THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:36

Hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân: Giúp giảm áp lực cho ngành y

 

Năm 2017: 3 địa phương thí điểm sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh đã tiến hành thí tại huyện Yên Lập, đã khám và lập Hồ sơ sức khỏe cho hơn 62.000 người/92.794 người, đạt 67%. Từ tháng 3 đến hết tháng 6/2017, Phú Thọ đặt mục tiêu khám và lập hồ sơ sức khỏe cho trên 90% dân số trên địa bàn. 

Tỉnh Bắc Ninh cũng đã thí điểm triển khai tại hai xã thuộc huyện Quế Võ, khám và lập hồ sơ sức khỏe (điện tử) cho trên 15.000 người. Dự kiến trong 5-6 tháng tới, Bắc Ninh sẽ triển khai trong toàn toàn tỉnh. 

Còn theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ năm 2014, Hà Nội đã triển khai mô hình bác sỹ gia đình. Các quận, huyện triển khai theo mô hình bác sỹ gia đình đã thực hiện quản lý trên 35.000 hồ sơ sức khỏe. Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội đang xây dựng kế hoạch triển khai quản lý hồ sơ cá nhân để trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt. Hà Nội sẽ thành lập Ban chỉ đạo từ cấp Thành phố đến các quận, huyện, dự kiến từ 1/3- 9/2017 sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra. 

Sau khi báo cáo tiến độ việc khám và lập Hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân,  các địa phương đề xuất Bộ Y tế ban hành kế hoạch triển khai quản lý hồ sơ cá nhân để địa phương có căn cứ triển khai và hướng dẫn việc khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe để các địa phương triển khai thực hiện. 

 

Mọi thông tin về sức khỏe của người dân sẽ được lưu giữ tại trạm y tế xã phường và cập nhật vào máy tính.

 

Sớm nhân rộng mô hình ra các địa phương trên toàn quốc

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết,  các chuyên gia của Bộ Y tế đã thiết kế một hồ sơ quản lý sức khỏe theo các nhóm tuổi: 0-6 tuổi, 6-18 tuổi, 18-60 tuổi và người cao tuổi.Trong đó, ngoài tiền sử sức khỏe, chiều cao cân nặng, có dị tật hay không thì mỗi người sẽ được xét nghiệm máu và công thức máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm tổng quát ổ bụng, xét nghiệm đường huyết và khám mắ. Các thông tin này sẽ được lưu bản cứng tại trạm y tế xã phường, cập nhật vào máy tính và lưu trữ dữ liệu đám mây theo hình thức bảo mật thông tin.

Theo ông Khuê, hiện có 17 triệu người dân chưa có thẻ bảo hiểm y tế, tuy nhiên dự án này sẽ quản lý sức khỏe cho cả những người chưa có thẻ và chi phí đều do bảo hiểm chi trả. Bên cạnh đó, có đến 70% người bệnh ung thư ở Việt Nam đến bệnh viện khi bệnh đã nặng, giai đoạn muộn, tỉ lệ tử vong cao. Việc sàng lọc, phát hiện bệnh, quản lý sức khỏe từ sớm như thế này sẽ giúp phát hiện bệnh sớm, chất lượng điều trị sẽ tăng và chất lượng sống của người dân cũng tăng lên.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đề nghị các đơn vị liên quan xây dựng và thống nhất việc khám, lập hồ sơ gồm những xét nghiệm gì (nhóm máu, công thức máu, đường huyết…); siêu âm gì và khám, chuyên khoa cho những đối tượng nào để thống nhất trong việc khám và quản lý Hồ sơ. Từ đó, tính chi phí đối với từng hồ sơ quản lý để dự trù kinh phí và nguồn lực thực hiện. 

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe không phải lập cho xong mà phải luôn được cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe, các chuyên khoa của các đối tượng khác nhau. Việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục sẽ giúp phát hiện sớm hầu hết các bệnh thông thường và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám, chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực với ngành y tế.

Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dự kiến quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi cho 2,2-2,3 triệu người dân hai tỉnh Phú Thọ và Bắc Ninh Bình quân 60.000 đồng/người để lập hồ sơ quản lý sức khỏe ban đầu, thăm khám năm chỉ số cơ bản và tiến tới mỗi năm sẽ khám lại một lần. Sau khi triển khai ở Phú Thọ và Bắc Ninh, dự án này tiếp tục được mở rộng ra các địa phương khác trong toàn quốc. Việc mở rộng sẽ được tiến hành từ năm 2017.

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh