Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, đạt 7,03 tỷ USD
- Tây Y
- 20:14 - 26/07/2019
Hết tháng 6, cả nước có 3 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may.
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 6, xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt trị giá 21,43 tỷ USD, giảm 2,2% (tương đương 477 triệu USD) so với tháng 5 trước đó.
Trong đó, điện thoại và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất cả nước đạt 23,5 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018. Dù đạt tốc độ tăng trưởng thấp nhưng so với những tháng đầu năm tăng trưởng âm, sự trở lại như kết quả chung 6 tháng đầu năm cũng là điều đáng khích lệ với nhóm hàng điện thoại và linh kiện.
Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng này sang EU (28 nước) đạt 6,33 tỷ USD, giảm 6,7%; xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 4,18 tỷ USD, tăng 81,9%; sang thị trường Hàn Quốc đạt 2,37 tỷ USD, tăng 6%...
Nhóm máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 15,52 tỷ USD tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2018 là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2.
6 tháng đầu năm, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Trung Quốc đạt 3,98 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường EU đạt 2,41 tỷ USD, giảm 5,6%; sang thị trường Hoa Kỳ đạt 2,3 tỷ USD, tăng mạnh 77%; sang Hàn Quốc đạt 1,35 tỷ USD, giảm nhẹ 0,6%...
Hàng dệt may đứng vị trí thứ 3 với kim ngạch 15,09 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Các vị trí tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 1,77 tỷ USD, tăng 4,4%; thị trường EU đạt 1,98 tỷ USD, tăng 5,1%...
Ngoài 3 nhóm hàng “chục tỷ USD”, những mặt hàng xuất khẩu lớn khác có thể kể đến như: Nhóm hàng nông sản (bao gồm hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su) đạt 8,4 tỷ USD, giảm 10,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 8,23 tỷ USD, tăng 6,5%; giày dép đạt 8,74 tỷ USD, tăng 13,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,82 tỷ USD, tăng 16,6%...
Nguyễn Thanh