CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:07

Hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn


Các đại biểu chủ trì​ hội nghị.

 

Trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam năm 2017, sáng 21/9, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, đã khai mạc Hội nghị lần thứ 11 các Quan chức cao cấp về quản lý thiên tai, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia APEC 2017 và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An cùng khoảng 200 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức quốc tế, khối doanh nghiệp, quan chức cao cấp các bộ, ngành.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng nhận định, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nền kinh tế năng động và đầy bản sắc văn hóa, đang hướng tới mục tiêu phát triển hòa bình và thịnh vượng, nhưng cũng là khu vực hứng chịu nhiều rủi ro thiên tai nhất. Trong đó, Việt Nam là một trong những nền kinh tế thường xuyên phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Việc tổ chức Hội nghị lần thứ 11 các Quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, nơi vừa hứng chịu cơn bão số 10 với tên quốc tế là Doksuri, là cơ hội để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai, học hỏi kinh nghiệm quý báu từ các nền kinh tế thành viên, đồng thời nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai không chỉ của Việt Nam mà của cả các nền kinh tế APEC.

Ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh Hội nghị là cơ hội tốt để tỉnh tiếp nhận nhiều thông tin có giá trị liên quan đến công tác phòng chống thiên tai nói chung và ứng phó khẩn cấp thiên tai nói riêng, cũng như học hỏi kinh nghiệm quý báu về phòng chống thiên tai từ các nền kinh tế APEC.

Trong ngày đầu tiên của Hội nghị đã diễn ra ba phiên họp.

Tại phiên họp toàn thể buổi sáng, các diễn giả đã chia sẻ thông tin về những hoạt động khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai “bình thường mới”. Phiên họp nhận định, hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn, nhất là ở những nền kinh tế có sự phát triển thiếu đồng bộ về nhiều mặt. 

Vì thế, công tác giảm thiểu thiệt hại thiên tai cần có kế hoạch tổng thể, được xây dựng trên các thông tin đa chiều; hoạt động về phòng, chống thiên tai cũng cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương.

Những chia sẻ từ các đại biểu từ Văn phòng Liên Hợp Quốc về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (UNISDR), từ Philippines, Nhật Bản và Việt Nam trong vấn đề giảm thiểu rủi ro thiên tai cho thấy nhu cầu cấp thiết trong việc phát triển các công cụ hỗ trợ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ, đặc biệt cần ưu tiên trong dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai tổng hợp.

Theo chia sẻ của đại diện Văn phòng UNISDR, thiệt hại về thiên tai liên quan đến nước chiếm trên 90%, do vậy, cần có những hướng ứng phó phù hợp để giảm thiểu thiệt hại do nước gây ra.

 

Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11 được khai mạc tại TP Vinh vào sáng 21/9

Tiếp theo đó, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã nhất trí việc thực hiện các hoạt động giảm thiểu thiên tai không thể thực hiện đơn lẻ, cần phải lồng ghép trong bối cảnh đảm bảo phát triển bền vững.

Do vậy, 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc không thể đạt được nếu không ngăn ngừa được rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, phát triển kinh tế không được gây thêm những rủi ro mới; đồng thời, cần có những công cụ, các lớp đào tạo tập huấn để nhận diện và ngăn ngừa thiên tai.

Ngoài ra, cần ưu tiên đầu tư giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tăng cường các hoạt động chuẩn bị ứng phó với thiên tai, trong đó cần tăng cường vai trò và thúc đẩy sự tham gia, đầu tư của khối tư nhân để tạo mối liên hệ khăng khít giữa các cơ quan chính phủ, các cơ sở nghiên cứu, phát triển các ứng dụng, các nhà đầu tư và cộng đồng.

Trong hai phiên họp kỹ thuật buổi chiều, Hội nghị đã nghe 13 báo cáo từ các nền kinh tế chia sẻ thông tin về phát triển các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và áp dụng các đổi mới khoa học, công nghệ để đối phó với thiên tai bình thường mới, bao gồm các giải pháp cứng và giải pháp mềm. Các đại biểu cũng được nghe những báo cáo về việc ứng phó với các thảm họa khác.

Những thông tin được trao đổi tại Hội nghị có ý nghĩa thiết thực đối với Việt Nam nói riêng và các nền kinh tế APEC nói chung. Những đề xuất mới, sáng kiến về các mô hình quản lý thiên tai trong thời gian tới, như việc thay đổi cách thức cung cấp thông tin, cảnh báo thông tin tại thời điểm phù hợp, cần tiếp tục được thúc đẩy, đặc biệt là thúc đẩy vai trò các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý khi điều hành quản lý thiên tai, thảm họa.

Các ngày tiếp theo, Hội nghị sẽ tiếp tục các phiên thảo luận để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận và đề xuất cho các vấn đề liên quan.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh