THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:37

Phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ: Hoàn thiện thể chế để phát triển

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ đã bổ sung 21 thành viên mới được 2 tháng. Trong thời gian đó, các thành viên Chính phủ đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, quyết liệt bắt tay vào việc; tập trung vào công tác xây dựng, ban hành thể chế, chính sách với tinh thần đổi mới, bám sát thực tiễn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như tập trung giải quyết các vấn đề nảy sinh như hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long; thủy hải sản chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung, ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tại phiên họp này, chúng ta sẽ bàn về 2 việc lớn. Thứ nhất là thảo luận về công tác xây dựng thể chế, văn bản quy định chi tiết thi hành các luật và thứ hai là các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện các mục tiêu Quốc hội đề ra năm 2016 như mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, xuất nhập khẩu và các chỉ tiêu vĩ mô khác. Đặc biệt là các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm”. Về công tác xây dựng thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh:“Đây chính là nút thắt quan trọng, là khâu đột phá mà Đảng, Nhà nước đã xác định. Thể chế, thể chế và thể chế. Phát triển hay kìm hãm chính là do thể chế. Xử lý từng vụ việc cụ thể rất quan trọng nhưng phải dành thời gian nhiều hơn nữa cho công tác thể chế”.

Theo Thủ tướng, vừa qua chúng ta đã có biện pháp mạnh nhưng việc nợ đọng văn bản hướng dẫn vẫn còn nhiều, đây là tình trạng đã diễn ra nhiều năm mà chưa được khắc phục, trong khi luật không có hướng dẫn thì không đi vào cuộc sống được. Thủ tướng chỉ rõ, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chính là các Bộ trưởng chưa quan tâm trực tiếp chỉ đạo vấn đề này, dù vấn đề khó, phức tạp nhưng nếu tập trung thì vẫn giải quyết được.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi họp.

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu, tất cả các nghị định về điều kiện kinh doanh phải được ban hành trước thời điểm 1/7/2016, không để chậm trễ, không để còn nợ đọng sau ngày 1/7, không để xuất hiện “khoảng trống pháp luật”. Đồng thời phải bảo đảm chất lượng các văn bản này bằng các giải pháp như các bộ trực tiếp làm việc, thảo luận với nhau để gỡ vướng mắc. Bên cạnh đó, quy trình rút gọn nhưng phải bảo đảm công khai, minh bạch, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động. Sau khi ban hành, những điểm nào không phù hợp với thực tiễn thì phải sửa đổi kịp thời.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết. Thủ tướng chỉ rõ, quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, người dân và doanh nghiệp đọc là hiểu ngay, đơn giản hóa tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, theo tinh thần hậu kiểm là chính, tăng cường giao dịch qua môi trường mạng để tạo thuận lợi cho phát triển, chống tiêu cực, nhũng nhiễu.

Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ trưởng, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì nay không còn các thông tư liên tịch, các vấn đề thuộc thẩm quyền nhiều bộ phải được quy định tại nghị định. “Như vậy để tăng cường trách nhiệm cá nhân của các Bộ trưởng ký ban hành thông tư, của Thủ tướng ký ban hành nghị định, không còn tình trạng “cha chung không ai khóc” - Thủ tướng phân tích.

Báo cáo về vấn đề tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Tình hình rất đáng lo ngại”. Tính đến 31/5, theo thống kê, Chính phủ cần phải ban hành 51 văn bản hướng dẫn nhưng mới ban hành được 14 văn bản, còn 37 văn bản chưa được ban hành. Trong đó, 11 văn bản đã xây dựng xong dự thảo và đang trong quy trình xử lý, số văn bản chưa trình là 26. Ngoài ra, còn 91 thông tư và 13 thông tư liên tịch chưa được ban hành. Tuy nhiên, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề liên tịch thuộc thẩm quyền của nhiều bộ phải được ban hành trong Nghị định của Chính phủ, tức là tăng thêm 13 dự thảo nghị định cần được xây dựng, ban hành. Về các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư (sửa đổi), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Cần ban hành tổng cộng 49 nghị định. Trong đó, tới 31/5, đã trình Chính phủ 35 nghị định, chưa trình 14 nghị định, trong đó đã thẩm định 10 dự thảo nghị định và chưa thẩm định 4 dự thảo. Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng chỉ rõ các bộ còn “nợ” và số lượng văn bản nợ.

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, 17 bộ, ngành đã tích cực vào cuộc rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh, về cơ bản đã xác định số lượng nghị định cần xây dựng trên cơ sở nâng cấp các thông tư. Một số bộ đã tích hợp nhiều thông tư vào một nghị định như Bộ NN&PTNT tích hợp 38 thông tư, Bộ GD&ĐT tích hợp 23 thông tư, Bộ Công Thương tích hợp 23 thông tư, Bộ Y tế tích hợp tới 70 thông tư.  Đáng lưu ý, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, mặc dù Bộ KH&ĐT đã hướng dẫn nhưng nhiều bộ còn lúng túng trong phân biệt các điều kiện kinh doanh và quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, nên chậm xác định rõ các điều kiện phải nâng cấp từ thông tư lên nghị định.

Hôm nay (2/6) phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ bước sang ngày làm việc thứ hai, Chính phủ sẽ bàn về việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… nhằm thực hiện mục tiêu đã đặt ra cho năm 2016.

Không tăng giá điện và phí đường bộ, tránh gây áp lực lên CPI

Chiều 1/6, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến vào Báo cáo kết quả hoạt động của Ban chỉ đạo điều hành giá năm 2015, 4 tháng đầu năm 2016 và phương hướng điều hành giá năm 2016...

Sau khi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, Thủ tướng đã có kết luận rất quan trọng, đó là không tăng giá bán lẻ điện, phí đường bộ các dự án BOT và một số mặt hàng khác, tránh gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng năm nay.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính đã thống nhất với Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ không tăng giá bán lẻ điện những tháng còn lại của năm 2016, không lập quỹ bình ổn giá điện. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị Chính phủ chưa điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế cùng một thời điểm mà nên chia làm nhiều đợt.

Liên quan đến phí đường bộ, Thủ tướng cũng chỉ đạo không tăng phí đường bộ đối với các dự án BOT. Khẳng định, sản lượng lương thực trong nước hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm soát tốt, không được để xảy ra tình trạng đẩy giá tăng bất thường.

HÀ HUY LINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh