CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:26

Hoa hậu phải đại diện cho cái đẹp

 

Thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2018 trong phần thi trang phục biển. Ảnh: BTC cuộc thi

Việc một á hậu liên quan đến vụ án mại dâm mới bị phát hiện đã làm khuấy động dư luận xã hội về giá trị của danh hiệu hoa hậu và mục đích của việc thi hoa hậu. Báo Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018, xoay quanh chuyện thi hoa hậu hiện nay.

Sự kiện văn hóa để tôn vinh cái đẹp

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay việc tổ chức thi hoa hậu tràn lan, cả trong và ngoài nước và ngày càng có nhiều hoa hậu có nhân thân không tốt, dính án kinh tế, bán dâm... Có ý kiến cho rằng hãy coi thi hoa hậu như thi game show, không nên quản lý làm gì. Cũng có ý kiến cần phải siết việc quản lý các cuộc thi để có chất lượng hơn. Ý kiến của ông như thế nào?

+ Ông Lê Xuân Sơn: Đã là một cuộc thi hoa hậu thì nó phải có ý nghĩa sâu sắc của nó chứ không thể như một game show được. Cuộc thi hoa hậu Việt Nam thì phải là một sự kiện văn hóa, trong đấy thí sinh không chỉ thể hiện được giá trị của mình mà ban tổ chức cùng với cuộc thi cũng phải đưa lại cho các thí sinh những giá trị bồi bổ cho họ. Để sau khi tham gia cuộc thi ấy, họ bước ra ngoài trở thành người tốt hơn và họ sẽ thấy rằng họ phải làm những điều tốt đẹp chứ không thể làm điều xấu được.

 

 

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong

Ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Đoàn Thanh niên đã giao cho báo Tiền Phong nhiệm vụ tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam phải đúng nghĩa sân chơi văn hóa lớn nhất cho nữ thanh niên Việt Nam, có nghĩa vụ tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam chứ nó không thể nào là một game show được.

Ở những cuộc thi khác, tôi không hiểu người ta tổ chức như thế nào. Cũng có thể người ta tổ chức chưa được chặt chẽ nhưng cũng có thể là sự không may, những thí sinh như thế lọt được vào cuộc thi đấy, không thể nói trước được điều gì. Có thể có những thí sinh lọt được vào cuộc thi và họ thể hiện một cách bình thường nhưng họ nhắm đến một cái danh hiệu để sau này họ ra ngoài vụ lợi, làm những điều không tốt đẹp.

Cụ thể, với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, ông nhắm tới những giá trị nào?

+ Với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, chúng tôi cố gắng làm thế nào để hướng các thí sinh vào các hoạt động họ cảm thấy thể hiện giá trị con người, giá trị cuộc sống và họ phải đóng góp vào việc tôn vinh những giá trị đấy. Cụ thể như chúng tôi tổ chức cuộc thi Người đẹp nhân ái. Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam rất thận trọng khi xem xét hồ sơ, nghiên cứu lịch sử thí sinh qua những trường học họ trải qua, những hoạt động họ tham gia, những nơi họ làm việc, qua những người xung quanh nữa thì mới đánh giá đúng nhất để không trao giải cho những người có khả năng có những hành vi xấu.

Theo tôi nghĩ, phải quản lý những công ty tổ chức thi hoa hậu chặt hơn chứ không thể thả nổi, vì thi hoa hậu là tìm ra và tôn vinh cái đẹp. Nếu thả nổi nó thì đương nhiên nó sẽ lung tung và không còn ý nghĩa cao đẹp đó nữa.

Tôi nghĩ hoa hậu không bao giờ là một cuộc thi bình thường được, ngay cả ở những nước khác nó vẫn là một sự kiện văn hóa được chú ý. Tuy nhiên, có nhiều loại cuộc thi, có những cuộc thi hoa hậu nhưng đúng là một game show bình thường, không phải cuộc thi nào mang tên hoa hậu cũng là một cuộc thi hoa hậu. Nếu tổ chức một cuộc thi hoa hậu đúng nghĩa, nó phải là một sự kiện văn hóa.

Thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2018 trong phần thi trang phục biển. Ảnh: BTC cuộc thi

 

Cơ chế để tước danh hiệu hoa hậu làm xấu

. Khi truyền thông đưa tin về vụ bán dâm có tên một á hậu gây ồn ào dư luận, lập tức ban tổ chức các cuộc thi sắc đẹp đã ra văn bản tước danh hiệu. Trước đây, Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên từng bị dư luận yêu cầu tước danh hiệu vì hút thuốc, say xỉn nhưng có ý kiến cho rằng không thể tước vì chưa có quy định, ban tổ chức cuộc thi cũng đã giải tán. Vậy hiện nay cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã có quy định thu hồi danh hiệu hoa hậu chưa, thưa ông?

+ Trường hợp của Kỳ Duyên trước đây tuy ban tổ chức cuộc thi Kỳ Duyên đăng quang đã giải tán nhưng vẫn có đơn vị kế thừa trách nhiệm về cuộc thi là báo Tiền Phong nên báo đã cùng với các bên có trách nhiệm ngồi lại xử lý. Lỗi của Kỳ Duyên chưa đến mức phải tước danh hiệu nên cô ấy chỉ nhận kỷ luật cảnh cáo. Sau đó Kỳ Duyên có sự cố gắng cải thiện hình ảnh của mình.

Hiện nay, về mặt quy chế tôi chưa tìm thấy một quy định gì về việc thu hồi danh hiệu của các hoa hậu đã hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, một hoa hậu dù hết nhiệm kỳ nhưng thực hiện một điều gì đấy mà không thể chấp nhận được, tôi nghĩ phải có một hình thức nào đấy để cô ấy không bao giờ còn được mang danh hiệu hoa hậu nữa. Hình thức nào đấy thì các cấp quản lý nhà nước cùng với đơn vị ngày xưa tổ chức cuộc thi cô ta đăng quang sẽ bàn với nhau.

Hiện nay, chúng ta thấy rằng ngay cả những quan chức về hưu người ta vẫn cách cái chức nguyên đã từng đảm nhiệm trong quá khứ, tôi nghĩ việc này là một tiền lệ có thể áp dụng vào bất cứ lĩnh vực nào khác trong cuộc sống.

. Bộ VH-TT&DL đang lấy ý kiến về việc sửa đổi quy chế thi hoa hậu, người mẫu. Có ý kiến cho rằng nên cho phép phẫu thuật thẩm mỹ ở các cuộc thi hoa hậu vì nhiều cuộc thi hoa hậu lớn của thế giới đã chấp nhận điều này. Ý kiến của ông ra sao?

+ Quan điểm của tôi là có thể có những cuộc thi dành cho thí sinh giải phẫu thẩm mỹ hay thí sinh chuyển giới. Tuy nhiên, đối với Hoa hậu Việt Nam chúng tôi kiên trì tiêu chí phải có vẻ đẹp tự nhiên. Có những cuộc thi cho những người có vẻ đẹp tự nhiên, có những cuộc thi cho những người giải phẫu thẩm mỹ, hai vẻ đẹp đó nếu pha trộn trong một cuộc thi chung tôi nghĩ đó là một sự không công bằng. Cũng cần có những cuộc thi hoa hậu dành riêng cho những người chuyển giới chứ không thể thi chung cùng các thí sinh không chuyển giới, vì các thí sinh phải được đặt vào những điều kiện như nhau khi chấm thi.

Xin cám ơn ông.


Lý do kéo dài cuộc thi

 Phóng viên: Thưa ông, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 đã kéo dài suốt ba tháng khi chuẩn bị bước vào đêm chung kết ngày 16-9. Có ý kiến cho rằng việc kéo dài ngày như vậy là quá lâu trong khi các thí sinh đều đang ở tuổi học tập, làm việc. Bên cạnh đó, thí sinh phải tham gia quá nhiều các hoạt động mang nặng tính quảng cáo. Ý kiến ông ra sao?

Nhà báo Lê Xuân Sơn: Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hiện nay tổ chức rất nhiều hoạt động nghiệp vụ, hoạt động mang tính cộng đồng. Chương trình Người đẹp nhân ái của cuộc thi mỗi dự án thiện nguyện xã hội kéo dài đến cả tuần nên mất nhiều thời gian. Thi hoa hậu thì đương nhiên ban tổ chức phải vận động rất nhiều nhà tài trợ. Việc trả quyền lợi cho các nhà tài trợ là đương nhiên. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lắng nghe ý kiến góp ý để mà điều chỉnh làm sao cho nó phù hợp nhất.

Tước danh hiệu hoa hậu vì… dính dao kéo

Tháng 9-2017, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Sắc đẹp hoàn mỹ toàn cầu 2017 - Miss Perfect Global Beauty 2017 tổ chức tại Hàn Quốc (dành cho các cô gái Việt sinh sống và làm việc trên toàn cầu) đã đưa ra thông báo chấp nhận các thí sinh đã từng can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ. Thậm chí cuộc thi còn khuyến khích các cô gái “thà đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên”.

Hiện ở Việt Nam, các người đẹp đã qua phẫu thuật thẩm mỹ không được phép tham gia các cuộc thi hoa hậu. Nhiều thí sinh bị tố cáo giải phẫu thẩm mỹ đã bị buộc rời khỏi cuộc thi sắc đẹp họ đang tham gia, thậm chí bị thu hồi danh hiệu như trường hợp của Nguyễn Thị Thành ở cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017.

Theo Hòa Bình/ Pháp luật TP.HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh