâm thần tăng nhanh hơn so với các bệnh khuyết tật khác, tăng lên ở nhiều cấp độ của dạng khuyết tật này.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng: “Những kết quả kể trên mới chỉ là bước đầu, nhiều trường hợp chưa dược phát hiện kịp thời, mạng lưới chăm sóc còn mỏng, chưa kiểm soát được hết tình hình. Sau giai đoạn điều trị bằng y tế, các trung tâm hoạt động còn nhiều hạn chế, tính tích cực đưa họ trở lại cộng đồng chưa rõ. Kỹ năng của gia đình, cộng đồng trong ứng xử với người bệnh chưa được trang bị gì, nhiều gia đình chỉ khóa, nhốt người bệnh trong phòng để đi là, chăm sóc không đúng nên không thuyên giảm mà nặng nề, trầm trọng hơn. Nguồn lực làm việc này từ ngân sách đến huy động sự tham gia của khu vực cộng đồng, tư nhân còn hạn chế, đội ngũ còn mỏng. Toàn bộ quá trình điều trị, chăm sóc có tiến bộ, nhưng mới dừng ở bước đầu tiếp cận đúng...

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, ngoài những kết quả khả quan đạt được qua 4 năm triển khai Đề án 1215, việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần là một thách thức lớn và là một gánh nặng đối với cộng đồng, xã hội

Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, hiện nay, số người bị rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam ước tính chiếm khoảng 10% dân số, tương đương gần 9 triệu người, trong đó số người tâm thần nặng chiếm 2,5% số người rối nhiễu tâm trí (tương đương 200 ngàn người). Số người có hành vi nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng khoảng 154.000 người. Số người tâm thần có xu hướng gia tăng, đặc biệt là các thành phố, đô thị lớn. Việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần là một thách thức lớn và là một gánh nặng đối với cộng đồng, xã hội. Do áp lực của cuộc sống, áp lực kinh tế, tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế và nhiều nguyên nhân khác nhau nên số người tâm thần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các thành phố, đô thị lớn.

Trong 4 năm qua, Bộ LĐ-TB&XH và các Bộ, ngành đã chú trọng, đẩy mạnh công tác nghiên cứu xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản liên quan  đến công tác trợ giúp, chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần, rối  nhiễu tâm trí. Cùng với đó đã quy hoạch mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và PHCN cho người tâm thần, hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm CTXH.

Hiện nay, cả nước có khoảng 200 nghìn người tâm thần nặng được giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ BHYT, ngoài ra, người tâm thần còn được trợ giup về giáo dục, đào tạo và dạy nghề… Mạng lưới cơ sở chăm sóc,  PHCN  cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí  đã từng bước được củng cố và phát triển. Trên địa bàn cả nước có 17/20 tỉnh, thành phố hỗ trợ nâng cấp, mở rộng trung tâm chăm  sóc và PHCN cho người tâm thần, rối nhiễu tâm  trí; 7/26 tỉnh, thành phố được hỗ trợ mua sắm trang  thiết bị; 5/10 tỉnh, thành phố hỗ trợ xây dựng cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã được các chuyên gia đến từ các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế giới thiệu xu hướng phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trên thế giới và vai  trò của ngành y tế và xã hội; khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới về hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần; đề xuất mô hình lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm  thần  cho phụ nữ và trẻ em; một số kết quả thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong lĩnh vực y tế.

GS Elliot Goldner, Đại học Simon Fraser Canada chia sẻ trong bản “Đánh giá hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần thuộc ngành LĐ-TB&XH”:  Đến Bến Tre, TP HCM, Lào Cai chúng tôi đã có các buổi họp để xem xét các khuyến nghị được đưa ra. Đối với đề án 1215 có nhiều tiến bộ, chăm sóc , tiếp cận dịch vụ có nhiều bước tiến, nhưng thực trạng cho thấy, cần gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe tâm thần và trợ giúp tại tất cả các vùng miền tại Việt Nam để cung ứng các dịch vụ sức khỏe tâm thần cơ bản cho người thuộc diện nghèo.

Bên cạnh đó, ông Elliot Goldner cũng đánh giá cao Bộ LĐ-TB&XH và các Sở đã có hệ thống cung ứng hỗ trợ tài chính cho những cá nhân, gia đình có nhu cầu chăm sóc. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, Luật người khuyết tật hiện nay chưa bảo vệ đầy đủ quyền của người có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Với các phân tích xác đáng, ông đưa 10 khuyến nghị, trong đó đáng lưu ý là các khuyến nghị: Cân bằng giữa chăm sóc nội viện và các dịch vụ dựa vào cộng đồng cho người mắc rối loạn tâm thần; cải thiện chất lượng dịch vụ cung cấp trong các TTBTXH; củng cố việc hoạch định và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường phát triển dịch vụ có sự hợp tác liên bộ ngành…

Tại Hội nghị này, các đại biểu cũng được chia sẻ kinh nghiệm thực hiện hoạt động chăm sóc và PHCN cho người tâm thần của một số đơn vị như: Trung tâm Tâm thần Thái Nguyên, Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Việt Trì… Đây là các trung tâm có nhiều điểm sáng trong mô hình chăm sóc người tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Ông Đặng Hữu Bình, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Tỉnh Quảng Ninh cho biết, các mô hình triển khai khá tốt, như mô hình tâm lý trị liệu trẻ em rối nhiễu tâm trí. Trung tâm thực hiện thu thập thông tin đối với 3.856 trẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để đánh giá thực trạng rối nhiễu tâm trí trên trẻ có độ tuổi từ 2- 16 tuổi.; Phát triển mạng lưới và cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cơ sở…   

“Sau 4 năm, do đó phải ngồi lại, đánh giá xem chúng ta làm được gì và chưa được gì. Có thể nói, chúng ta đã có những mô hình tốt, thế nhưng ở các địa phương vẫn còn nhiều thiếu thốn, khó khăn bất cập và cả về cộng đồng, vẫn còn khoảng trống về vấn đề này. Hi vọng, trong 2 ngày, với nội dung bàn thảo rất lớn và quan trọng, Bộ LĐ-TB&XH cùng các Bộ, ngành sẽ tham gia, đóng góp hiệu quả hơn nữa với Bộ Y tế, để công tác thực hiện Đề án 1215 trở thành chiến lược chung trong chăm sóc sức khỏe tâm thần trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm mong muốn.

Ngày mai, Hội nghị sẽ tiến hành Hội thảo chuyên đề, nhằm trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm trong thực hiện Đề án 1215. Trong khuôn khổ hội thảo chuyên đề, ngày mai, các đại  biểu sẽ tiếp tục thảo luận xung quanh các nội dung về hiện trạng và định hướng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần; hiện trạng và định hướng phát triển nguồn nhân lực và hệ thống dịch  vụ chăm  sóc sức khỏe tâm thần.

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chăm lo cho đời sống các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người mắc bệnh tâm thần và đã đạt được những kết quả rất khả quan. Thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2011-2015 (Đề án 1215), Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp  với các Bộ,  ngành, địa phương triển khai đề án, tập trung vào các nhóm công việc: Xây dựng, nâng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sức khỏe tâm thần; xây dựng, nâng cấp mở rộng trang thiết bị và mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí cho các cơ sở trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần; phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp và PHCN cho người tâm thần…

Đến nay, 100% các tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án 1215. Một số tỉnh, thành phố đã chủ động bố trí ngân sách địa phương và  huy động các tổ chức để xây dựng, nâng cấp, mở rộng các trung tâm chăm sóc và PHCN cho người tâm thần.

Thanh Nhung / Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh