THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:43

Thúc đẩy, nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của đất nước

 

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề "Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 22 - 26/8.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị tại phiên thảo luận thứ 2, sáng nay 23/8

Đây là Hội nghị Ngoại giao đầu tiên được tổ chức sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và sau 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới. Đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới về chất, có ý nghĩa chiến lược và đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới từ tư duy đến cách làm.

Trước đó, vào sáng 22/8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 khai mạc tại Trung tâm hội nghị Quốc tế, Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị. Tổng Bí thư nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường đã đi, sau 30 năm Đổi mới và nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI (2011-2015), có thể khẳng định chưa bao giờ chúng ta có cục diện quan hệ rộng lớn như hiện nay. Trong đó, ngoại giao đã nỗ lực trong việc xây dựng và chủ trì triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế mà Đảng ta đề ra từ Đại hội XI.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, hoạt động đối ngoại nói chung đứng trước những nhu cầu và nhiệm vụ to lớn. Trước hết là nhiệm vụ tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nền kinh tế nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại… “Ngành Ngoại giao không thể đứng ngoài nhiệm vụ góp phần giải quyết những vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đó", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, sáng nay 23/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam đã đạt được những thành công to lớn có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam được vinh danh là một trong những quốc gia hoàn thành nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ nổi bật nhất. Nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, độ mở của nền kinh tế rất cao. Độ mở và hội nhập sâu như thế cho thấy chúng ta đã cùng sánh vai và cùng phát triển với cộng đồng quốc tế. Thủ tướng khẳn định, những thành tựu đó có đóng góp quan trọng, to lớn của ngành Ngoại giao. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng ngành Ngoại giao nhận Huy chương Sao Vàng lần thứ hai và coi đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân về sự cố gắng nỗ lực cống hiến của ngành. 

Nhấn mạnh trong bài viết nhân dịp Hội nghị Ngoại giao (22 - 26/8), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới về chất, có ý nghĩa chiến lược và đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới từ tư duy đến cách làm. Ở bên ngoài, môi trường chiến lược của đất nước ta đã và đang nổi lên nhiều thách thức chưa từng có, tác động trực tiếp đến các lợi ích an ninh và phát triển. Trong bối cảnh đó, bên cạnh nhiệm vụ duy trì môi trường hòa bình, ổn định, ngoại giao cần phục vụ thiết thực hơn nữa các mục tiêu phát triển đất nước để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành và địa phương cả nước xây dựng Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình hành động của Chính phủ triển khai hội nhập quốc tế. Bộ khung chính sách đó đã tạo cơ sở để các bộ, ban, ngành và địa phương triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và đạt được những kết quả quan trọng”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao vai trò của ngành Ngoại giao, mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với ngành Ngoại giao trong các công tác phát triển nhân lực, an sinh xã hội... thời gian tới

Trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta đã nâng tầm đối ngoại đa phương từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện vai trò “thành viên có trách nhiệm” tại ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, ASEM, hợp tác tiểu vùng Mekong.

Vị thế của đất nước được nâng lên đáng kể với việc chúng ta đăng cai thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 và đóng vai trò quan trọng trong các cơ chế của Liên hợp quốc như Hội đồng nhân quyền, Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC), UNESCO… Những thành tựu đối ngoại nói trên là tiền đề quan trọng để đưa nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới.

Tại phiên thảo luận sáng nay, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá rất cao và trân trọng sự hợp tác có hiệu quả và phối hợp chặt chẽ của ngành Ngoại giao để thực hiện các mục tiêu hội nhập quốc tế về lao động, xã hội trong nhiều năm qua. Trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Bộ trưởng nêu rõ, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức liên quan đến hoàn thiện thể chế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy , mở rộng thị trường lao động ngoài nước…

Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận, để giải quyết những thách thức này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, trong đó không thể thiếu vai trò của ngành Ngoại giao. Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ngành Ngoại giao nhằm triển khai các hoạt động sau như tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan tới phát triển nguồn nhân lực, lao động, việc làm và an sinh xã hội; nghiên cứu chính sách, mô hình mới trong việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về lao động và xã hội; mở ra khả năng hợp tác, thu hút nguồn lực, đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển thị trường đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài; tăng cường phối hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của lao động Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt tại các địa bàn chưa có cơ quan đại diện về lao động.

Ngoài ra, cũng trong sáng nay, còn có các bài tham luận của các Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Đại sứ Ngoại giao Việt Nam tại Nga, Mỹ, Nhật… cùng sự có mặt của đông đảo lãnh đạo các Bộ, ban, ngành TW, Chủ tịch và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, nguyên lãnh đạo Đảng và Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, đại diện các doanh nghiệp và trưởng các cơ quan đại diện.

Hội nghị sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 26/8.

Tính đến thời điểm này, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, xây dựng được mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần định vị Việt Nam vững chắc hơn trong cục diện chiến lược ở khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã hoàn thành việc đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trở thành một mắt xích quan trọng trong tất cả các liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các FTA giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu, Liên minh Kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc.

Trong 5 năm từ 2011- 2015, tổng mức lưu chuyển ngoại thương hàng hóa, dịch vụ đạt 1.439,5 tỷ USD, gấp gần 2,1 lần giai đoạn 2006 - 2010; tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 59,5 tỷ USD, tăng 33,4% so với 5 năm 2006- 2010; chúng ta đã ký thêm được gần 27 tỷ USD vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi. Thời gian tới, việc các FTA thế hệ mới, quy mô lớn mà chúng ta ký kết đi vào hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu hút vốn FDI và ODA.

Thanh Nhung/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh