Đối với các trường tự chủ tài chính, mức trần học phí cũng được phân theo nhóm ngành nghề. Theo đó, mức học phí bình quân tối đa chương trình đại trà trình độ ĐH hệ chính quy mà các trường này được phép thu dao động trong khoảng 11,5 - 16 triệu đồng (năm học 2015 - 2016); mức trần tối đa nhóm ngành kinh tế cho năm học 2015 - 2016 là 17,5 triệu đồng (năm học 10 tháng). Các nhóm ngành nghề khác cao hơn, trong đó riêng nhóm ngành y dược tối đa được đề xuất lên tới 45 triệu đồng/năm.
Việc tăng học phí là nằm trong lộ trình đổi mới cơ chế hoạt động và giao dần việc tự chủ toàn diện đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc tăng học phí chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến xã hội, đặc biệt là đối tượng sinh viên nghèo, gia đình khó khăn.
Theo bạn Nguyễn M, sinh viên vừa đỗ vào khối ngành kinh tế, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: “Nếu tính cả tiền học phí (theo khung giá mới) và chi phí ăn, ở, sinh hoạt và cả chục loại phí khác của trường, cũng phải mất từ 30-35 triệu đồng/sinh viên/năm. Có lẽ, em phải nhanh chóng làm thủ tục vay vốn tín dụng sinh viên và phải tìm công việc làm thêm để phần nào đỡ gánh nặng cho bố mẹ. Nếu không, sẽ chẳng thể có tiền chi trả được trong suốt thời gian học ĐH”.
Cần đảm bảo cơ hội học tập cho sinh viên nghèo
Thực tế là, từ năm 2007 đến nay, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ vay vốn để trang trải việc học tập đối với học sinh, sinh viên nghèo. Tuy nhiên, chính sách cho vay hiện vẫn chỉ ở mức tối đa là 1,1 triệu đồng/sinh viên/tháng. Vì vậy, nhiều trường ĐH được tự chủ tài chính (thường là những trường top trên) có đến 80% sinh viên ở các miền quê, vùng khó khăn nên nếu mức tiền phải chi trả như trên, sinh viên nào có hoàn cảnh khó khăn rất khó có thể theo học.
GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phân tích: “Không thể nói việc tăng học phí không tác động đến người học, nhất là đối với gia đình nông thôn. Mọi thứ đều tăng giá, giờ học phí cũng tăng thì con nhà nghèo làm sao theo học được. Nếu nói kinh tế tăng trưởng, quỹ phúc lợi tăng mà học phí vẫn phải tăng thì là điều hết sức vô lý. Trong khi Quỹ khuyến học nỗ lực tìm nguồn học bổng để hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo đến trường học, thì giờ Bộ lại nói tăng học học phí. Đáng lẽ, Bộ GD-ĐT và Hội Khuyến học phải cùng chung tay để làm sao khuyến khích nhiều người có cơ hội đến trường”.
Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, học phí của các trường công lập chưa tự chủ còn thấp. Quy mô đào tạo của trường hiện nay là hơn 20 nghìn sinh viên. Như vậy, mỗi năm trường tăng thu trên 1 tỷ đồng từ học phí.
Mức tăng này không bù đắp đủ chi phí. Giờ, có thêm nguồn thu từ học phí, nhà trường có thêm chi phí đưa sinh viên đi thực hành, thực tập, chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, dù tăng học phí thì vẫn phải đảm bảo quyền lợi của sinh viên nghèo vượt khó, đạt thành tích xuất sắc trong học tập.
Có thể nói, việc tăng học phí nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ĐH công lập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đất nước là điều cần thiết. Nhưng để việc tăng học phí không ảnh hưởng lớn đến xã hội và người học, thì cùng với lộ trình tăng học phí, Chính phủ và các trường ĐH cần đảm bảo chính sách hỗ trợ, cấp học bổng cho sinh viên thuộc diện trên.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, Bộ GD&ĐT cần cân nhắc đến lộ trình tăng, phạm vi thực hiện, tình hình hoạt động của từng trường cũng như mức sống ở các địa phương khác nhau để có mức học phí phù hợp.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng tiến hành phân tầng, xếp hạng các trường ĐH. Học sinh có thể biết được chất lượng, mức học phí của từng trường để chọn lựa nên đăng ký xét tuyển vào trường nào phù hợp với sức học, khả năng tài chính của gia đình./.