Hồi chuông cảnh tỉnh do tự truyền dịch ở nhà
- Y học 360
- 12:53 - 29/08/2020
Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai ngày 24/8, Khoa Cấp cứu A9 BV Bạch Mai đã tiếp nhận 1 ca SXH là thanh niên 17 tuổi ở Hà Nội bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân bị SXH, khi đến bệnh viện đã ngừng tim 30 phút do sốc khi truyền dịch tại nhà.
Khi đưa đến Khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã bị ngừng tim 30 phút, được tiến hành cấp cứu, ép tim và tim đã đập trở lại, sau đó lại ngừng tim lần 2. Với nỗ lực cao nhất, các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và tiến hành đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.
Từ ca tử vong trên đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người cần đặt biệt lưu ý các dấu hiệu của SXH, hơn nữa là khi có dấu hiệu ốm bệnh thì tuyệt đối không được điều trị tại nhà, bởi rủi ro cao khi không điều trị bệnh đúng cách.
Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường,Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trên đây là 2 sai lầm đáng tiếc mà người dân và nhân viên y tế dễ mắc phải trong việc chẩn đoán và điều trị SXH khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng số mắc SXH cũng đang gia tăng, nguy cơ “dịch chồng dịch”.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của SXH cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: Sốt, đau mỏi cơ. Do đó, để có chẩn đoán chính xác, cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây các hậu quả đáng tiếc.
Các chuyên gia khuyến cáo: Triệu chứng của SXH là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, ngày thứ 4 từ khi sốt, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu xuất huyết, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, da sung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.
Ở nữ giới có thể thấy rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu...
Đa số bệnh nhân SXH thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong cao.
Khi có một trong những biểu hiện SXH, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị theo phác đồ, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.
Cũng từ ca tử vong trên, Sở Y tế Hà Nội có văn bản khẩn 293/SYT-NVY, nhận định dịch bệnh sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Chính vì vậy, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, điều trị cho người bệnh SXH.
Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, các trung tâm y tế giám sát chặt chẽ chỉ số bọ gậy, muỗi và tình hình bệnh nhân để cảnh báo các đơn vị về nguy cơ dịch bệnh SXH.
Tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch cần tổ chức họp tổ dân phố, cụm dân cư để tuyên truyền trực tiếp cho người dân về tình hình dịch tại khu vực đang sinh sống và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch để người dân chủ động phòng chống. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, cần rà soát, điều chỉnh các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh; đánh giá đúng tình trạng người bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp. Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn người bệnh và người nhà biết cách chăm sóc, theo dõi diễn biến người bệnh để có thể xử trí kịp thời.
Tích cực theo dõi người bệnh, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ, chuyển tuyến kịp thời những ca bệnh nặng, vượt quá khả năng. Đồng thời, tại mỗi đơn vị cần đáp ứng đủ nhân lực, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị y tế, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, hạn chế tử vong do dịch bệnh SXH...