CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:02

Hội chị em người Việt Nam tại Hàn Quốc động viên nhau vượt qua dịch bệnh

Khẩu trang khan hiếm ở Daegu, chính quyền quản lý chặt nạn đầu cơ

Chị Vu Thuan làm giảng viên và sống cùng chồng và con ở Incheon cho biết trên tài khoản mạng xã hội của mình hôm qua (24/2): "Daegu vẫn ổn nhé, huy động cả nhà đi xếp hàng mua khẩu trang vì nay Emart bán khẩu trang với giá 820won/cái, giới hạn mỗi người 30 cái cho dân Daegu. Được cái văn hóa xếp hàng cũng chưa bị mất… "

Hội chị em người Việt Nam tại Hàn Quốc động viên nhau vượt qua dịch bệnh - Ảnh 1.

Xếp hàng dài trước siêu thị để mua khẩu trang y tế

Hôm qua (24/2) hàng dài người xếp hàng trong trật tự để chờ mua khẩu trang y tế tại một siêu thị ở tâm dịch Daegu (Hàn Quốc), giá khẩu trang được Chính phủ hỗ trợ nên khá mềm.

Chị Diệu Hằng, có công ty đóng tại Nam-Myeon (Yeosu, Nam Jeolla) cách tâm dịch Daegu 180km về phía Tây cho biết: "Hiện ở Hàn Quốc nói chung khẩu trang rất khan hiếm, mua không ra. Giá khẩu trang thấp nhất 2.500won (tương tương 50k VND) cho một cái khẩu trang loại khá mỏng. Nhiều siêu thị, nhà thuốc thông báo hết hàng, đi mua thì chỉ bán có 3 cái.   

Hội chị em người Việt Nam tại Hàn Quốc động viên nhau vượt qua dịch bệnh - Ảnh 2.

Chuỗi siêu thị ở Daegu đón dòng người chờ hàng giờ trước thời điểm mở cửa để mua chủ yếu là khẩu trang

Ở đây lúc này, từ cấp huyện đến tỉnh quản lý rất chặt, hàng hóa không được phép tăng giá theo bất kỳ hình thức nào. Chính phủ điều tiết hàng hóa từ các vùng lân cận qua để không gây xáo trộn. Các cửa hàng hay siêu thị đều không dám găm hàng bán giá cao mặt hàng khẩu trang y tế, thực phẩm, vì luật pháp rất nghiêm khắc, có kiểm tra thường xuyên. Mà cũng không ai dám làm vì chế tài bên này rất nặng, hậu quả có thể là đóng cửa vĩnh viễn không còn cơ hội lần thứ hai. Cá nhân là chủ doanh nghiệp vi phạm không thể làm lại từ đầu vì vết đen đã được lưu lại , thậm chí anh muốn đi xin việc không ai nhận.

Người Việt vẫn động viên nhau vượt qua dịch bệnh

Tài khoản facebook cô dâu tại Hàn Quốc tên Đinh Hạnh có tinh thần khá lạc quan  "chị em cố lên, hôm qua nghe chồng nói về để anh một mình ở đây à, thấy thương làm sao ý… "

Daegu, nơi đứng thứ 3 về phát triển kinh tế sau Seoul và Busan trở nên vắng vẻ, nhiều cửa hàng treo biển nghỉ bán tránh dịch Covid-19

Trong cơn hoạn nạn, chị Hong Nguyen lại quyết tâm hơn "Có về Việt Nam thì vợ chồng con cái cùng về, còn không thì ở lại hết. Sướng khổ, bệnh dịch gì đi nữa cũng không bỏ chồng một mình, chị em hãy cố lên"

Để vợ ở nhà không lo lắng, chồng động viên vợ Việt để ở lại làm việc như tài khoản Diễm Hồng tại Việt Nam: "Các chị ơi, em có chồng ở Hàn Quốc, em đang ở Việt Nam, suốt ngày đọc tin trên mạng để nắm bắt, bảo chồng anh về đi, chồng bảo sống chết có số…"

Nick Nấm Linh chi HQ trong Hội những bà bầu tại Korea lại có một niềm tin chắc chắn: "Trong đợt dịch này em khẳng định một điều. 99.99% là chị em thương chồng, hoạn nạn cũng không chạy một mình bỏ chồng lại. Tự hào lắm".

"Em chắc chắn về Việt Nam vì  đã mua vé khi còn chưa có dịch, công việc kinh doanh cũng phải về thường xuyên, nhưng cũng hơi băn khoăn vì sợ cách ly khỏi gia đình, lần đầu tiên rất tiến thoái, vé mua rồi ở không được, mà về thì không biết về đâu, ở nhà bạn không được…" – Diệu Hằng ở Nam-myeon bộc bạch.

Vẫn biết dịch bệnh là đáng sợ nhưng rốt cuộc chúng tôi vẫn phải tiếp tục duy trì mọi sinh hoạt bình thường hằng ngày. Trong số các bạn bè tôi - những phụ nữ Việt sang đây lấy chồng Hàn Quốc, rất nhiều người muốn về Việt Nam lánh dịch lúc này, tài khoản fb có tên Bình Yên Nhé tâm sự.

Giao thông công cộng như tàu điện ngầm cũng ít người sử dụng do lo ngại lây lan dịch bệnh

Hội những người Việt Nam tại Hàn Quốc khuyên mọi người cần bình tĩnh, phòng bệnh cẩn thận, tránh ra ngoài tiếp xúc nơi đông người và đeo khẩu trang khi đi làm, rửa tay thường đúng cách.

Dịch thì ai cũng sợ, nhưng cái sợ lớn hơn của người Việt tại Hàn Quốc là không có việc làm, nơi làm việc chẳng may phải đóng cửa vì dịch.

Đối với những người đi hợp tác lao động họ lo sợ nhiều thứ ngoài dịch bệnh, thì trở Việt Nam sẽ mất một số tiền do khi đi vay mượn còn chưa trả hết. Còn ở lại Công ty nơi làm việc có thể bị đóng cửa bất kỳ lúc nào nếu phát hiện có người bị nhiễm bệnh.  

Đối với lao động bất hợp pháp cũng lo Công ty mình làm đóng cửa (khi có người bị bệnh) đồng nghĩa là không có tiền trả nợ vay lúc đi. Không có tiền trả tiền thuê nhà, ăn ở.

Còn du học sinh lại lo chỗ làm thêm đóng cửa, không có tiền đóng học phí, tiền nhà, tiền sinh hoạt… Mỗi người một hoàn cảnh, một lí do… nhưng tựu chung lại trong thâm tâm mỗi người đều băn khoăn. Lo bị bệnh thì ít mà lo sợ thất nghiệp không có tiền là phần lớn.

Tài khoản Thu Hang Pham "các chị về được thì tốt rồi, em về Việt Nam tránh được dịch thì nhà em sẽ chết đói trước khi chết vì dịch. Mà về tiền đâu mà về chị? Còn con cái, mẹ chồng, chồng…"  

Bây giờ hội chị em chăm đi mua đồ dự trữ thức ăn, đồ sinh hoạt vì biết rằng dịch chưa thể lui ngay lúc này.

Cục Quản lý Lao động ngoài nước: Có trên 11.000 người lao động Việt Nam đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Nếu nghi nhiễm Covid-19 có thể đến các cơ y tế để kiểm tra mà không bị truy cứu trách nhiệm cũng như truy cứu về vấn đề bất hợp pháp. Vấn đề được quan tâm hàng đầu là làm sao ngăn ngừa được dịch bệnh này lây lan trong cộng đồng.

Minh Nghĩa - Ghi theo Từ Diệu Hằng ở Nam-Myeon, Hàn Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh