Cẩn trọng trong lời nói ở trường học
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 14:41 - 08/03/2015
Vừa lúc thầy Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên đi vào nhìn thấy. Thầy bèn chỉ tay, trợn mắt, quát to: “Ê, thằng kia, xuống mày!”. Thoạt đầu cậu cứ ngây người ra, miệng há hốc vì quá đỗi kinh ngạc: Từ ngày đi học đến giờ, năm nay đã là năm học thứ 13, cậu chưa từng nghe thầy cô giáo nào lại quát học sinh một cách lỗ mãng đến như thế. Nhưng đến khi nhìn thấy vẻ hùng hổ của thầy đang sấn sổ, phăm phăm chạy lại chỗ cậu, cậu ta hốt hoảng cúi mặt lảng đi một mạch, không dám quay đầu nhìn lại.
Chợt nhớ lại có lần, thuở còn học phổ thông, tôi trèo lên ngồi trên bệ cửa sổ lớp học, tay chân múa may, mồm miệng huyên thuyên, bất chợt cô giáo chủ nhiệm trông thấy. Cô ấy đến bên tôi lúc nào chẳng biết, chỉ nghe giọng nói nhỏ nhẹ, ôn tồn mà nghiêm khắc, dứt khoát cất lên từ phía sau: “Em xuống đi, không được ngồi như thế, nguy hiểm lắm!”.
Tôi dò hỏi cậu sinh viên ấy xem cậu ấy nghĩ gì khi nghe thầy Phòng Công tác nói như thế, cậu ấy buồn buồn, ấm ức trả lời: “Em biết là em sai rồi, thầy phê bình em là đúng. Nhưng em không hề cố ý, dù sao thầy cũng phải tôn trọng em chứ. Em đã lớn rồi, lại còn bị mắng trước mặt mấy cô bạn gái…Từ ngày vào đại học đến nay đã sắp ra trường, em cũng chưa hề nghe thầy cô nào nói với sinh viên như thế cả!”
Trong các cơ sở giáo dục hiện nay, ngoài đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy trong ngành sư phạm, còn có một vài cán bộ quản lý hoặc không xuất thân từ ngành sư phạm, hoặc được đào tạo không chính quy, bài bản; dẫn đến lối hành xử phản sư phạm, phi văn hóa, gây xúc phạm, tổn thương cho học sinh, sinh viên, chạm vào lòng tự ái của các em.
Lãnh đạo nhà trường cũng cần xem trọng công tác giáo dục đạo đức, bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hóa ứng xử cán bộ quản lý, đặc biệt là cán bộ trẻ để họ có tác phong mô phạm hơn trong công tác quản lý học sinh. Từ đó cũng cần cẩn trọng hơn trong việc quy hoạch, chọn lựa cán bộ sao cho phù hợp với môi trường giáo dục.
Giáo dục học sinh, sinh viên là một nghệ thuật có tên “nghệ thuật sư phạm” (Makarenkô) trong mối quan hệ tương tác thầy – trò, chứ không phải kiểu “đại ca - đàn em”. Để đạt được hiệu quả giáo dục, cần lắm những người cán bộ, giáo viên không những “chuyên” về tri thức khoa học mà còn phải “hồng” trong lời ăn tiếng nói, hành vi ứng xử mang tính mô phạm như Bác Hồ từng dạy dỗ.