THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:32

HIV/AIDS: Mối đe dọa cần sớm được loại trừ

 

Bài 2: Giải pháp nào để tất cả bệnh nhân HIV đều có thẻ BHYT?

Kiểm soát sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng, tiếp tục làm giảm nhanh, tiến tới thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90 vẫn là ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Thời gian qua, khoảng 80% kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam là được viện trợ từ các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, một số dự án viện trợ đã kết thúc, một số dự án còn lại đang giảm mạnh kinh phí. Việc này đòi hỏi phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân  AIDS sang hệ thống điều trị thanh toán qua BHYT.

Năm 2017: Quốc tế sẽ chỉ hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật 

Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện nay, mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế. Bơm kim tiêm, bao cao su mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và nay tiếp tục giảm do nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm. Điều trị Methadone mới chỉ đạt được 57% chỉ tiêu Chính phủ giao. Điều trị ARV mới đáp ứng được 49% số người nhiễm HIV được phát hiện. Dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS ở miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn khó tiếp cận. 

Trong khi đó, nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn, kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho các chương trình phòng, chống AIDS liên tục bị cắt giảm. Bởi vậy, những tỉnh không có dự án quốc tế tài trợ gặp nhiều khó khăn trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, nên chủ yếu là cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thụ động. Do vậy, các hoạt động can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, huy động và kết nối, chuyển gửi điều trị ARV hầu như không được triển khai tại cộng đồng. 

Dự kiến trong thời gian từ năm 2017, các tổ chức quốc tế đa phương và song phương sẽ giảm nhanh việc tài trợ cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và nếu còn thì chủ yếu hỗ trợ chúng ta về kỹ thuật, do vậy, các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt việc đảm bảo điều trị cho bệnh nhân AIDS sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. 

Cả nước hiện có khoảng 110.000 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc ARV tại các cơ sở y tế. Trong những năm gần đây khi các nhà tài trợ quốc tế cắt giảm viện trợ thì nhiều dịch vụ khám, xét nghiệm và điều trị cho người nhiễm HIV trước đây được các dự án quốc tế chi trả đã chuyển sang cho Quỹ BHYT chi trả nếu người bệnh có thẻ BHYT. Nhiều trường hợp người nhiễm HIV có thẻ BHYT mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc có bệnh khác kèm theo cũng đang được khám chữa bệnh và được Quỹ BHYT chi trả theo quy định. 

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm còn rất thấp, chỉ khoảng 40% so với tỷ lệ người dân nói chung của cả nước  có thẻ BHYT hiện nay là 79%.  Điều này cũng đồng nghĩa với việc gần 70% bệnh nhân còn lại sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí điều trị bằng thuốc ARV kể từ năm sau, khi mà các tổ chức quốc tế ngưng tài trợ loại thuốc này cho Việt Nam.

Được biết, chi phí thấp nhất cho việc điều trị HIV hiện nay là khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người. Đối với bệnh nhân kháng thuốc, chi phí điều trị tăng lên gấp 7 - 8 lần. Như vậy, nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để điều trị bằng thuốc ARV.

 

Số người nhiễm HIV có thẻ BHYT mới chỉ đạt 40%

 

Thuốc điều trị vi rút HIV sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán

Ngày 15/11/ 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg quy định việc thanh toán thuốc kháng vi rút HIV. Theo đó, thuốc điều trị căn bệnh này được mua sắm tập trung cấp quốc gia từ nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi rút HIV.

Với bệnh nhân HIV, khi đi khám bệnh, thuốc điều trị vi rút HIV sẽ được thanh toán từ quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, căn cứ vào văn bản thỏa thuận khung giữa Bộ Y tế và nhà cung ứng thuốc được lựa chọn, tổ chức bảo hiểm y tế ký hợp đồng trực tiếp với nhà thầu cung ứng thuốc.

Theo đó, việc thanh toán chi phí thuốc kháng vi rút HIV thực hiện theo quy định về thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với tổ chức bảo hiểm y tế hiện hành.

Tại các địa phương, việc hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi rút HIV sẽ tùy thuộc vào ngân sách, đảm bảo hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng vi rút HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế thông qua Quỹ khám chữa bệnh người nghèo, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV theo quy định.

Tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có điều trị thuốc kháng vi rút HIV cho người nhiễm HIV sử dụng các nguồn quỹ khác (nếu có) của đơn vị để hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc kháng vi rút cho người nhiễm HIV.

TS  Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng  Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, để tăng cường độ bao phủ của bảo hiểm y tế trong người nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã và đang thực một  loạt các hoạt động như: Hướng dẫn các tỉnh thu thập thông tin của bệnh nhân điều trị HIV/AIDS bao gồm bệnh nhân có thẻ BHYT để có cơ sở cho việc lập kế hoạch mở rộng và điều trị cho người nhiễm HIV, từ đó cũng để xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin về bệnh nhân có thẻ BHYT; Tăng cường truyền thông về bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV bao gồm: truyền thông vận động các lãnh đạo địa phương và những  người nhiễm HIV hiểu sự cần thiết của BHYT cũng như tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế để tư vấn cụ thể cho người nhiễm HIV về lợi ích, quyền lợi và cách tham gia.

“Chúng tôi cũng đã đề xuất Chính phủ có những chính sách hỗ trợ người nhiễm HIV mua thẻ bảo hiểm y tế. Đến nay Thủ tướng Chính phủ đồng ý với mục tiêu làm sao 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT trong thời gian tới trong đó có cả giải pháp sử dụng quỹ kết dư của BHYT để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV thật sự khó khăn.” -TS Hoàng Đình Cảnh cho biết.

 

Người nhiễm HIV khi tham gia BHYT sẽ được giữ kín danh tính

 

Người nhiễm HIV sẽ không sợ bị tiết lộ danh tính và phân biệt đối xử

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BYT ngày 26/6/2015 hướng dẫn khám chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS. 

Theo Thông tư này, ngoài các quy định chung áp dụng đối với người tham gia BHYT một số quy định được bổ sung góp phần giảm thiểu những tác động của việc phân biệt đối xử hoặc bộc lộ thông tin liên quan đến người nhiễm HIV mà vẫn đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh về HIV/AIDS. Cụ thể: 

 Về việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu: người nhiễm HIV tham gia BHYT được quyền đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh BHYT tuyến xã, tuyến huyện mà không phân biệt địa giới hành chính phù hợp với nơi làm việc, cư trú. Trường hợp có nhu cầu, người tham gia BHYT bị nhiễm HIV được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám chữa bệnh BHYT có khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS trong địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện.

Người tham gia BHYT nhiễm HIV đang khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế có điều trị bằng thuốc ARV khi có nhu cầu thì tiếp tục được khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS tại cơ sở đó để bảo đảm thuận lợi trong tiếp cận điều trị, duy trì sự ổn định và hiệu quả trong công tác quản lý, chăm sóc, điều trị và phòng chống HIV/AIDS.

Người tham gia BHYT nhiễm HIV được thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu vào đầu mỗi quý theo hướng dẫn của tổ chức Bảo hiểm Xã hội nơi phát hành thẻ BHYT. Như vậy, trường hợp khi tham gia BHYT nếu cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế không phù hợp, người bệnh sẽ được quyền chuyển cơ sở khám chữa bệnh ban đầu phù hợp đối với người bệnh.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 8, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, những hành vi công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết về việc một người bị nhiễm HIV mà chưa được sự đồng ý của người đó thì bị nghiêm cấm. Cũng theo quy định tại Điều 30 của Luật phòng, chống HIV/AIDS, kết quả xét nghiệm HIV dương tính chỉ được thông báo cho người có trách nhiệm chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV tại các cơ sở y tế. 

Như vậy, việc bảo mật thông tin về quá trình khám chữa bệnh HIV/AIDS đã được quy định, trường hợp cá nhân, tổ chức bao gồm cả người làm việc tại cơ sở y tế, cơ quan BHYT nếu vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh