THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:51

Hoàn thành hệ thống pháp luật về lao động, người có công và xã hội

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian trưng bày của Ngành LĐ-TB&XH tại triển lãm 70 năm thành tựu KT-XH Việt Nam.

Mục tiêu mà ngành đặt ra cho năm 2016 và 5 năm 2016 - 2020 là nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đa dạng, toàn diện, bảo đảm bền vững, công bằng bình đẳng, tạo nền ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, Ngành sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, người có công và xã hội phù hợp với Hiến pháp mới năm 2013, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Trẻ em...; rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành thay thế chính sách mới cho phù hợp.

Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí thăm hỏi thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên, nhân dịp đoàn ra thăm Thủ đô.

Đẩy mạnh giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương, từng vùng, miền theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng việc làm; cải thiện môi trường cạnh tranh và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhằm tạo nhiều việc làm ổn định. Hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, thanh niên nông thôn.

Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường có thu nhập cao, an toàn cho người lao động. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động làm việc ở nước ngoài.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quan hệ lao động, chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động. Nghiên cứu, bổ sung các quy định, chế tài về các nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện các giải pháp mở rộng diện tham gia và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.Tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; đổi mới cơ chế quản lý tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo hướng gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH thăm hỏi thương binh tại trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên (Hà Nam).

Tăng cường quản lý nhà nước về công tác an toàn - vệ sinh lao động: Kiểm tra, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các dự án phát triển dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm phát triển dạy nghề nhanh về quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề ở 3 cấp trình độ, nhất là đào tạo nghề chất lượng cao. Rà soát, hoàn thiện các chính sách đào tạo đối với người lao động theo hướng tích hợp chung các chính sách hiện hành về đào tạo nghề để thống nhất thực hiện; trong đó chú trọng ưu tiên hỗ trợ dạy nghề cho người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trao tặng huy hiệu 3 - 40 năm tuổi Đảng cho các lãnh đạo đơn vị trong bộ.

Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành cho đối tượng người có công. Nghiên cứu điều chỉnh bổ sung chính sách, nâng cao mức trợ cấp phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước; Tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công, đặc biệt đối với liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học; Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; đẩy mạnh thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo. Triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chính sách giảm nghèo đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số hướng tới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

 Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho hộ nghèo, người nghèo theo hướng chuyển dần sang hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Bổ sung một số chính sách hỗ trợ phù hợp đối với hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo; tăng cường các chính sách hỗ trợ cộng đồng để đảm bảo thoát nghèo bền vững. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội.

Thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội đã ban hành; từng bước mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội, nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên và mức nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách trợ giúp xã hội phù hợp với thực tiễn đất nước và hội nhập quốc tế. Củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội theo quy hoạch nhằm hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đối tượng bảo trợ xã hội theo hướng phát hiện sớm, can thiệp, trợ giúp kịp thời những người dân có vấn đề xã hội. Khuyến khích xã hội hóa, huy động sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội vào việc đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em nhằm tạo môi trường luật pháp đầy đủ, thân thiện với trẻ em và môi trường xã hội phù hợp với trẻ em; Từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em và trẻ em giữa các vùng, miền. Nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em.

Tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, tình nguyện viên làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em các cấp; từng bước chuyên nghiệp hoá mạng lưới tổ chức và đội ngũ cán bộ công tác xã hội làm việc với trẻ em;

Xây dựng, nhân rộng mô hình hiệu quả về bảo vệ, chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng; mô hình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; mô hình phòng chống tai nạn thương tích; mô hình hỗ trợ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bị buôn bán; mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong nhà trường và cộng đồng...

Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành các chính sách, pháp luật đối với phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới; Tăng cường thực hiện quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, trong chiến lược, kế hoạch, chương trình công tác của Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phấn đấu thu hẹp rõ rệt khoảng cách giới; nâng vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, địa bàn trọng điểm có bất bình đẳng giới hoặc nguy cơ có sự mất bình đẳng giới cao; đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình.

Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về dự phòng và điều trị nghiện; phòng, chống mại dâm; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn nghiện hút ma tuý, mại dâm. Nhân rộng mô hình xã, phường phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh mới tệ nạn ma túy, mại dâm; mô hình dạy nghề, tạo việc làm và quản lý đối tượng sau cai tại cộng đồng, tập trung vào các giải pháp đảm bảo việc làm, thu nhập, tái hoà nhập cộng đồng bền vững cho các đối tượng sau cai; mô hình về phòng ngừa và hỗ trợ trực tiếp cho người bán dâm tại cộng đồng bên cạnh các chương trình hỗ trợ, lồng ghép HIV/AIDS, giảm nghèo… tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ bán dâm được học nghề, tìm việc làm, hòa nhập cộng đồng.  

Chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2016

Chỉ tiêu Quốc hội giao:

Tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới  4%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% vào năm 2020, năm 2016 là 53%.

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 1 - 1,5%/năm; năm 2016 là 1,3 – 1,5% (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%).

Chỉ tiêu kế hoạch ngành

Giải quyết việc làm cho 7.5 - 8 triệu người, gồm: Tạo việc làm trong nước cho 7 - 7.5 triệu người; số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 500.000 người. Năm 2016, giải quyết việc làm cho 1,5 - 1,6 triệu người lao động, gồm: Giải quyết việc làm trong nước 1,4 - 1,5 triệu người; xuất khẩu lao động 100.000 người.

- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động đạt 50% vào năm 2020, năm 2016 đạt 23 – 25%.

- Tuyển mới 10,75 triệu người ; năm 2016, tuyển mới dạy nghề 2,15 triệu người.

- Tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo đạt 9,451 triệu người; năm 2016 khoảng 1,887 triệu người.

 Đến năm 2020 đảm bảo 99% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, năm 2016 là 98,5%; phấn đấu 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ người có công, năm 2016 là 98,5%.

100% các đối tượng  bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 85% các đối tượng người khuyết tật được tiếp cận tối thiểu 1 trong các dịch vụ xã hội, năm 2016 khoảng 81%.

 Đến năm 2020 có 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, năm 2016 khoảng 86%; 85% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, năm 2016 khoảng 80%.

Tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý đạt 90% vào năm 2020, năm 2016 là 74%; giảm tỷ lệ điều trị nghiện bắt buộc tại các trung tâm cai nghiện xuống còn 6%, năm 2016 là 17%; số người bán dâm được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội khoảng 75.000 người, năm 2016 là 15.000 người.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh