Hóa đơn tiền điện tăng gần gấp đôi, EVN lý giải ra sao?
- Tây Y
- 16:48 - 24/04/2019
Nhiều hộ dân, đơn vị sản xuất tại TP.HCM “giật mình” khi hôm nay nhận được hóa đơn tiền điện với con số phải trả ở mức ngất ngưởng.
Ông Lê Thanh Tâm – Chủ một doanh nghiệp may M. tại quận Tân Phú TP.HCM nói, biết giá điện tăng lên 8,3% từ ngày 20/3, nhưng hóa đơn tiền điện của tháng 3 khiến ông “giật mình” vì số tiền phải trả gần gấp đôi tháng trước.
Cụ thể, hóa đơn tiền điện tính đến kỳ ngày 13/3 của ông Tâm chỉ khoảng 9,3 triệu đồng. Song, hóa đơn lần này, tính đến ngày 10/4, số tiền lên đến hơn 17 triệu đồng.
Hóa đơn tiền điện tăng gần gấp đôi của một công ty may mặc tại quận Tân Phú
Nhiều hộ gia đình tại TP.HCM cũng phản ảnh phí điện tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Bà Nguyễn Thị Lệ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, thông thường gia đình 3 người xài điện chỉ tốn khoảng 250.000-300.000 đồng/tháng nhưng tháng 3 rồi, tiền điện lên tới 550.000 đồng.
Ngoài việc mở máy lạnh thêm từ 21h đến khoảng 3h sáng là tắt (khoảng 6-7 tiếng), hầu như nhà bà không có thêm thiết bị điện nào phát sinh.
Trả lời về diễn biến trên, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCM) cho biết, nguyên nhân chủ yếu làm tăng giá điện trong tháng 3 này là do lượng điện tiêu thụ nhiều hơn. Cụ thể, với phản ảnh của công ty may mặc tại quận Tân Phú, EVN HCM chỉ ra, tổng điện năng tiêu thụ kỳ mới đây là 7.676 kwh, nhiều hơn kỳ trước (4.433 kwh). Rõ ràng con số tăng đến 73,15%. Đây là lý do chính dẫn đến tổng tiền điện tăng.
Bên cạnh đó, tháng 3 tới 31 ngày, nhiều hơn tháng trước 2-3 ngày (tháng 2 có 28 ngày) nên khối lượng điện tăng.
Ngoài ra, do tháng 3 nắng nóng nên các hộ thường xuyên dùng máy làm mát...
Thứ ba, điện tăng giá 8,36% từ ngày 20/3. Giá mới là 1.864 đồng/kWh thay cho giá cũ 1.720,65 đồng/kWh.
"Trường hợp người dân có bất kỳ nghi ngờ nào về cách tính giá hoặc số lượng điện tiêu thụ chênh lệch quá nhiều so với những tháng trước, điện lực sẽ cho người xuống kiểm tra, giải thích.
Nếu người dân thấy không thỏa đáng, đơn vị sẽ giao cho một đơn vị thứ 3 (đơn vị đo lường, kiểm chứng trực thuộc nhà nước) không liên quan đến điện lực, đến làm việc", đại diện EVN nói thêm.
Theo lãnh đạo của EVN, cao điểm ngày 18/4, TP.HCM sử dụng 88 triệu kWh/ngày, cao nhất từ trước tới nay. Trước đó, ngày 17/4, con số này là 85 triệu kWh/ngày. Sắp tới, con số này có thể tăng cao.
Nếu tăng thêm 8,3%, tiền điện mỗi tháng sẽ tăng bao nhiêu? Theo Cục Điều tiết điện lực, bạn áp dụng công thức dưới đây: Mti = (Mqi/T) x N (kWh) (Mti – Mức bậc thang thứ i để tính tiền điện (kWh); Mqi – Mức bậc thang thứ i quy định trong biểu giá (kWh); N – Số ngày tính tiền (ngày); T – Số ngày (theo lịch) của tháng trước liền kề (ngày).) Lưu ý, nếu sử dụng vượt quá 400 kWh điện, số tiền điện sẽ tăng rất mạnh. Ví dụ dùng 426kWh/tháng, với cách tính giá mới thêm 8,3% thì hộ dân phải trả thêm khoảng 160.000 đồng. Cụ thể: số tiền áp dụng giá mới là 972,732 đồng, cộng thuế là 97.273, tổng chi trả là 1.070.000 đồng; trong khi đó, trước đây chỉ 909.740 đồng. |