THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:10

Học sinh Thủ đô vẫn còn cảnh học ở nhà kho và khu di tích

 

15 năm trẻ học ở nhà kho, khu di tích

Theo phản ánh của người dân thôn Yên Nội, nhiều năm nay con em họ phải ăn học, ngủ nghỉ trong nhà kho, khu di tích, nhà văn hóa cũ nát, xuống cấp, không đảm bảo điều kiện học tập cũng như an toàn. Điều khiến nhiều người dân nơi đây bức xúc là dự án trường học hơn chục tỷ gần đó được quy hoạch xây dựng từ năm 2010, nhưng đến nay đã gần 5 năm nay vẫn chưa được hoàn thành.

Được biết, hiện thôn Yên Nội, có 3 điểm trường mầm non với khoảng hơn gần 400 em nhỏ, từ 3 tuổi đến 6 tuổi theo học.

Có mặt tại điểm trường mầm non học trong nhà kho, khu di tích (ngay cạnh UBND xã Đồng Quang). Theo quan sát của phóng viên thuviensuckhoe.org, khu nhà kho được cải tạo và ngăn thành 5 phòng học, diện tích mỗi phòng khá chật hẹp, sàn được lát gạch hoa, tường xung quanh bị bong tróc.

15 năm nay, nhà kho là trường học của nhiều trẻ em thôn Yên Nội. 

Đối diện với nhà kho là khu di tích được ngăn làm 2 phòng học bằng những tấm cót ép ọp ẹp. Trong khu di tích, nhiều cột, kèo, xà có dấu hiệu mối mọt, nứt nẻ, xung quanh tường cả bên trong và bên ngoài bị bong tróc lớp trát và xuất hiện nhiều vết nứt, được vá chằng chịt bằng xi măng.

Do diện tích phòng học nhỏ hẹp, không đủ điều kiện nên giáo viên nơi đây phải treo, dán tranh, ảnh lên xung quanh trong ngoài tường để dạy học. Cũng vì diện tích quá “khiêm tốn” không kê được bàn ghế nên các em phải ăn, học, ngủ, nghỉ trên chiếu và những miếng xốp.

 

Khu di tích xuống cấp cũng là nơi các trẻ học.

Cô Vũ Thị Chủng, Tổ trưởng điểm trường mầm non này cho biết, từ năm 2000 nhà kho chứa thóc của tập thể trước kia và khu di tích của xã được cải tạo thành trường mầm non. Nhiều năm nay, nhiều phụ huynh bức xúc nói giáo viên chúng tôi không quan tâm các cháu để các cháu học trong môi trường không đủ điều kiện, xuống cấp. Nhưng chúng tôi chỉ biết chăm sóc, dạy các cháu theo quy định của nhà trường và kiến nghị lên cấp trên.

“Do diện tích phòng học, số phòng và điều kiện không đáp ứng được, nên những tiết học ứng dụng, thể dục trẻ các lớp phải thay đổi học ngoài sân, theo tiêu chuẩn các cháu phải học trong phòng. Hiện tại, số trẻ mỗi phòng học ở các độ tuổi khác nhau đều quá quy định trên dưới 10 em. Và hiện nay, 3 điểm trường với 9 lớp mới chỉ đáp ứng được hơn 70% trẻ em trong thôn Yên Nội đến lớp. Số trẻ còn lại đi học nơi khác vì trường không đủ điều kiện đáp ứng cho trẻ vào lớp”. Cô Chủng chia sẻ.

Còn tại điểm trường mầm non được cải tạo, tận dụng từ nhà văn hóa cũ của xã, theo ghi nhận của phóng viên, điểm trường này lụp xụp và xuống cấp nghiêm trọng. Lớp trát tường bị bong tróc rất nhiều, thậm chí nhiều chỗ hở trơ cả gạch đỏ chót, phần mái ngói bị xô, lệch võng xuống uốn lượn như những “con sóng”.

Phòng học rộng chưa đến 60m2 nhưng có tới 87 trẻ. Cũng giống điểm trường nhà kho, khu di tích, tất cả trẻ em nơi đây đều phải ăn, học, ngủ, nghỉ trên chiếu và những miếng xốp.

Anh Nguyễn Văn Long, vừa đưa con đến lớp giãi bày: “Tình trạng trẻ em trong thôn chúng tôi phải ăn học ở những nơi không đủ điều kiện học tập, phong học xuống cấp đã nhiều năm nay. Mang tiếng là công dân Thủ đô nhưng đến giờ con, cháu chúng tôi vẫn phải chui vào những lớp học lụp xụp, tối om, nhìn cảnh này mà chán vô cùng"

Bà Nguyễn Thị Chiến, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Đồng Quang (ngồi bên tay phải) trao đổi với phóng viên.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Chiến, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Đồng Quang phụ trách 3 điểm trường mầm non thôn Yên Nội thẳng thắn cho biết, nhiều năm nay 3 điểm trường mầm non của thôn Yên Nội bị xuống cấp, không đảm bảo điều kiện để các cháu học tập.

“Năm 2014, chúng tôi xin kinh phí từ UBND huyện và kêu gọi phụ huynh các cháu ủng hộ để khắc phục tình trạng xuống cấp. Do kinh phí ít nên mới chỉ căng bạt, đóng trần, lát gạch đỏ các phòng học. Những năm trước, khi chưa được khắc phục cứ đến mùa mưa bão chúng tôi rất lo lắng cho các cô và trò. Nếu trời mưa to điểm trường nhà văn hóa bị dột rất nhiều, các cô giáo phải nhờ loa phát thanh của thôn thông báo tới các phụ huỵnh ra đón các cháu về để đảm bảo an toàn”.

Trường xã hoạt động, trường thôn chưa xong

 Được biết, dự án trường mầm non kiên cố của thôn Yên Nội được khởi công xây dựng vào ngày 29/11/2010, vốn đầu tư 14 tỷ đồng, chủ dự án là Phòng giáo dục huyện Quốc Oai. Dự kiến hoàn thành vào đầu năm  học 2012-2013. Tuy nhiên, sau gần 5 năm xây dựng, hiện ngôi trường mới hoàn thành phần xây thô một khối nhà phòng học 2 tầng và một khối nhà 1 tầng dự kiến làm nhà hiệu bộ.

Trao đổi về vấn đề này, bà Chiến phân trần: “Dự án xây dựng trường mầm non thôn Yên Nội và trường mầm non xã Đồng Quang được khởi công cùng một ngày. Khi dự án chậm tiến độ, tôi kiến nghị thì được biết do thiếu vốn”.

Bà Chiến phân tích thêm: “Theo thiết kế là 12 phòng học, nhưng thực tế mới có 4 phòng học và một số phòng chức năng được xây dựng và đang trong quá trình hoàn thiện. Dự kiến tháng 9 năm nay sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động, nhưng nếu chỉ hoàn thiện số phòng học này sẽ không đảm bảo đủ số lượng trẻ của thôn Yên Nội được học trong trường mới khang trang ”.

Ông Vũ Hồng Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Quang.

Còn ông Vũ Hồng Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Quang cho biết, trước kia dự án xây dựng trường mầm non thôn Yên Nội do Phòng giáo dục huyện Quốc Oai làm chủ dự án. Do làm không đúng và dang dở nhiều nên từ tháng 2/2015, dự án được chuyển chủ đầu tư sang Ban quan lý dự án huyện Quốc Oai.

“Huyện cho biết, kế hoạch tháng 7 năm nay sẽ hoàn thành hai gói đơn nguyên với 8 phòng học, hiện đang thi công rất tích cực để đưa các cháu vào năm học mới. Tuy nhiên, mới chỉ đáp ứng được 50% số trẻ thôn Yên Nội được học ở khu trường khang trang, còn 50% số trẻ còn lại vẫn phải học ở khu tạm”- ông Toàn cho hay.

Đỗ Đức

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
2 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh