THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:24

Cấp ngay 137 tỷ đồng cho 9 tỉnh bị thiệt hại do xâm nhập mặn

Ruộng đồng bị nứt nẻ do hạn, mặn xâm nhập

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về công tác phòng, chống xâm nhập mặn diễn ra ngày 7/3 tại Cần Thơ.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, theo dự báo El Nino tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm 2016 và trở thành El Nino dài nhất được ghi nhận ở nước ta.

Dự báo mùa khô năm 2016, xâm nhập mặn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 6, muộn hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 2 tháng. Từ tháng 3 trở đi, các vùng cách biển từ 30-45 km, nguồn nước ngọt xuất hiện rất ít và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất. Các vùng cách biển từ 45-65 km, khả năng bị mặn cao (>4g/l) xâm nhập.

Xâm nhập mặn đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh tại 9/13 tỉnh, thành ĐBSCL. Trong lĩnh vực trồng trọt, đến nay đã có gần 139.000 ha bị thiệt hại. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Cà Mau 49.000 ha; Kiên Giang 34.000 ha; Bạc Liêu 11.400 ha và Bến Tre 13.800 ha.

Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tạm ứng hỗ trợ khẩn cấp kinh phí phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn... mỗi địa phương khoảng 50 tỷ đồng (tổng cộng 650 tỷ đồng); Ưu tiên bố trí 1.060 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020) để đầu tư một số hạng mục công trình, công trình để phát huy hiệu quả đầu tư, đưa vào sử dụng phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; Ưu tiên bố trí nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ qua Bộ NN&PTNT giai đoạn 2016-2020 cho các dự án quan trọng có tác động liên vùng với tổng kinh phí là 8.000 tỷ đồng...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, đến đầu tháng 3, xâm nhập mặn sâu đã gây thiệt hại lớn trên diện tích 160.000 ha lúa, gần 127.000 ha cây trồng, đặc biệt là hơn 155.000 hộ dân với trên 700.000 người đang trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt. Vụ lúa hè thu năm nay, khu vực ĐBSCL nếu khô hạn tiếp tục kéo dài như hiện nay thì toàn vùng dự báo sẽ có khoảng 500.000 ha không thể xuống giống đúng thời vụ, chiếm hơn một nửa diện tích của các tỉnh ven biển và gần 30% diện tích gieo trồng của toàn khu vực. “Đưa ra những con số này để thấy tính chất nghiêm trọng và xác định trách nhiệm của chúng ta đối với những thiệt hại đó”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Về các giải pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, mỗi địa phương tùy theo tình hình của mình phải đảm bảo cho được nguồn nước ngọt sinh hoạt hợp vệ sinh cho dân. Mặt khác, bằng các giải pháp phù hợp, sáng tạo để bảo vệ, giảm thiệt hại tới mức thấp nhất đối với sản xuất.

Đối với việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, Thủ tướng chỉ đạo những gì đã có quy định thì cứ theo ba-rem mà thực hiện. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ cấp ngay 137 tỷ cho 9 tỉnh bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn đã có thống kê và đề xuất hỗ trợ; 4 địa phương còn lại sớm cập nhật để Thủ tướng Chính phủ quyết định...

Về nguồn vốn, từ ngân sách tập trung đầu tư trung hạn, hỗ trợ có mục tiêu, Trái phiếu Chính phủ, ODA cần được ưu tiên cho khu vực ĐBSCL và lĩnh vực biến đổi khí hậu, phòng, chống xâm nhập mặn. Ngân sách địa phương cũng cần tập trung cho lĩnh vực này. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách để khuyến khích xã hội hóa. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh