THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:02

Hồ sơ người có công tồn đọng: Còn một căn cứ nào, một manh mối nào, chúng tôi vẫn xác nhận

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh như vậy khi giải trình, làm rõ các vấn đề mà cử tri quan tâm sáng nay 20/11 tại phiên thảo luận hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Chưa thể hết hồ sơ tồn đọng

Liên quan đến việc thực hiện chế độ chính sách người có công, tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) đánh giá cao sự nỗ lực rất lớn của Bộ LĐ-TB&XH.

Theo đại biểu, trong cả nước, ngành LĐ-TB&XH cũng đã thực hiện việc tổng điều tra, rà soát trong lĩnh vực chính sách đối với người có công nhiều lần.

Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, đại biểu trăn trở, cái khó hiện nay là những vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ cũng rất lớn, và rất khó, do nhiều trường hợp không giữ được hồ sơ gốc, các giấy tờ liên quan đau ốm, bệnh tật...

“Chiến tranh đã qua đi rất nhiều năm, nên cán bộ hiện nay làm chế độ, gọi là lãnh đạo ở các địa phương là thế hệ đàn con, đàn cháu rồi nên nhiều người cũng không còn nhớ đến người đó nữa. Vì thế khi lập hồ sơ là rất khó, rất vướng ở các địa phương, trong khi cử tri vẫn tha thiết kiến nghị rất nhiều lần”, đại biểu Hạnh trăn trở.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) đánh giá cao sự nỗ lực rất lớn của Bộ LĐ-TB&XH trong việc thực hiện chế độ chính sách người có công

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) đánh giá cao sự nỗ lực rất lớn của Bộ LĐ-TB&XH trong việc thực hiện chế độ chính sách người có công

Làm rõ quan tâm của đại biểu về hồ sơ người có công tồn đọng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, trong nhiệm kỳ trước, từ năm 2018 Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết về vấn đề này.

Sau đó Chính phủ có 3 nghị quyết chuyên đề và giao cho Bộ trưởng Bộ LĐ–TB&XH ban hành quyết định cá biệt để xử lý, tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng.

“Trải qua 7 năm chúng tôi đã rà soát trên 7.000 hồ sơ tồn đọng qua tất cả các thời kỳ đang nằm ở các địa phương, các cơ quan, các bộ, ngành. Cho đến nay trên 7.000 hồ sơ này rà soát, và đã xác nhận được hơn 2.600 trường hợp là liệt sĩ, chủ yếu là chống Pháp. Người hy sinh lâu năm nhất được xác nhận kể từ khi hy sinh là 103 năm, cho đến nay cũng có hơn 2.500 hồ sơ được xác nhận là thương binh và người hưởng chính sách thương binh”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

“Tuy nhiên, hiện nay đã hết hồ sơ tồn đọng chưa thì chúng tôi khẳng định là chưa, nhưng chủ yếu là những hồ sơ có tính chất là cá biệt”, Bộ trưởng khẳng định, và nêu ví dụ, như đại biểu Lý Tiết Hạnh nói ở Bình Định trường hợp liệt sĩ Đặng Thành Tuấn kéo dài mấy chục năm để đề xuất hồ sơ nhưng không có hồ sơ.

Lãnh đạo Bộ thông tin, Bộ LĐ-TB&XH đã cùng với quân đội, cùng với tỉnh Bình Định rà soát lại gần 1 năm và cuối cùng xác nhận được trường hợp này là liệt sĩ. Đến bây giờ những trường hợp còn lại là những trường hợp vô cùng khó khăn, có những trường hợp mất mấy năm mới tìm hiểu xong.

“Những trường hợp cá biệt này Bộ sẽ phối hợp với các địa phương cùng với quân đội, công an và các ngành, còn một căn cứ nào, còn một manh mối nào thì chúng tôi vẫn xác nhận”, Bộ trưởng làm rõ.

Từ đó, ông Dung nêu thực tế giải quyết các trường hợp hồ sơ tồn đọng như vậy là vô cùng khó khăn, “vì hồ sơ chứng cứ không còn, người làm chứng cũng không còn, về nguyên tắc không có một căn cứ gì, thì không thể xem xét được vấn đề này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trăn trở, “mong đại biểu thông cảm, không phải ngành không quan tâm, không đầu tư vào vấn đề này”.

Thêm một lần nữa, ông thông tin, Bộ cũng đã thành lập hội đồng của các ngành để xem xét từng trường hợp khi giải quyết hồ sơ tồn đọng.

Toàn cảnh phiên thảo luận Hội trường

Toàn cảnh phiên thảo luận Hội trường

Tập trung hỗ trợ nhà ở người có công

Cũng liên quan đến người có công, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) đề nghị cần khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng. Đặc biệt trước những diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu, tình hình mưa, bão, lũ diễn biến phức tạp.

Đại biểu cho biết, vừa qua, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã phản ánh và Bộ Xây dựng cho biết, trên cơ sở hồ sơ được Bộ Xây dựng trình, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ LĐ - TB&XH tiến hành rà soát các nguồn vốn để hỗ trợ.

Sau khi nhận được ý kiến của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. 

“Có thể nói, việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, đặc biệt là về nhà ở, các địa phương trong cả nước, trong có đó tỉnh An Giang đang rất mong chờ”, nữ đại biểu đoàn An Giang nói, và đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về chính sách nhà ở người có công, giai đoạn trước chúng ta đã triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở người có công, ban đầu là 80.000 căn nhà, sau đó phát sinh lên 419.000, gần 500.000 căn nhà.

Quốc hội, Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện đầy đủ giai đoạn 1. Hiện nay, giai đoạn hai theo chủ trương của Chính phủ và Quốc hội cho phép, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và  Đầu tư chủ trì cùng với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính… Còn về phía trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH là thẩm định hồ sơ chứ không chủ trì trong đề án này.

Về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, ông Dung cho biết, đây là vấn đề mà trong Nghị quyết của Quốc hội cũng đã nhấn mạnh. Chính phủ đã có Nghị quyết chuyên đề, giao trực tiếp cho Bộ Công an, Bộ TT&TT cùng Bộ LĐ-TB&XH và các ngành và đang triển khai các phương án khác nhau.

Tuy nhiên tình hình vừa qua chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí là có tăng. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn các ngành với chức năng của mình, đặc biệt là trong Chương trình hành động quốc gia bảo vệ trẻ em đã ban hành và đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, sẽ cố gắng trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh hơn việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Đồng thời, ông Dung khẳng định, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm nếu có.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh