Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN: Thúc đẩy hợp tác khu vực về phát triển nguồn nhân lực
- Tây Y
- 04:27 - 16/09/2020
Phát triển nguồn nhân lực: Ưu tiên hàng đầu
Tham dự Hội nghị có khoảng 150 đại biểu ở 70 điểm cầu bao gồm các Bộ trưởng Lao động ASEAN; các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN; Tổng thư ký ASEAN; Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, các đối tác đối thoại của ASEAN trong và ngoài khu vực, các đại diện thuộc Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN.
Về phía Việt Nam, tại điểm cầu Hà Nội, có khoảng 150 đại biểu với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, viện nghiên cứu, Đại sứ các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tại Việt Nam, một số trường đại học, trường nghề, các hiệp hội và các doanh nghiệp.
Mục tiêu của Hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác ASEAN về phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển của công nghệ, yêu cầu của người lao động và người sử dụng lao động, cùng kiến tạo tương lai của một ASEAN thống nhất, gắn kết chặt chẽ.
Đồng thời, tăng cường quan hệ đối tác giữa ASEAN và các nước đối thoại, các nhà tài trợ trong phát triển nguồn nhân lực; đóng góp các kết quả cụ thể để đưa vào Hội nghị Cấp cao ASEAN tháng 11/2020.
Chiều 15/9, chủ trì Họp báo thông tin về Hội nghị quan trọng này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, tất cả các quốc gia ASEAN đều nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đó là yếu tố hàng đầu để nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh.
"ASEAN luôn xác định con người là trung tâm của sự phát triển, chính vì vậy, phát triển nguồn nhân lực được lựa chọn là ưu tiên trong cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN", ông Thanh nhấn mạnh.
Hội nghị sẽ chính thức thông qua Lộ trình của Tuyên bố ASEAN về "Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay" và ra mắt "Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN".
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) thông tin, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 36 diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua, lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua "Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay".
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã giao cho các Bộ trưởng Lao động và các Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN xây dựng Lộ trình thực hiện.
Theo dự kiến, sẽ được thông qua tại Hội nghị diễn ra vào ngày mai 16/9, trước khi trình lên các nhà Lãnh đạo ASEAN, ghi nhận tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 sẽ diễn ra vào tháng 11/2020 tới.
Sẽ ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN
Tuyên bố đề cập đến các nhóm vấn đề lớn về phát triển nguồn nhân lực, như: Gắn kết với học tập suốt đời; khẳng định tầm quan trọng của giáo dục, giáo dục nghề nghiệp bao trùm, để không ai bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh thế giới đang đổi thay; cần có sự hợp tác giữa Nhà nước - doanh nghiệp – các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hợp tác quốc tế…
Ngoài ra, Tuyên bố cũng đưa ra các giải pháp cụ thể, trong đó đáng chú ý thành lập Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN.
"Các nước ASEAN sẽ ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN tại hội nghị cấp Bộ trưởng diễn ra vào ngày mai 19/6", ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thông tin tại buổi họp báo, đồng thời cho biết thêm, Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN sẽ tập trung vào các vấn đề: Chính sách để cải thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp; kết nối và khả năng thích ứng với thị trường lao động việc làm biến đổi; thu hẹp khoảng cách kỹ năng nghề giữa các nước; cải thiện sự tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho nhóm yếu thế; hỗ trợ hệ thống giám sát, phát triển nghề nghiệp.
Hội nghị sẽ là điểm nhấn về hợp tác liên ngành, liên chính phủ và là cơ hội không chỉ đối với Việt Nam mà đối với ASEAN nhằm tranh thủ hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực, kết nối giáo dục đào tạo kỹ năng với các yêu cầu của thị trường lao động, góp phần triển khai đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, phục vụ tái cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững.
ASEAN chuẩn bị nguồn nhân lực để phát triển bền vững, thịnh vượng
Trước đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra vào cuối tháng 6/2020, ngay sau khi các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua Tuyên bố chung ASEAN về phát triển nguồn nhân lực, trao đổi với báo chí về sáng kiến này của Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước những cơ hội và thách thức về lao động, việc làm mà khoa học công nghệ mang lại, ASEAN cần phải chuẩn bị nguồn nhân lực để có thể phát triển bền vững, thịnh vượng trong tương lai.
"Vấn đề nhân lực luôn là nội dung và chiến lược của các quốc gia, nhất là trong bối cảnh CMCN 4.0, và kỷ nguyên công nghệ số, và gần đây trước tác động lớn của đại dịch Covid-19, các quốc gia càng quan tâm phát triển nhân lực", Bộ trưởng cho biết.
Do đó, theo Bộ trưởng, các quốc gia ASEAN phải có sự hợp tác, phối hợp và đưa ra tuyên bố chung để cùng nhau chung sức, cùng phát triển nhân lực đáp ứng thực tiễn này.
"Tuyên bố này theo chúng tôi là rất quan trọng, nhằm thực hiện cam kết chung của các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN, hướng tới mục tiêu chung vì người dân và lấy người dân làm mục tiêu, động lực để hướng tới", ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.