THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:43

Xác minh làm rõ hồ sơ 2 “liệt sỹ” giả ở Cần Thơ

o

2 người quá cố bị làm giả hồ sơ công nhận là liệt sỹ là ông Lương Văn Giáo và Lương Văn Thành đều ở huyện Cờ Đỏ, (TP.Cần Thơ). Cả hai ông không tham gia cách mạng mà chỉ mê đờn ca tài tử.

2 “liệt sỹ” mê đờn ca tài tử

Trao đổi với báo chí, ông Lê Minh Lợi,  Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ TB&XH TP.Cần Thơ, người trực tiếp đi xác minh vụ việc về 2 “liệt sỹ” trên cho rằng, đã gặp rất nhiều khó khăn, phải mất 2 năm mới tìm được nhân chứng, người ký xác nhận hồ sơ…và tìm ra sự thật đúng như người tố cáo. 

Ông Lê Minh Lợi (thứ 2 phải qua) người trực tiếp đi xác minh tìm ra sự thật 2 hồ sơ liệt sỹ làm giả.

Cụ thể, tháng 6/2013, gặp vợ chồng ông Phạm Văn Năm và Phạm Thị Sáu, trú tại ấp Thới Xuyên, xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ (trước năm 1975 ông Phạm Văn Năm làm công tác thiếu nhi tại ấp Thạnh Lộc, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, giữ chức vụ Chính trị viên Đại đội thiếu nhi). 

Trước giải phóng 1975, vợ chồng ông Năm sống cách nhà ông Lương Văn Giáo khoảng 50m. Còn ông Lương Văn Thành, sống ở ấp Thới Phong, xã Thới Đông (huyện Cờ Đỏ) thường xuyên qua rủ ông Lương Văn Giáo đi chơi đờn ca, chứ không tham gia cách mạng. 

Theo ông Năm, cái chết của ông Lương Văn Giáo và ông Lương Văn Thành là trong một lần đi đờn ca tại đám cưới trong kênh Bà Đầm và ngủ lại qua đêm. Đến sáng bị lính Kiên Giang bắt và dẫn đi bắn tại vàm kênh Tô Ma. 

Ngày 30/7/2013, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH có buổi làm việc với ông Lê Văn Quang (Năm Lại), trú ấp Thới Bình 2, xã Thới Xuân, (huyện Cờ Đỏ) xác nhận ông Lương Văn Thành là dân đờn ca tài tử và ông Lương Văn Giáo, sống tại Kênh Đôi Công lớn, Kiên Giang cũng là dân đờn ca tài tử. 

Việc ông Thành, ông Giáo có tham gia tổ chức cách mạng hay không thì ông Quang không nắm nhưng trường hợp chết của ông Thành, ông Giáo là đi đờn ca ở đám cưới tại kênh Năm Tỷ (tỉnh Kiên Giang) bị lính Sáu Sang chi khu quận Giồng Riềng, Kiên Giang đột kích bắt và dẫn đi bắn.

Con của “liệt sỹ” chủ mưu làm giả?

Tháng 10/2013, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ phối hợp với Thanh tra Sở LĐ TB&XH Kiên Giang, tiến hành làm việc với ông Huỳnh Văn Võ (SN 1935), trú tại ấp Thạnh Thẳng, xã Thạnh Lộc, (huyện Giồng Riềng) là người xác nhận cho 2 trường hợp “liệt sỹ” Lương Văn Giáo và Lương Văn Thành. 

Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ kết luận hồ sơ “liệt sỹ” Lương Văn Giáo và Lương Văn Thành là giả mạo.

Ông Võ xác nhận, ngày 15/8/1999, ông chỉ ký tên trên tờ giấy viết sẵn do con của ông Giáo và ông Thành bảo ký nhưng không xem nội dung. Lực lượng Thanh tra cho ông Võ xem 2 tờ giấy do ông xác nhận, ông khẳng định: “Nội dung của 2 giấy xác nhận trên không đúng sự thật, ông xin rút lại 2 giấy xác nhận ngày 15/8/1999, đối với ông Giáo và ông Thành”. 

Lý do ông Võ rút lại là vì 2 ông này không đi công tác và không có chiến đấu với địch theo như giấy xác nhận ngày 15/8/1999 của ông Phạm Kiên Định (Chín Định)… 

Cũng trong tháng 10, Thanh tra sở tiếp tục làm việc với ông Lương Hùng Dũng là con của “liệt sỹ” Lương Văn Thành, tại huyện Cờ Đỏ. Ông Dũng cho biết, lúc cha ông là Lương Văn Thành chết, ông Dũng mới 4 tuổi nên không nắm sự việc xảy ra. 

Đến năm 1999, khi xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (đơn vị giáp ranh xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) khánh thành trụ sở UBND xã, ông Dũng và ông Lương Phát Đạt gặp được ông Phạm Kiên Định (Chín Định) bảo làm hồ sơ để ông Định xác nhận. 

Năm 2000, gia đình ông Dũng mới lập hồ sơ liệt sỹ tại tỉnh Kiên Giang và sau đó chuyển về xã Thới Đông, (huyện Cờ Đỏ). Cùng thời điểm này, ông Lương Phát Đạt cũng làm hồ sơ để công nhận cha mình là “liệt sỹ” Lương Văn Giáo. 

Sau khi Thanh tra Sở làm việc với những người con của “liệt sỹ”, ông Lương Phát Đạt và Lương Hùng Dũng đã cung cấp thông tin thêm, bổ sung về cái chết của cha mình trong quá trình tham gia cách mạng. Tuy nhiên, những chứng cứ của ông Đạt và ông Dũng cung cấp không đủ điều kiện chứng minh là sự thật. 

Theo Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh