THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:05

Họ đã xa dân như thế

Xe cán bộ trên 5 tỉ đồng

Những ngày qua, dư luận ở Sóc Trăng không ngớt bàn tán về việc tỉnh này dùng tiền từ nguồn tiền phạt vi phạm giao thông mua bốn chiếc Lexus 570 vượt tiêu chuẩn cho phép.

Sóc Trăng là một tỉnh nghèo nhất nhì Đồng bằng sông Cửu Long, với gần 35% dân số là đồng bào dân tộc ít người mà một cơ quan công quyền trang bị tới 4 xe Lexus 570 biển số 83A-004.68, 83A-033.33, 83A-066.66 và 83A-099.99 mang hàm ý phát tài, phát lộc, có thể nói là một biểu hiện sinh động của sự xa dân.

Ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang bên chiếc xe Lexus từng mang biển số xanh của Hậu Giang 95A-0699 nay được thay lại biển số trắng

Những chiếc xe Lexus này có giá từ 3-5 tỷ đồng, trong khi quy định sử dụng xe công theo quy định với các chức danh Thứ trưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh… chỉ được sử dụng xe không quá 920 triệu đồng.

Trong khi đó Nghị định số 106/2009/NĐ-CP ngày 16/11/2009 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị vũ trang nhân dân, yêu cầu rất rõ việc mua sắm tài sản chuyên dùng phải phù hợp với nhu cầu sử dụng, phù hợp với tiêu chuẩn, định mức, biên chế tài sản và khả năng của ngân sách nhà nước. Còn kinh phí mua sắm tài sản chuyên dùng thì do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Thông tư 89 năm 2007 của Bộ Tài chính quy định việc phân bổ tiền thu phạt vi phạm hành chính là được trích 70% cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Có người bình luận: “Rõ ràng theo quy định thì việc trích tiền thu phạt vi phạm hành chính là cho lực lượng trực tiếp tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Còn những chiếc xe ở Sóc Trăng nếu dùng vào mục đích đi lại của lãnh đạo là sai quy định”.
Cũng liên quan đến lãnh đạo sử dụng xe sang vượt tiêu chuẩn Nhà nước cho phép, dư luận đang quan tâm đến ông Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh dùng 2 biển số cho một chiếc xe Lexus siêu sang gắn biển xanh 95A-0699 khiến nhiều người dân choáng ngợp. Khi dư luận cho rằng chiếc xe có giá trị gấp 4-5 lần giá trị chiếc xe mà cấp của ông được dùng, trái với quy định của nhà nước thì ông Thanh nói, đó là xe đi mượn…

Đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp người có chức, có quyền dùng xe vượt tiêu chuẩn, xài sang mặc cho ngân sách nhà nước còn eo hẹp, đời sống người dân còn nhiều gieo neo. Có lẽ họ đã lầm tưởng chiếc xe làm cho họ sang trọng hơn, đẹp đẽ hơn trong mắt người dân… Thật ra không phải như vậy, giá trị đích thực của một quan chức là ở chỗ với cương vị được bầu, được bổ nhiệm họ đã làm được gì để nâng cao đời sống mọi mặt của người dân, đã đóng góp được gì cho những người nộp thuế trả lương và đài thọ mọi chi phí phục vụ công tác của họ. Một quan chức xài sang, tiêu tốn tiền dân mà không làm được gì có ích cho dân thì đó chẳng phải là “sâu dân, mọt nước” hay sao?!

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một “ông vua con” ở đấy”. Phải chăng xài xe sang bất chấp đời sống nhân dân địa phương còn khó khăn là một biểu hiện dễ thấy nhất của lối sống “ông vua con”?!

Trách nhiệm … vô thời hạn

Trở lại với ông Phó Chủ tịch xài xe siêu sang được thanh minh là xe đi mượn, ôngTrịnh Xuân Thanh, nguyên Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây lắp dầu khí VN (PVC) – Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN, ta xem ông Thanh đã đóng góp được những gì..

Theo báo Thanh niên ngày 3/6 thì PVC là doanh nghiệp từng được phong danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (năm 2011), “tuy nhiên PVC đã thua lỗ liên tiếp các năm 2012 – 2013. Báo cáo của Ban kiểm soát tại Hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết, năm 2013 PVC thua lỗ 2.228,5 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 1.927 tỉ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ – PVC lỗ hơn 3.262 tỉ đồng. Trong năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con của PVC gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị gần như không có việc làm trong suốt năm.

PVC sử dụng phần lớn vốn điều lệ (3.428,68 tỉ đồng/4.000 tỉ đồng vốn điều lệ, tương đương 85,72%) đầu tư góp vốn vào các đơn vị, tuy nhiên hiệu quả vốn đầu tư thấp. Đặc biệt từ cuối năm 2011, khi nền kinh tế khủng hoảng, các đơn vị bộc lộ toàn bộ các yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ. Năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai được khiến PVC thua lỗ hơn 1.848 tỉ đồng.

Tháng 1/2014, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 49 nêu ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) đã yêu cầu PVN phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn cho Tập đoàn của Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí VN, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, báo cáo Bộ Công thương và yêu cầu Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Với trách nhiệm Chủ tịch HĐQT PVC, đáng lẽ ông Trịnh Xuân Thanh phải bị kiểm điểm, xử lý, thậm chí dư luận lúc đó đòi hỏi cần xử lý trách nhiệm hình sự. Nhưng lạ đời và khó hiểu là loanh quanh một hồi, ông Thanh lại được “cất nhắc” về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Tuy nhiên, đó chẳng phải là chuyện hiếm ở Việt Nam hiện nay, báo chí vừa nêu Nhà máy Đạm Ninh Bình, được đầu tư 12.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ Trung Quốc, thường xuyên hỏng hóc, dây chuyền gặp sự cố, lỗ 2.000 tỷ đồng, bây giờ đang tính phương án đóng cửa. Song dù có đóng cửa không hoạt động thì mỗi năm cũng lỗ 1.000 tỷ đồng để trả nợ, trả lãi. Thế nhưng có lẽ rồi cũng chẳng ai phải chịu trách nhiệm. Cơ quan chức năng chắc cũng không mở cuộc điều tra xem giá trị thực của dây chuyền thiết bị là bao nhiêu, hoa hồng lại quả bao nhiêu, mua có đúng qui trình đấu thầu hay không… mà dây chuyền đắt tiền nhưng chất lượng “bãi rác” như vậy.

Đến cuối năm 2015 thì dư nợ công của nước ta chiếm 64% GDP, chúng ta đã bắt đầu phải đi vay để trả lãi vay và trả nợ nước ngoài. Vậy nhưng vẫn còn không ít cán bộ vô cảm, vô tư tiêu xài và ở đâu, lúc nào, cũng thấy có sự xuất hiện của lãng phí và đôi khi là lãng phí vô tội vạ…

Điều đáng buồn là thua lỗ, lãng phí mà không ai phải chịu trách nhiệm cũng không phải trường hợp hiếm hoi. Lướt qua công cụ tìm kiếm, vô số trường hợp như thế lộ ra. Ví dụ, Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân (TP Hạ Long, Quảng Ninh) được Tập đoàn Vinashin xây dựng từ năm 2003 trên diện tích 15 ha, tổng mức đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng. Nhà máy có công suất 500 nghìn tấn/năm, bằng dây chuyền công nghệ của Đức, do các cán bộ, kỹ sư trong nước lắp đặt và vận hành… Tháng 1/2010, nhà máy chạy thử, cho ra mẻ thép tấm đầu tiên đạt yêu cầu, tuy nhiên sau đó bị bỏ hoang vì vướng đại án Vinashin. Hàng trăm tấn sản phẩm đầu tiên sau khi ra lò từ đó đến nay vẫn nằm ngổn ngang trong khuôn viên. Hay công trình nhà máy nước sạch tại phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm với tổng mức đầu tư hơn 23 tỷ đồng, hoàn thành từ năm 2009 nhưng lại bị… bỏ hoang.

Xem ra, chống tham nhũng, lãng phí được coi là một chủ trương lớn, mang tính sống còn mà kết quả việc tìm và diệt tham nhũng, lãng phí còn quá mơ hồ. Hiện tại diễn ra trước mắt người dân dường như trái ngược với những quyết tâm đang được hô hào…

Trở lại công tác cán bộ

Người mang trọng trách như ông Trịnh Xuân Thanh đương kim Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC mà để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như thế, nhưng không những không bị xử lý mà còn được về làm quan chức cấp cao của tỉnh, công tác cán bộ như vậy thì dân sao tin, sao trọng được…

Tại cuộc Hội thảo về một số vấn đề lớn cần sửa đổi của Luật Phòng chống tham nhũng vừa được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hồi tháng 5 mới đây tại Quảng Ninh, một quan chức đã đề xuất một sáng kiến “nghiên cứu không in các loại tiền có mệnh giá lớn, nếu chỉ in loại tiền có mệnh giá 20.000 đồng, không cho phép giao dịch bằng ngoại tệ thì người ta rất khó đưa phong bì bởi khi đó phong bì sẽ rất dày”.

Sáng kiến này được dư luận cho rằng nếu đem ra áp dụng chỉ thể hiện sự bất lực đối với tham nhũng, lãng phí hiện nay mà thôi. Việc đưa và nhận tiền bạc, vật chất trong các đường dây tham nhũng chỉ là phần ngọn và các đối tượng đủ phương tiện và thủ đoạn để thực hiện được giao dịch. Cái gốc là công tác cán bộ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền khá phổ biến trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý, và cả trong các tổ chức chuyên trách công tác vận động quần chúng. Không ít cơ quan chính quyền không tôn trọng ý kiến của dân, không làm công tác vận động quần chúng, chỉ nặng về biện pháp hành chính, mệnh lệnh.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng. Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh. Do đó đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Kẻ địch và các phần tử xấu đã và đang lợi dụng tình hình này để kích động hòng chia rẽ Đảng và quần chúng, mưu toan phá vỡ sự thống nhất giữa Đảng và nhân dân”.

Vậy là Tổng Bí thư đã nhìn nhận, chỉ mặt đặt tên rất rõ ràng những căn bệnh trầm kha mà một bộ phận cán bộ đảng viên đang mắc phải, nhưng chưa điều trị được.

Tổng Bí thư còn nói: “Một số cán bộ, đảng viên nói đến quyền làm chủ của nhân dân như hô một khẩu hiệu suông, không có hành động gì thiết thực. Không ít đảng viên có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến, không học hỏi người lao động, không tích cực làm công tác giáo dục, thuyết phục, vận động quần chúng. Một số cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một “ông vua con” ở đấy. Thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng”.

Như thế, cái gốc của vấn đề là công tác nhân sự, công tác cán bộ. Nếu chủ trương đúng mà qua những cán bộ yếu kém về năng lực và phẩm chất thì chủ trương khó đến với dân, với cuộc sống. Cán bộ kém thì còn bao che, kết bè kết cánh để mưu lợi. Cán bộ kém thì ngày càng xa dân, ngày càng mất lòng tin ở nhân dân…

Tổng Bí thư nhắc lại lời Nguyễn Trãi “ Lật thuyền mới biết dân như nước” là lời cảnh báo nghiêm trọng, quyết không thể xem thường, bắt đầu từ những biểu hiện xa dân ngày càng đậm nét hiện nay của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong toàn quốc.

Tổng Bí Thư yêu cầu kiểm tra việc Phó Chủ tịch Hậu Giang sử dụng xe Lexus

 

Ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe tư nhân nhưng gắn biển xanh.
Theo văn bản này, ngày 3/6, một tờ báo đăng bài “Xe tư nhân gắn biển số xanh và di sản của Phó Chủ tịch Hậu Giang”, Tổng Bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban cán sự đảng các bộ Công Thương, Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo đã nêu.
Tổng Bí thư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban bí thư.

Ông Trịnh Xuân Thanh từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC). Tháng 9/2013, ông Thanh được bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Bộ Công Thương tại Đà Nẵng. Trước khi được luân chuyển về Hậu Giang giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, ông Thanh là Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương.

Theo kết quả công bố mới đây của Hội đồng bầu cử Quốc gia, ông Trịnh Xuân Thanh trúng cử Đại biểu Quốc hội với tỷ lệ 75,28% phiếu tán thành.

Theo Hải Đăng/Phaply.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh