Sốt xuất huyết: Chỉ khi gió heo may về dịch mới chững lại
- Sức khỏe
- 13:00 - 24/08/2017
Học sinh, sinh viên có tỷ lệ lây cao nhất
Khi phân tích tỷ lệ mắc bệnh có thể theo nghề nghiệp, theo vị trí công tác, theo độ tuổi… Qua báo cáo của Hà Nội, chúng tôi thấy, hiện nay tỷ lệ mắc cao nhất vẫn là học sinh chiếm 33%, sinh viên chiếm 16%. Như vậy tỷ lệ học sinh - sinh viên chiếm tỷ lệ cao nhất là 49%, sau đó đến một số đối tượng khác như lao động tự do 17%, nhân viên văn phòng 10%, những người không đi làm đang sống tại nhà là khoảng 8%, trẻ em khoảng 7%, công nhân là 4%, nông dân 2%. Chúng tôi cho rằng tỷ lệ này là hợp lý bởi học sinh là những đối tượng hiếu động, di chuyển, sinh viên ở các khu nhà trọ, lao động tự do sống ở các lán trại không có điều kiện vệ sinh tốt nên dẫn tới số mắc có tỷ lệ lớn.
Ông Trần Đắc Phu cho biết, học sinh sinh viên là đối tượng mắc sốt xuất huyết cao nhất
Hiện nay, bên cạnh biện pháp diệt bọ gậy như Bộ Y tế khuyến cáo thì người dân tìm mua những bình xịt loại nhỏ để diệt muỗi hoặc các lọ xịt, kem chống muỗi đốt để bôi vào da? Theo ông những biện pháp này có hiệu quả không?
Việc các biện pháp để chống muỗi đốt theo tôi cũng cần thiết như các bạn có thể sử dụng hương muỗi, các bình xịt loại nhỏ, kem bôi da chống muỗi… Nhưng để chống dịch, để diệt đàn muỗi mang mầm bệnh cho cả cộng đồng thì dứt khoát chúng ta phải phun hóa chất dưới dạng khí dung. Còn một số những biện pháp như trên nhắc không thể diệt được toàn bộ đàn muỗi và cũng chỉ là biện pháp nhỏ lẻ của từng hộ gia đình, kể cả khi phun ở nhà thì chúng ta cũng phải phun tất cả các tầng, tất cả các nhà thì mới có tác dụng. Mặc dù việc phun này như mọi người nghĩ là cứ phun xong là không có muỗi nữa, bởi thời gian tồn lưu của hóa chất này không được lâu nên nếu như chúng ta không tiến hành diệt bọ gậy thì chắc chắn thời gian tới khi có lớp muỗi khác ra đời.
Chính vì vậy mà chúng tôi phải khuyến cáo rằng, phun là phải phun dưới dạng khí dung bởi con muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết không đậu ở bờ tường mà đậu ở tất cả các vị trí khác như dây phơi quần báo, bàn ghế gỗ, các vật dụng trong nhà, do vậy phải phun khí dung để tạo ra toàn bộ môi trường không gian trong phòng đều có hóa chất và như thế nó mới diệt được những con muỗi truyền bệnh. Còn nếu chỉ phun dưới dạng bình thường, phun vào tường thì chỉ diệt được những con muỗi đậu xung quanh vị trí mà các bạn phun thôi.
Tất nhiên, phun các bình xịt loại nhỏ những gia đình đang sử dụng thì cũng không sao. Nhưng tôi nhắc lại, để diệt được đàn muỗi mang bệnh thì phải phun khí dung tất cả các nhà, phun tất cả các tầng và phải phun ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau từ 7 - 10 ngày. Khoảng cách giữa hai lần phun này là dựa vào nguyên lý thời gian ủ bệnh của bệnh nhân sốt xuất huyết, thời gian ủ bệnh của bệnh nhân sốt xuất huyết là từ 7 - 14 ngày. Trong vòng 14 ngày, vẫn có những bệnh nhân đó, khi con muỗi nở ra, nó lại đốt người vẫn mang mầm bệnh nên chúng ta phải phun tiếp lần 2 để diệt đàn muỗi tiếp theo đó.
Trên mạng xã hội hiện đang chia sẻ rất nhiều biện pháp dân gian để đuổi muỗi mà không cần dùng đến hóa chất như dùng sả, tỏi, hoa oải hương, lá đinh lăng để xua muỗi. Theo ông các biện pháp đó có hiệu quả không?
Tôi nghĩ dùng các biện pháp nào diệt muỗi dù là phương pháp dân gian hay hóa chất được khuyến cáo sử dụng và được Bộ Y tế cho phép thì đều được. Thế nhưng tôi vẫn nói lại là để diệt được đàn muỗi đang mang mầm bệnh thì như tôi đã nói ở trên, phải phun khí dung, phun tất cả các nhà trong cộng đồng và phải phun hai lần. Còn hiệu quả của từng biện pháp dân gian thì khác nhau và phải nói rằng những biện pháp đó không diệt được con muỗi đang mầm bệnh, nó chỉ có tính chất xua đuổi muỗi, là khi chúng ngửi thấy mùi thì xua chúng từ vị trí này sang vị trí khác mà thôi.
Diệt bọ gậy vẫn là biện pháp phòng bệnh tốt nhất.
Chúng ta biết rằng năm nay dịch bệnh đến sớm, từ tháng 4 đã có dịch sốt xuất huyết bởi vì năm nay Hà Nội không có rét nàng Bân, ở miền Nam khí hậu cũng nóng lên, mưa cũng đến sớm hơn. Nhưng qua theo dõi trong nhiều năm qua, chúng tôi thấy rằng, thời điểm sốt xuất huyết cao hàng năm ở ngoài Hà Nội là khoảng tháng 9, tháng 10 dương lịch, năm nay lại có nhuận hai tháng 6. Cho nên, thời điểm này nếu tính chu kỳ như mọi năm thì chưa phải là đỉnh dịch. Việc phòng chống sốt xuất huyết thì phải kéo dài đến tận tháng 12 dương lịch hàng năm khi có rét thì chúng ta mới có thể yên tâm.
Thời điểm này, sở dĩ dịch chững lại là do trong thời gian qua, chúng ta đẩy mạnh tất cả các biện pháp để phòng bệnh, đặc biệt là việc phun hóa chất trên diện rộng nên chúng ta đã khống chế được véc-tơ diệt muỗi không truyền bệnh nữa. Nhưng như tôi nói nó chỉ có tính chất nhất thời, còn về lâu dài chúng ta vẫn cứ phải diệt bọ gậy, nếu không thì đàn muỗi mới lại ra đời và chúng ta lại có những bệnh nhân mới do những người di chuyển từ nơi này sang nơi khác sẽ truyền bệnh và sẽ lại hình thành nên những đợt dịch mới. Chỉ khi chúng ta triển khai một cách quyết liệt, thường xuyên, cụ thể và triệt để các biện pháp phòng chống dịch thì mới có thể giảm được số ca mắc bệnh. Sốt xuất huyết ở miền Nam khi nào mùa mưa kết thúc thì bệnh mới giảm, còn miền Bắc thì chỉ khi có gió heo may về thì khả năng dịch bệnh mới chững lại, đó là quy luật tự nhiên.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Chiều 22/8, trong cuộc giao ban báo chí Thành ủy thường kỳ, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Theo đó, tình hình dịch bệnh trong tuần từ ngày 14/8 - 20/8 ghi nhận 3.524 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong tuần không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tính từ ngày 01/01/2017 đến nay, toàn thành phố ghi nhận: 18.862 trường hợp, 7 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi: 16.343 (chiếm 86,6%). Hiện còn 2.519 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Theo quy định của Bộ Y tế, trách nhiệm công bố dịch bệnh thuộc về UBND các tỉnh thành. Dựa trên các tiêu chuẩn để công bố dịch bệnh, các chuyên gia cho rằng Hà Nội đủ điều kiện công bố dịch sốt xuất huyết đang lưu hành. Tuy nhiên hiện cả nước chỉ mới có tỉnh Hà Nam công bố dịch. Giải thích lý do thủ đô chưa công bố dịch, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết mục đích của việc công bố dịch là công khai tình hình để người dân được biết và nhằm huy động nguồn lực làm tốt công tác phòng chống dịch. Đến nay Hà Nội đã công khai rằng thành phố đang có dịch sốt xuất huyết, thông báo số lượng mắc, số ca tử vong trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hà Nội cũng đã huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng chống sốt xuất huyết. Kinh phí thành phố cấp cho công tác phòng chống dịch đã gần 20 tỷ đồng. “Chúng tôi theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch, cân nhắc tình hình kinh tế xã hội để đề xuất công bố dịch ở thời điểm thích hợp”, ông Hạnh nhấn mạnh. |