Những bằng chứng lịch sử và pháp lý về Trường Sa, Hoàng Sa
- Tây Y
- 16:23 - 13/05/2015
Triển lãm trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” giới thiệu, trưng bày 120 tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm, bản đồ lịch sử quý giá về Trường Sa, Hoàng Sa đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong và ngoài nước.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết việc công bố các tư liệu, bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam nhằm tăng cường nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng trong tình hình hiện nay.
Các tư liệu, hiện vật được trưng bày tại triển lãm là một phần các bằng chứng lịch sử và pháp lý thu thập được ở trong nước và các nước trên thế giới, trong đó có cả từ Trung Quốc, góp phần minh chứng cho chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các tài liệu quý bao gồm: Phiên bản của các văn bản Hán Nôm, Việt ngữ, Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam, chính quyền Pháp ở Đông Dương, thay mặt nước Việt Nam đương thời ban hành từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20.
Đặc biệt là các châu bản triều Nguyễn ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (1802-1945).
Triển lãm thu hút đông đảo người xem
Những tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn và xuất bản từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo; 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ 17 đến nay.
4 tập bản đồ (Atlas) và 30 bản đồ do các nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử cho thấy Trung Quốc không quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... Đây là một phần bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo trên Biển Đông.
Các tư liệu cho thấy các nhà nước Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến đến thời kỳ xã hội chủ nghĩa ngày nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo này và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Bộ thông tin và Truyền thông trao tặng tư liệu quý cho tỉnh Thanh Hóa
Đặc biệt, ở triển lãm tại Thanh Hóa có trưng bày bổ sung một số tư liệu mới như: Thư của Đô đốc Trần Văn Chơn-Tư liệu Hải Quân Việt Nam Cộng hòa gửi bà Lê Kim Chiêu-là thân nhân Đại úy Huỳnh Duy Thạch đã hy sinh trong trận Hải chiến Hoàng Sa (ngày 19/1/1974)...
Triển lãm ở Thanh Hóa kéo dài từ 12-16/5 là dịp để nhân dân địa phương, du khách thập phương và bạn bè quốc tế có dịp tham quan, chiêm ngưỡng những chứng cứ lịch sử, pháp lý, đồng thời nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này thông qua các tư liệu lịch sử được công bố.
Tại buổi triển lãm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao tặng toàn bộ các bản đồ, tài liệu liên quan về Hoàng Sa, Trường Sa tại triển lãm cho tỉnh Thanh Hóa quản lý và sử dụng.
Một số hình ảnh tại triển lãm:
Thư của Đô đốc Trần Văn Chơn
Bản đồ Trung Quốc do Phương tây và Trung Quốc vẽ không có Trường Sa, Hoàng Sa
Tư liệu về Trường Sa, Hoàng Sa trước năm 1975
Thư tịch cổ, Châu bản triều Nguyễn khẳng định chủ quyền
với Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam...