Học cách im lặng đúng lúc đúng chỗ mới là EQ đỉnh cao nhất
- Y học 360
- 20:07 - 29/04/2020
01
Vài ngày trước, tôi có trò chuyện với một người bạn, cậu ấy than thở với tôi rằng vốn dĩ đã có được một ngôi nhà ưng ý, nhưng chỉ vì lắm lời thêm một câu mà nó đã bay mất tiêu.
Còn chưa kịp hỏi có chuyện gì, người bạn "lắm lời" này của tôi đã luyến thắng kể sự tình.
Chả là cậu bạn này gần đây có dự định mua nhà, năm ngoái cậu ấy cũng đã tìm hiểu rất nhiều, không vì giá cả không phù hợp thì cũng là dáng nhà cậu ấy không ưng ý.
Gần đây, vừa hay gặp được một đôi vợ chồng vì đang cần vốn để xoay vòng gấp nên có ý định bán căn nhà tân hôn của họ, giá cả, vị trí và cả dáng nhà đều rất hợp ý cậu bạn tôi, mọi thứ hai bên đã thương lượng xong xuôi, chỉ đợi ngày hôm sau tới kí hợp đồng nữa là xong.
Ấy vậy mà lúc ra về, cậu bạn tôi làm một câu rằng: Anh chị lúc dọn đi nhớ dọn dẹp vệ sinh cho sạch sẽ rồi hãy đi.
Nói xong câu nói đấy cậu bạn tôi cũng thấy hơi hối hận, câu nói này quả thực thừa thãi, quả nhiên, ngay tối hôm đó, cậu bạn nhận được tin nhắn của cặp vợ chồng nói rằng tạm thời không muốn bán nhà nữa.
Nghĩ một tý thì cũng không quá khó hiểu, căn nhà là nhà tân hôn của hai vợ chồng, là căn nhà họ vất vả mới mãi mới mua được, họ ít nhiều gì cũng có tình cảm với căn nhà này, bất đắc dĩ mới phải bán nhà đi, cậu bạn lại "vứt" lại một câu nói mạo phạm tới vấn đề nhạy cảm nhất của họ. Cũng giống như một thứ đồ chứa đầy ắp kỉ niệm, thứ đồ bạn trân trọng như vật báu, bất đắc dĩ phải chuyển sang cho người khác, nhưng rồi lại bị đối phương bới móc, xoi mói trăm bề, là ai thì người ta cũng không thoải mái cho nổi.
Thực ra, chúng ta nhiều khi cũng vậy, không biết cách im lặng đúng lúc đúng chỗ.
Bạn đã bao giờ trải qua những tình huống như này?
Dành mấy tiếng đồng hồ trên mạng cãi nhau với người khác, không những không cãi thắng, mà ngược lại còn khiến mình tức tới nỗi không ngủ được; cảm xúc ập tới, một phút bốc đồng, nói ra những lời làm tổn thương tới người khác, sau này có xin lỗi ra sao, đối phương cũng không tha thứ, có nỗ lực ra sao cũng không cứu vãn được quan hệ khi xưa; đối diện với người quan trọng, luôn nghĩ cách để chiếm được cảm tình, nhưng càng nói càng nhiều, càng nói càng không ra đâu với đâu, cuối cùng ngược lại còn tạo ra nhiều vấn đề và mâu thuẫn hơn, để lại ấn tượng không tốt với đối phương…
Thực ra nhiều khi, muốn thành công một việc gì đó, không nhất thiết phải nói nhiều, nhưng nhất định phải học cách im lặng đúng lúc đúng chỗ.
02
Đối mặt với người không thân thiết, hãy học cách "ngậm miệng"
Một người bạn gần đây có kể với tôi một câu chuyện rằng, cô ấy có một người đồng nghiệp, chơi với nhau cũng khá vui vẻ, ngày nào cũng đi ăn trưa cùng nhau.
Tuy nhiên, có một điều khiến cô ấy cảm thấy áp lực đó là người đồng nghiệp đó rất hay kể cho cô ấy nghe mấy chuyện cá nhân, chẳng hạn như mắng mỏ một người thân nào đó là "quỷ hút máu", chỉ biết tìm tới cô ấy vay tiền, hoặc là anh trai lại làm ra mấy chuyện vô bổ…
Cô bạn nói cô ấy cảm thấy áp lực, không phải vì thấy phiền phức hay gì, mà là bởi không biết nên trả lời ra sao với tư cách là một đồng nghiệp, dẫu sao thì đây cũng là chuyện riêng tư nhà người ta, nói nhiều lại bảo "quản chuyện bao đồng", "vượt quá bổn phận", nói ít thì sợ người ta nghĩ mình thờ ơ, không quan tâm.
Khi đối mặt với người không quá thân thiết, hãy học cách im lặng, đặc biệt là những người quen biết chưa được bao lâu, chưa gì đã nói toạc hết, còn thiếu mỗi nước đưa mật khẩu thẻ ngân hàng.
Tránh "quen thì "nông" mà lại tâm sự "sâu"" là bài học giao tiếp quan trọng mà bất cứ người trưởng thành nào cũng nên học.
Một mặt là để bảo vệ bản thân, đừng vì nhất thời hứng lên mà để đằng chuôi của mình bị người khác nắm được, mặt khác là để tránh tạo ra áp lực cho người khác khi bạn kể với họ những chuyện vượt quá "quan hệ trước mắt".
03
Đối mặt với những người không cùng IQ, hãy học cách "ngậm miệng"
Một thầy hướng dẫn của tôi từng nói với tôi câu này: "Nếu không hiểu, hãy nói ra, nếu hiểu rồi, vậy thì đừng nói, mỉm cười là được". Trước đó tôi không hiểu cho lắm, sau này khi đã đi làm được một vài năm, tôi mới nhận ra, đó là kĩ năng cao cấp nhất trong giao tiếp giữa người với người.
Lúc không hiểu, phải nói ra, thứ nhất là để học thêm được điều mới, thứ hai là để cho đối phương có cơ hội được thể hiện; còn nếu đã hiểu rồi, tuy nhìn thấu nhưng đừng nói toạc ra, đó là để chừa cho người khác một đường lui.
Nhưng, có rất nhiều người lại làm ngược lại.
Trươc đó tôi cũng hãy như vậy, nếu gặp phải vài thành phần "não tàn" trên mạng, tôi sẽ hết sức nhẫn nại giảng đạo lý và nói với họ rằng, "huynh đài, anh nói vậy là không đúng", cuối cùng lại bị logic thần kì của họ làm cho mất ăn mất ngủ.
Thực ra nhiều khi, thứ chúng ta muốn chưa chắc đã là giáo dục người khác cho đúng đắn, mà chẳng qua cũng chỉ là muốn chứng minh mình "hiểu", chứng minh mình IQ cao, chứng minh mình không "não tàn".
Thực ra, chứng minh mình là một người có tầm, không cần phải sống chết battle thắng đối phương mới thôi, mà là im lặng để kết thúc màn battle này.
Đừng tranh luận với một người ngốc và ngang, bởi họ sẽ dùng những lí luận ngốc nghếch và ngang ngạnh của họ đánh bại bạn, việc duy nhất bạn cần làm đó là biết đường tránh xa những người như vậy, không nói gì, mỉm cười cho qua, đó mới là kẻ trí.
04
Đối mặt với những người mình muốn trân trọng, cũng cần học cách im lặng
Không biết mọi người đã từng trải qua sự việc như này chưa:
Khi ở cùng với người mà bạn trân trọng, hai người cùng không nói gì, bạn cảm thấy ngượng ngùng, sau đó nỗ lực gợi chuyện, kết quả lại gợi đúng ra chủ đề không thích hợp nhất, và rồi càng nói càng trở nên gượng gạo…
Hoặc đang nói chuyện với bạn bè rất vui vẻ, tự nhiên lôi những chuyện không mấy vui vẻ trong quá khứ nói lại, lúc đó đang vui thì không nghĩ gì, nhưng sau khi về nhà rồi mới thấy hối hận…
Khi ở cạnh những người mình trân trọng, cũng hãy học cách giữ im lặng một cách thích hợp, quan hệ có tốt tới đâu, cũng phải chừa lại không gian riêng cho người khác.
Giống như có người từng nói: nhiều khi, chúng ta nói càng nhiều, khoảng cách giữa hai người sẽ lại càng xa, mâu thuẫn sẽ lại càng nhiều.
Trong giao tiếp, chia sẻ, rất nhiều người chỉ chăm chăm vào thể hiện cái tôi bản thân mà không hiểu đối phương, học nói chỉ mất hai năm, nhưng học cách im lặng lại mất cả đời, nếu quả thực không có gì để nói, vậy thì đừng nói. Nói càng nhiều, càng không thích hợp, sẽ chỉ càng đẩy đối phương ra xa hơn mà thôi.
Ba trạng thái tốt nhất đời người chẳng qua cũng chỉ là: không hẹn mà gặp, không nói mà hiểu, không thuốc mà lành.
Khi ở bên người mình trân trọng, rất nhiều khi bạn không cần phải nói quá nhiều, một ánh mắt, một nụ cười, sự ăn ý khi không cần nói ra mà vẫn hiểu được nhau là thứ mà dù có nói nhiều tới đâu cũng sẽ mãi không thể sánh bằng.
Đối diện với những người thân yêu, hãy học cách im lặng đúng lúc, đừng tùy tiện phá vỡ vẻ đẹp trong sự ăn ý giữa hai người.
05
Nhà tiểu luận người Mỹ, Nassim Nicholas Taleb từng nói: trên thế giới này có hai loại người, một là muốn thắng, một là muốn thắng trong các cuộc tranh luận.
Cũng giống như trong các bộ phim truyền hình, kẻ lắm lời, toàn nói lời thừa thãi, tới cuối cùng đều không có kết cục tốt đẹp gì cho cam.
Bất kể khi ở cùng người thân bạn bè hay người lạ, trước khi muốn tranh luận, không phiền hãy nghĩ một chút: chúng ta muốn một kết quả tốt đẹp, hay muốn thắng cuộc tranh luận này? Chúng ta chẳng qua cũng chỉ là muốn mình sống tốt hơn, muốn hòa hợp với thế giới mà thôi, cũng đâu phải tham gia một cuộc thi hùng biện, hà cớ gì phải gắt gao tranh cãi tới đỏ mặt tía tai, tới tổn thương tình cảm đôi bên?
Mong bạn nhớ rằng, biết nói chuyện là một loại năng lực, biết ngậm miệng chính là một loại trí tuệ.